Góp ý của ông Nguyễn Như Khuê
Về dự thảo LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG ngày 16.10.2009
Nguyễn
Như Khuê
Qua báo chí, người tiêu dùng, cũng như các Hiệp hội ngành
nghề được thông tin về dự thảo Luật Thuế Môi Trường. Theo
“Điều
2. Đối tượng chịu thuế là
“Sản phẩm được sản
xuất bán ra, nhập khẩu gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người,
bao gồm:
1 Nhiên liệu và
sản phẩm từ hoá thạch: Xăng; nhiên liệu bay; dầu diezel; dầu hoả; dầu mazut;
dầu, mỡ nhờn; than; khí thiên nhiên; khí than;
2. Dung dịch HCFC;
3. Thuốc lá;
4. Hạt và bột nhựa
từ sản phẩm hoá dầu; nhựa màng mỏng, phế liệu nhựa nhập khẩu;
5. Pin, ắc qui các loại;
6. Hoá chất tẩy rửa (Trừ các loại chế biến từ thực vật);
7. Axít vô cơ, xút và
8. Sơn công
nghiệp «
Ngoài ra, dự thảo Luật Thuế Môi Trường cũng quy định thêm :
« Điều 4. Đối tượng không chịu
thuế
Đối tượng không chịu thuế môi trường là các sản phẩm thuộc đối tượng chịu
thuế môi trường qui định tại Điều 2 Luật này trong các trường hợp sau :
…
3. Sản phẩm thân thiện với môi trường. »
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 và dự kiến sẽ
được Quốc hội thông qua ở một kỳ họp trong năm 2010 !
Theo
chúng tôi hiểu, nhà nước Việt Nam dự định đưa ra Thuế môi trường làm công cụ nhằm phát triển một nền kinh tế
thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên các nhà làm luật cần phải nắm bắt được
sản phẩm nào thật sự được xác nhận một cách khoa học là thân thiện với môi
trường hơn và sản phẩm nào sẽ không bị đánh thuế và dùng đòn bẩy kinh tế có
được từ thuế để yểm trợ cho sự phát triển
(thí dụ tài trợ cho hoạt động nghiên cứu phát triển) của sản phẩm cần
được ưu đãi. Ở đây người ta không thấy được tiền thu thuế sẽ được dùng như thế
nào để có tác dụng tích cực cho nền kinh tế.
Trước khi
có dư thảo này, các Hiệp Hội ngành nghề không hề được hội ý, tham khảo để có
được những đóng góp tích cực. Là thành viên của Hiệp Hội Nhựa Việt Nam, chúng
tôi chỉ xin giới hạn ý kiến đóng góp liên quan đến ngành Nhựa và sản phẩm Nhựa.
Dự thảo
Luật Thuế Môi Trường dự kiến đánh thuế lên tất
cả « Hạt và bột nhựa từ sản phẩm hoá dầu; nhựa màng mỏng, phế liệu
nhựa nhập khẩu » Vậy sản phẩm nhựa không bị đánh thuế có thể được hiểu là
sản phẩm không từ hóa dầu, là nhựa sinh
học ? Một quyết sách có tính chiến lược như dự thảo Luật thuế Môi
trường phải dựa trên dữ liệu khách quan, khoa học. Năm 2008 toàn thế giới tiêu
thụ 245 triệu tấn nhựa (VN khoảng 2 triệu tấn) và sản lượng nhựa sinh học trên
toàn thế giới là 250 ngàn tấn, bằng một phần ngàn của nhựa từ hóa dầu. Trong
gần hai triệu tấn nguyên liệu nhựa tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2008, thì khoảng
400 ngàn tấn, (20%) được sử dụng sản xuất các mặt hàng là cho sản phẩm nhựa xuất
khẩu, tạo ra doanh thu gần một tỉ US$. Nếu đánh thuế môi trường cũng đồng nghĩa
với việc chúng ta tự trói chân chúng ta trong cuộc chạy đua với các đối thủ
(Trung Quốc, Malaysia, Thailand, Indonesia…) trong khu vực, nơi không có thuế
này. Số lượng còn lại dùng cho xây dựng và phát triển hạ tầng (Ống nhựa, cửa
nhựa….), cũng như xuất khẩu gián tiếp (bao bì thủy sản, bao bì thực phẩm, bao
gạo, ngũ cốc, bao xi măng, bao phân bón…). Thuế lên sản phẩm nhựa sẽ đồng nghĩa
với làm tăng chi phí của các sản phẩm này. Về thị trường nội địa thì chúng ta
càng làm khó hơn cho những nỗ lưc của chính phủ khuyến khích tiêu dùng hàng nội
địa, làm xa hơn khoảng cách về giá giữa sản phẩm trong nước và hàng nhập lậu,
lâu nay đã và đang được tuồn vào thị trường nội địa một cách dễ dàng !
Ngoài
chuyện là sản phẩm nhựa sinh học hiện nay chủ yếu là có xuất xứ từ Châu Âu, và sản
lượng thì thật khiêm tốn, chúng ta còn cần phải nói đến là Việt Nam vừa không
có công nghệ lẫn nguồn nguyên liệu, lẫn diện tích đất dư thừa có thể dùng để
xây dựng hạ tầng cho nhựa sinh học. Vậy thì người ta phải hỏi mục tiêu của việc
đánh thuế này là gì ? Nếu là để yểm trợ cho sản phẩm thân thiện với môi
trường, ở đây là nhựa sinh học, thì chúng ta cần phải xem lại thế nào là thân
thiện với môi trường ? Nhựa sinh học có thật sự thân thiện với môi trường
như ta thường nghe nhắc tới ?
Ngày
26.8.2009 vừa qua, Học Viện Năng Lượng và Môi Trường CHLB Đức tại Heidelberg
(ifeu-Institut) vừa công bố kết quả khảo sát so sánh về môi trường giữa túi rác
sản xuất từ nhựa PE nguyên sinh, nhựa PE tái sinh và nhựa sinh học trên tất cả
các chỉ tiêu môi trường. Nghiên cứu có nhiệm vụ trả lời câu hỏi, liệu dự luật
đánh thuế môi trường của Pháp lên các sản phẩm bằng nhựa, xét về mặt môi
trường, có thuyết phục và đúng đắn không để Ủy ban Châu Âu sẽ phải xem xét
các dữ kiện này.
Kết quả
của nghiên cứu thật rõ ràng. Dựa trên tất cả các chỉ tiêu về môi trường như
năng lượng tiêu thụ, chất thải và khí thải ra môi trường, hiệu suất nhà
kính…thì sản phẩm dùng nhựa PE tái sinh là thân thiện với môi trường nhất, kế
đến là sản phẩm dùng nguyên liệu nguyên sinh. Ngay cả chỉ số như khí thải CO2, sản
phẩm làm từ nhựa PE cũng ưu việt hơn. Cái cảm tính rằng nhựa sinh học thân thiện
hơn với môi trường, cần được khuyến
khích, một lần nữa lại bị chứng minh
ngược lại.
Cũng
trong trào lưu này đầu năm 2008 BASF, tập đoàn đa quốc gia đứng đầu về nhựa sinh
học cũng như nhựa từ hóa dầu, và tập đoàn xi măng Lafarge cho khảo sát về tính
môi trường của bao xi măng bằng giấy có bao nhựa PE chống ẩm, bao nhựa 100% PE
và bao nhựa 100% nhựa sinh học của BASF. Kết quả về tính môi trường khảo sát
suốt dòng đời sản phẩm (Life Cycle Analysis), nghĩa là tác động đến môi trường
trong suốt quá trình, từ chế tạo nguyên liệu, đến sản xuất sản phẩm và vấn đề
rác thải sau khi sử dụng đều được nghiên cứu và so sánh. Kết quả cho thấy là
nhựa PE là thân thiện với môi trường nhất, sau đó đến bao giấy có lót màng PE,
và nhựa sinh học là ít thân thiện với
môi trường nhất !
Khảo sát
của Sở Môi trường Liên Bang, CHLB Đức cũng cho thấy sản phẩm ống nhựa, cả HDPE
lẫn PVC nếu so sánh với ống gang, ống sắt tráng kẽm, ống sành, ống đồng thì
cũng có tính môi trường vượt trội so với những sản phẩm kể trên. So sánh cửa
nhựa PVC với cửa nhôm, cửa gỗ và cửa sắt cũng cho thấy kết quả tương tự về tính
thân thiện với môi trường của sản phẩm Nhựa. Nay ta nhân danh môi trường để
đánh thuế lên sản phẩm thân thiện với môi trường, thử hỏi dựa trên nền tảng và
mục đích nào ? Người tiêu dùng, nhà sản xuất, được đại diện bởi các hiệp
hội có quyền đòi hỏi câu trả lời thỏa đáng. Chính vì thế chúng tôi kiến
nghị :
- Không áp thuế môi trường đối với
nguyên liệu và sản phẩm nhựa
- Khuyến khích hoạt động tái chế phế
liệu nhựa, nhằm tiết kiệm nguồn ngoại tệ, cũng như giúp bảo vệ môi trường,
giúp ngành nhựa hạ gía thành sản phẩm.