Góp ý của TS Nguyễn Thị Thuỷ

Thứ Tư 10:28 20-01-2010

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THUẾ NHÀ ĐẤT

          Thuế nhà đất hiện hành là sắc thuế gián thu, thu vào hành vi sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình của tổ chức, cá nhân. Được ban hành vào ngày 31/7/1992 và đã được sửa đổi, bổ sung ngày 19/5/1994 với tên gọi pháp lệnh thuế nhà đất, qua gần 20 năm thực hiện, thuế nhà đất đã phát huy được những hiệu quả nhất định trong việc động viên nguồn tài chính cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng, cũng phải thừa nhận rằng, thuế nhà đất hiện hành đã bộc lộ những điểm lỗi thời nhất định cần thiết phải được khắc phục. Cụ thể, pháp lệnh thuế nhà đất hiện hành chỉ quy định việc thu thuế đất mà không thu đối với thuế nhà, điều này dẫn đến hệ quả, có nhiều người sở hữu rất nhiều nhà, đất nhưng không phải sử dụng để ở mà nhằm mục đích kinh doanh và đầu cơ trong khi quỹ nhà đất của chúng ta khá khan hiếm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên sự tăng giá của thị trường nhà đất, đồng thời góp phần tạo nên hiện tượng bất công bằng khi có người có rất nhiều nhà đất, trong khi có người không có nhà, đất để ở. Thực tế này cần thiết phải có sự can thiệp của nhà nước bằng công cụ thuế để hạn chế tình trạng trên. Ngoài ra còn phải kể đến việc, pháp lệnh thuế nhà đất quy định giá tính thuế đất dựa vào giá tính thuế sử dụng đất nông nghiệp, quy định này đã bộc lộ điểm yếu là khi tính thuế đất, chúng ta lại phải dẫn chiếu thuế sử dụng đất nông nghiệp vừa tạo sự rắc rối lại vừa phải lệ thuộc vào một sắc thuế khác là điều không nên có trong ban hành luật. Một diểm nữa là Luật Quản lý thuế đã ban hành và có hiệu lực với những quy về đăng ký, kê khai, nộp thuế cụ thể nên phải bãi bỏ các quy định này trong thuế nhà đất để thống nhất áp dụng luật quản lý thuế.

          Dự thảo thuế nhà đất đã qua rất nhiều lần lấy ý kiến và chỉnh sửa nhưng phải thừa nhận, đây là sắc thuế khá nhạy cảm, nó đan xen giữa việc nhà nước thu thuế đối với hành vi sử dụng đất (là tài sản do nhà nước quản lý) với hành vi sử dụng nhà (với tư cách là một loại thuế tài sản) nên khá phức tạp. Làm thế nào để thuế nhà đất vừa đảm bảo là công cụ huy động nguồn tài chính vào ngân sách nhà nước, vừa là loại thuế được sử dụng như một công cụ chống đầu cơ trong lĩnh vực nhà đất, vừa là công cụ đảm bảo sự công bằng giữa những người sử dụng nhà, đất là việc không hề đơn giản. Với ý định đảm bảo hài hòa 3 mục đích trên đây, tôi xin có một vài ý kiến đóng góp cho dự thảo thuế nhà đất lần này như sau:

          Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế (quy định tại Điều 2): Tôi đề xuất phương án vẫn thu thuế nhà nhưng chỉ thu từ nhà thứ 2 trở đi. Cụ thể, đối với nhà mà chủ sở hữu đang sử dụng để ở, dù nhà lớn hay nhỏ đều không thu thuế nhà. Cách thu này hợp lý ở chỗ, nếu chúng ta coi việc thu thuế nhà là một loại thuế tài sản mà thu kể cả đối với nhà đang ở là bất hợp lý (vì nhà để ở thì nó phải hao mòn qua thời gian, chủ sở hữu phải bỏ tiền ra để xây dựng, sữa chữa)... Như vậy, nếu cá nhân, hộ gia đình mua nhà nhằm mục đích ở thì nhà nước sẽ không thu thuế nhà. Tuy nhiên nếu họ có từ căn nhà thứ hai trở đi, không để ở mà dùng để kinh doanh thì nhà nước sẽ thu thuế nhà. Làm theo cách này vừa đảm bảo được mục đích những người sử dụng nhà để ở thì không phải đóng thuế, nhà nước chỉ thu thuế nhà đối với hành vi kinh doanh (giảm được nạn đầu cơ nhà) vừa đảm bảo được quyền sở hữu của chủ sở hữu nhà nếu họ mua nhà để ở. Để tránh phức tạp trong việc thu thuế nhà, theo tôi chúng ta không nên đưa ra định mức diện tích nhà để tính thuế mà cho chủ sở hữu được quyền chọn một căn nhà kê khai để ở và không chịu thuế, những căn còn lại sẽ thu thuế nhà theo một mức cố định.

          Thứ hai, về người nộp thuế, tôi đồng ý với ý kiến của Ban soạn thảo đưa đất thuê vào diện chịu thuế đất. Mặc dù có quan điểm cho rằng, đất thuê là đất của nhà nước, nếu thu thuế thì người nộp phải là nhà nước (vì là chủ sở hữu), tôi không đồng ý với quan điểm trên. Cụ thể, đối với đất, đây là loại hàng hóa đặc biệt do nhà nước quản lý, do vậy khi tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng đất của nhà nước (qua hình thức thuê) thì vẫn phải nộp thuế đất để đảm bảo công bằng với các chủ thể khác khi sử dụng đất. Có quan điểm cho rằng, chúng ta chỉ cần tăng tiền thuê đất là đảm bảo yếu tố công bằng, theo tôi ý kiến này là không chính xác. Cụ thể, theo quy định tại Điều 34 Luật ngân sách nhà nước thì tiền thuê đất là khỏan thu 100% của ngân sách địa phương, vì vậy nên để cho địa phương quyết định về giá cho thuê. Thực chất tiền thuê đất là một công cụ để các địa phương sử dụng nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng thì theo tôi, thuế đất thu đối với đất thuê phải thấp hơn các trường hợp khác.

          Thứ ba, về căn cứ tính thuế, tôi đồng ý với phương án thứ 3: chỉ thu thuế đối với căn nhà thứ hai trở đi. Cách thu này vừa đảm bảo được quyền lợi của chủ sở hữu nhà khi họ dùng để ở, vừa hạn chế được tình trạng đầu cơ nhà vì từ căn nhà thứ hai trở đi họ phải đóng thuế.  Để tránh phức tạp, chúng ta không cần đưa ra mức thuế lũy tiến mà chỉ cần quy định giá tính thuế có sự phân biệt giữa vùng nông thôn và thành thị.

          Đối với thuế đất, chúng ta cũng không nên tính theo cách lũy tiến vì rất phức tạp và khó quản lý, nên thu cố định một mức trên cơ sở có sự phân biệt giữa đất ở các khu vực khác nhau là được.

          Thứ tư, đối với các trường hợp miễn thuế, tôi để xuất bổ sung một trường hợp miễn thuế nữa đó là đất xây dựng nhà tình thương vì đối tượng này quá nghèo, cần phải được hưởng sự ưu đãi của nhà nước.

 

TP.Hồ Chí Minh ngày 18/1/2010

TS. Nguyễn Thị Thủy.

Các văn bản liên quan