Góp ý của ông Nguyễn Hồng Uy – Văn phòng Đại diện Công ty Abbott Laboratories tại Việt Nam

Thứ Năm 16:57 19-05-2011

Nguyễn Hồng Uy, Thạc sĩ Dược học

Giám đốc Quy chế

Văn phòng Đại diện Công ty Abbott Laboratories tại Việt nam

  Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam

 Xin trân trọng cảm ơn đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam về đóng góp ý kiến cho Nghị định Quy định xử phạt hành chính về An toàn Thực phẩm. Sau đây là một số ý kiến của cá nhân tôi xin gởi đến Quý Cơ quan:

 1. Đây là cố gắng rất lớn của Bộ Y tế trong việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, có một số xử phạt quy định quá nhẹ, (500.000 đến vài triệu) không có tác dụng răn đe, đối với những hành vi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, ví dụ:

Khoản 2 điều 5: sử dụng nguyên liệu quá thời hạn sử dụng, không đạt yêu cầu kiểm tra thú y, động vật chết, có tạp chất được cố tình đưa vào...

Khoản 1, 2 điều 6: sử dụng phụ gia thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép, quá thời hạn sử dụng

Khoản 1,2 điều 7: sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng

Khoảng 6a, 6d điều 15.

Khoản 4a, 4b điều 26.

Đề nghị phải áp dụng các mức phạt cao nhất mà pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cho phép.

 2. Cần quy định rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

 3. Các góp ý cụ thể:

 Điều 8: Đề nghị bỏ khoản 1a, chỉ giữ khoản 1b, vì các lý do sau:

Việc xử phạt hành vi “Tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm không thuộc danh mục theo quy định của Bộ Y tế” là không phù hợp:

- các vi chất nếu đã được gọi là “vi chất dinh dưỡng” tức là đã được khoa học công nhận là các chất có lợi ích đối với dinh dưỡng của con người, do vậy mọi người cần có quyền được sử dụng các chất này để đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng.

- Về mặt quản lý, cần quản lý những gì có thể gây hại cho sức khỏe, chứ không cần phải quản lý những gì có lợi cho sức khỏe.

- ‘Danh mục theo quy định” là theo tư duy quy định “những việc được phép làm” trong khi đó để phát triển kinh tế đất nước, phát huy sức mạnh nội tại của nhân dân một cách tốt nhất, cần phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần “được làm những gì pháp luật không cấm”.

- Việc cập nhật danh mục thường rất chậm (nhiều năm), do đó hạn chế sự tiếp cận của cộng đồng đối với những thành tựu khoa học tiên tiến, có thể ảnh hưởng không tốt đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp thực phẩm và nền kinh tế Việt nam nói chung.

- Nếu cần thiết, có thể sửa khoản 1a thành” Bổ sung các thành phần tự nhiên hoặc nhân tạo chưa được chứng minh là an toàn vào thực phẩm”.

Khoản 1b cũng nên sửa đổi thành “Tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm với hàm lượng vượt quá mức tối đa cho phép”.

  Vì yêu cầu cấp thiết phải cập nhật các danh mục thường xuyên theo kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên bổ sung thêm 1 điều về Bộ Y tế sẽ xây dựng và cập nhật hàng năm các danh mục về giới hạn hàm lượng các chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, các chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, trên cơ sở công nhận các quy định tương tự của các nước tiên tiến và các nước trong khu vực, đảm bảo hội nhập kinh tế Việt nam vào kinh tế thế giới theo các cam kết WTO.

 Điều 23: Nên

- sửa khoản 1a thành “Sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng chưa được xác nhận công bố hợp quy”.

- Bỏ khoản 1b vì đó là điều đương nhiên (nếu không có các giấy tờ này thì sản phẩm không được phép lưu hành), hơn nữa nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 2a.  

- cũng nên có quy định vể xử phạt việc sản xuất-kinh doanh các sản phẩm theo quy định phải có công bố hợp quy khi chưa có công bố hợp quy.

 Điều 27, Khoản 4: Chưa có quy định về xử lý các mặt hàng nhập khẩu mà chưa công bố hợp quy. Đây là nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng Đề nghị bổ sung thêm: Buộc tái xuất, tiêu hủy, hoặc không cho phép giải tỏa hàng khỏi cảng cho đến khi hoàn tất công bố hợp quy.

 

Điều 29: Quảng cáo thực phẩm: Vì đã có các quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin truyền thông áp dụng cho mọi ngành, và nếu ngành nào cũng có quy định riêng về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thông tin truyền thông của ngành ấy sẽ dễ dẫn đến phức tạp các quy định và chồng chéo về nhiệm vụ, đề nghị chỉ nên áp dụng các quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch và thông tin truyền thông, không cần có các quy định riêng về xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm.

 Điều 30: Ghi nhãn: Tương tự như trên, vì đã có các quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại áp dụng cho mọi ngành, và nếu ngành nào cũng có quy định riêng về xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại của ngành ấy sẽ dễ dẫn đến phức tạp các quy định và chồng chéo về nhiệm vụ, đề nghị chỉ nên áp dụng các quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, không cần có các quy định riêng về xử lý vi phạm trong ghi nhãn thực phẩm.

Trân trọng.

 

 

Các văn bản liên quan