Góp ý của ông Hoàng Văn Sơn – Thạc sỹ luật học – Trưởng văn phòng luật sư VNC

Thứ Hai 09:16 14-03-2011

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ VNC

  VINA CODE LAW FIRM

Đ/c: 129 Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM

ĐT: 08.62947899 – DĐ : 0988650729

Fax: 08.62947899

Email: vnclaw@yahoo.com

 

Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày 08 Tháng 3 Năm 2011

 

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH 123/2008/NĐ-CP VÀ NGHỊ ĐỊNH 124/2008/NĐ-CP HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT THUẾ GTGT VÀ

LUẬT THUẾ TNDN

(Tham luận tại hội thảo diễn ra ngày 11/3/2011

 do VCCI phối hợp với Bộ tài chính tổ chức)

 

                                                                                   Hoàng Văn Sơn

Thạc sĩ luật học, Trưởng văn phòng luật sư VNC

 

1.      Khái niệm về thuế

       Thuế là nguồn thu chủ yếu đóng góp cho ngân sách nhà nước của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thuế hay thu ngân sách nhà nước là việc nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quỹ ngân sách nhà nước nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhà nước.

      Thuế là số tiền thu của các công dân, hoạt động và đồ vật (như giao dịch, tài sản…) nhằm huy động tài chính cho chính quyền để tái phân phối thu nhập hay nhằm điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội.

     Đóng thuế vừa là quyền lợi thực thi trách nhiệm công dân, đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của đất nước, vừa là nghĩa vụ phải thực hiện của mỗi công dân [1].

2.      Lí do đánh thuế

      Khi nhà nước ra đời, để có tiền chi tiêu cho sự tồn tại và hoạt động của mình, nhà nước đã đặt ra các chế độ thuế khóa do dân cư đóng góp để hình thành quỹ tiền tệ của mình. Việc thu thuế của chính quyền nhằm mục đích :

-         Tất cả mọi hoạt động của chính quyền cần phải có nguồn thu tài chính để chi (đầu tiên là nuôi bộ máy nhà nước); nguồn thu đầu tiên đó là khoản thu từ thuế;

-         Thuế là công cụ rất quan trọng để chính quyền can thiệp vào sự hoạt động của nền kinh tế bao gồm cả nội thương và ngoại thương;

-         Chính quyền cung ứng các hàng hóa công cộng cho công dân, nên công dân phải có nghĩa vụ ủng hộ tài chính cho chính quyền;

-         Giữa các nhóm công dân có sự chênh lệch về thu nhập và do đó là chênh lệch về mức sống, nên chính quyền sẽ đánh thuế để lấy một phần thu nhập của người giàu hơn và chia cho người nghèo hơn (thông qua cung cấp hàng hóa công cộng);

-         Chính quyền có thể muốn hạn chế một số hoạt động của công dân (ví dụ : hạn chế hút thuốc, uống rượu, bia…) cho nên đánh thuế vào các hoạt động này;

-         Chính quyền cần các khoản chi tiêu cho các khoản phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế [2].

 3.      Nguyên nhân sửa đổi pháp luật về thuế

      Ngày nay, để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư của các quốc gia khác nhau cũng như các nhà đầu tư nội địa, các quốc gia trên thế giới đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế của mình để đáp ứng yêu cầu này. Chính vì vậy, việc sửa đổi pháp luật về thuế thường xuyên là không tránh khỏi.

       Tại Việt Nam, sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, chúng ta đã cam kết cắt giảm thuế suất cho hàng hóa nhập khẩu và mở rộng thị trường trong nước hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang đàm phán các Hiệp định thương mại tự do như : Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; Hiệp định thương mại tự do Asean – Trung Quốc sắp có hiệu lực…

       Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) được ban hành lần đầu tiên năm 1997, có hiệu lực từ 01/01/1999. Đến nay, chúng ta cũng đã sửa đổi nhiều lần (Luật thuế TNDN sửa đổi năm 2003 và 2008; Luật thuế GTGT sửa đổi 2003, 2008). Do đó, các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật này cũng phải được sửa đổi để cho phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân cũng như các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Luật thuế GTGT 2008 và Luật thuế TNDN 2008 cùng với các Nghị định 123/2008/NĐ-CP, 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành các Luật này, trong quá trình áp dụng đã gặp không ít vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung.

     Việc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ tài chính tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 123/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN cũng nhằm hoàn thiện pháp luật về thuế ngày càng tốt hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển và từ đó nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.

4.      Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung

4.1    Đối với hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT

        Thứ nhất, cần cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế GTGT đối với thuế thu nhập cá nhân. Việc này, sẽ khuyến khích người dân khi mua hàng hóa, dịch vụ là phải lấy hóa đơn chứng từ, từ đó sẽ dẫn đến minh bạch hóa cho nền kinh tế quốc gia và hạn chế đến mức thấp nhất việc trốn thuế. Mặt khác, việc khấu trừ của đối tượng này thì sẽ dẫn đến điều kiện nộp thuế của người khác. Do đó, nhà nước sẽ không bị giảm sút nguồn thu (Chúng tôi hiểu rằng, nhà làm luật đã tính toán chung trong thu nhập được giảm trừ gia cảnh nên không được khấu trừ).

      Thứ hai, đối với tài sản là xe ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định 123/2008/NĐ-CP thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đến 1,6 tỉ đồng của giá trị tài sản, phần vượt trên 1,6 tỉ đồng sẽ không được khấu trừ. Chúng tôi đề nghị sửa đổi là tăng giá trị tài sản được khấu trừ lên mức cao hơn và quy định cụ thể hơn số thuế GTGT sẽ được khấu trừ (ví dụ 4 tỉ đồng trong đó đã có GTGT hoặc chưa có GTGT). Bởi vì, do trượt giá của tiền Đồng, mặt khác, ngày nay đối với doanh nhân, hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng vì vậy họ phải đầu tư cả hình thức.

  4.2    Đối với hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN

-         Quy định và giải thích rõ điểm e, khoản 3, Điều 8 Nghị định 124/2008/NĐ/CP về kinh doanh sân gôn. Bởi vì, Luật thể dục thể thao năm 2006 và Luật thuế TNDN 2008 (khoản 2,Điều 13) và khoản 3, Điều 15 Nghị định 124/2008/NĐ-CP cũng khuyến khích và ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Nhưng các văn bản này không định nghĩa rõ hoạt động thể thao là những lĩnh vực nào? Chơi gôn có phải là hoạt động thể thao không?

-         Sửa đổi điểm b, khoản 1, Điều 9 Nghị định 124/2008/NĐ-CP về hàng nông sản, phế liệu không có hóa đơn chứng từ thì doanh nghiệp tự kê khai và do người đại diện theo pháp luật kí và chịu trách nhiệm. Cần bổ sung thêm tự kê khai nhưng phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm giao dịch (Cơ quan thuế có thể tham khảo giá thị trường bằng nhiều cách khác nhau).

-         Về khoản 2, Điều 14 Nghị định 124/2008/NĐ-CP, thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập là thời điểm bàn giao bất động sản. Việc quy định thời điểm bàn giao như trên là không rõ ràng, bàn giao toàn bộ hay bàn giao một phần? Chẳng hạn doanh nghiệp A chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp B 10.000 m2 sau năm năm mới chỉ bàn giao được 5.000 m2  vậy tính thời gian nào? Theo chúng tôi, thời điểm xác định doanh thu để tính thuế trước hết nên dựa vào hợp đồng giữa hai bên sau đó là các yếu tố khác.

-         Về khoản 5, Điều 15 Nghị định 124/2008/NĐ-CP thì đối với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Quỹ tín dụng nhân dân. Sau khi hết thời hạn áp dụng mức thuế suất 10% quy định tại điểm a, khoản 1, Điều này thì chuyển sang áp dụng mức thuế suất 20%. Mà thời gian ưu đãi là 15 năm, khi đó họ sẽ giải thể thành lập doanh nghiệp khác, do người đại diện pháp luật khác để hưởng ưu đãi!

      Trên đây là một số ý kiến đóng góp của chúng tôi gửi đến Ban tổ chức cuộc hội thảo hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN. Ý kiến này có thể chưa thuyết phục, nhưng là cơ sở để Ban tổ chức so sánh với những ý kiến đóng góp khác và những cơ sở dữ liệu khác, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật về thuế của Việt Nam ngày càng tốt hơn, minh bạch hơn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển ./.

 

Trân trọng kính chào !

Các văn bản liên quan