Góp ý của ông Phạm Văn Võ – Giảng viên trường Đại học Luật Tp HCM

Thứ Tư 09:47 20-01-2010

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG

Phạm Văn Võ

Giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM

1.     Về sự cần thiết ban hành Luật thuế môi trường

            Một trong những nguyên tắc được áp dụng phổ biến trong bảo vệ môi trường hiện nay trên thế giới là buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP). Theo nguyên tắc này, việc trả tiền cho hành vi xả thải  vào môi trường được thực hiện bằng hai phương thức:

Thứ nhất, đánh trực tiếp vào chất thải thải ra;

Thứ hai,đánh gián tiếp qua sản phẩm hàng hóa.

Để thực hiện cách thứ nhất, phải xác định được khối lượng, tính chất của chất thải được thải vào môi trường tại thời điểm xả thải hoặc sau thời điểm xả thải.  Đây là hình thức trả tiền đã được áp dụng phổ biến tại Việt Nam thông qua việc thu phí bảo vệ môi trường  như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, đối với chất thải rắn…

Tuy nhiên, trong thực tế, có những sản phẩm mà trong quá trình sử dụng chắc chắn sẽ phát sinh chất thải nhưng chúng ta không thể biết khi nào nó sẽ chuyển hóa thành chất thải, xả thải ở đâu? Ví dụ như một chiếc tui nilong khi bán cho người tiêu dùng thì không thể biết được khi nào họ sẽ loại bỏ chúng. Đối với những sản phảm này, việc trả tiền chỉ có thể áp dụng phương thức thứ 2 thông qua việc buộc người xả thải phải trả tiền ngay tại thời điểm mua sản phẩm. Đây là hình thức trả tiền cho hành vi xả thải trong tương lai khi mà chúng ta không thể bắt người gây ô nhiễm phải trả tiền tại thời điểm thực hiện hành vi xả thải.

Việc nộp thuế môi trường theo Dự thảo chính là việc áp dụng phương thức thứ hai nhằm kiện toàn các biện pháp, hình thức trả tiền cho hành vi xả thải. Do vậy, việc ban hành Luật này là rất cần thiết.

Một điều cần đặc biệt lưu ý là, mục đích chính của việc thu thuế môi trường không phải là để tăng nguồn thu cho nhân sách nhà nước mà trước hết là để định hướng hành vi tác động của các chủ thể vào môi trường theo hướng khuyến khính những hành vi tác động có lợi cho môi trường thông qua việc tác động có lợi vào chính lợi ích kinh tế của họ. Giả dụ chúng ta thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm túi ni lông thì điều quan trọng không phải là tiền thuế thu được nhiều hay ít mà cái chính yếu là việc thu thuế đối với sản phẩm này có làm thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân hay không. Muốn vậy, mức thuế phải đủ cao để túi ni lông không có khả năng cạnh tranh về giá so với túi giấy. Và nếu vậy, nếu việc thu thuế đối với sản phẩm này với mức thu cao có “bóp chết” các cơ sở sản xuất túi ni lông là điều chúng ta không nên lo ngại vì đó là mục đích.

2. Về đối tượng chịu thuế

Về nguyên tắc, những sản phẩm mà trong quá trình sử dụng có làm phát sinh chất thải đều có thể là đối tượng chịu thuế môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta chỉ nên đưa những sản phẩm mà trong quá trình sử dụng  hoặc khi loại bỏ có khả năng gây ra những tác hại lớn về môi trường vào đối tượng chịu thuế môi trường. Theo quy định tại Điều 3 của dự thảo về đối tượng chịu thuế môi trường tôi có một vài nhận xét sau:
        
Đối tượng chịu thuế môi trường còn thiếu một số loại sản phẩm mà trong qua trình sử dụng có thể gây tác hại rất xấu đến môi trường như  thuốc lá, các chất tẩy rửa …
        
Trong số các sản phẩm thuộc đối tượng chụi thuế, có một số sản phẩm chúng ta chưa có sự phấn hóa dựa trên cơ sở tính chất và mức độ gây ô nhiễm của chúng trong quá trình sử dụng nhằm khuyến khích sử dụng  những sản phẩm thân thiện đối với môi trường. Cụ thể, đối với xăng, dầu diezel, trên thê giới hiện nay đang khuyến khích sử dụng xăng, diezel có pha nhiên liệu sinh học. Đối với những sản phẩm này cần miễn thuế hoặc có mức thu khác so với sản phẩm thông thường.

3.     Về mức thuế

Luật Thuế môi trường là văn bản có giá trị pháp lý cao, có tính ổn định và việc sửa đổi, bổ sung phải theo trình tự, thủ tục phức tạp. Trong khi đó mức thuế lại là mực thuế tuyệt đối với số tiền cụ thể được ấn định cho từng sản phẩm cụ thể sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trong điều kiện lạm phát hiện nay. Do vậy, theo tôi chúng ta nên thu thuế theo mức thuế suất xác định theo tỷ lệ phần trăm giá bán hoặc nếu sử dụng mức thuế tuyệt đối thì nên để cho Chính phủ quy định.

TP.Hồ Chí Minh ngày 18/01/2010

 

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan