Góp ý của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Thứ Sáu 16:17 15-07-2011

NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG            CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                  VIỆT NAM                                                              Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                

            Số:          /VCB-PC                                           Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2011

( V/v Góp ý DT Nghị định hướng dẫn

một số điều của Luật Chứng khoán 2006

 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LCK 2010)

 

 

Kính gửi : PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 

 

Theo đề nghị tại Công văn số: 1395/PTM-PC ngày 24/6/2011 của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc góp ý kiến Dự thảo Nghị định quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán 2010, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có một số ý kiến như sau:

 

1/. Điều 2. Giải thích thuật ngữ

 

-Khoản 4 Điều 2 Dự thảo Nghị định quy định “4.Hợp đồng quản lý đầu tư là bản hợp đồng được ký kết giữa công ty đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước hoặc ngoài nước với công ty quản lý quỹ  để uỷ thác cho công ty quản lý quỹ quản lý và đầu tư tài sản của mình.”. Trong khi đó  theo khoản 14 Điều 32 Luật Chứng chứng khoán sửa đổi năm 2010 quy định Công ty chứng khoán được phép nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân. Do đó, đề nghị bổ sung thêm “công ty chứng khoán” cũng là đối tượng tham gia hợp đồng quản lý đầu tư  vì hợp đồng quản lý đầu tư có thể được ký kết giữa công ty chứng khoán với nhà đầu tư cá nhân.

 

- Khoản 11 Điều 2 Dự thảo Nghị địnhquy định khái niệm Chào bán chứng khoán riêng lẻ. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định chưa làm rõ được việc chào bán chứng khoán cho Nhà đầu tư chiến lược có thuộc phạm vi điều chỉnh “chào bán chứng khoán riêng lẻ” hay không vì đối tượng được chào bán có thể chỉ 1- 2 tổ chức (dưới 100) nhưng lại là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (“ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính .…”  khoản 11 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006).

 

- Điểm b khoản 14 Điều 2 Dự thảo Nghị địnhquy định khái niệm Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định chưa quy định các điều kiện và tiêu chí của Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng để phân biệt với Công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định xem xét và hướng dẫn cụ thể hơn vấn đề nêu trên.  

 

- Khoản Điều 2 của Dự thảo Nghị định quy định “17.Tổ chức tín dụng được phép là tổ chức tín dụng được phép thực hiện thu, chi ngoại tệ có liên quan đến việc phát hành chứng khoán theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.”

Chúng tôi cho rằng thuật ngữ “tổ chức tín dụng được phép” rất chung chung và không rõ ràng. Mặt khác, trong cả Dự thảo Nghị định, thuật ngữ này chỉ đề cập 1 lần ở khoản 1 Điều 57 nhưng lại không thống nhất với khái niệm được giải thích tại khoản 17 Điều 2 Dự thảo Nghị định. Cụ thể, khoản 1 Điều 57 Dự thảo Nghị định quy định như sau:

Điều 57. Quyền và nghĩa vụ  của Văn phòng đại diện, Trưởng đại diện và nhân viên tại Văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

1.  Quyền của Văn phòng đại diện:

a)         Văn phòng đại diện chỉ được mở tài khoản chuyên chi bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện. Việc mở, sử dụng và đóng tài khoản của Văn phòng đại diện thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ;”

 

Vì vậy, chúng tôi cho rằng khái niệm “Tổ chức tín dụng được phép” tại khoản 17 Điều 2 và khoản 1 Điều 57 Dự thảo Nghị định cần quy định thống nhất với nhât và phải phù hợp với quy định của pháp luật về ngoại hối. Cụ thể sửa đổi quy định tại khoản 17 Điều 2 nêu trên thành “ Tôt chức tín dụng được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam” cho thống nhất với k1 Điều 57 và quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

 

 

2/. Điều 5. Hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ

 

- Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định “Hồ sơ chào bán riêng lẻ cổ phần bao gồm: ….”

Chúng tôi cho rằng Điều 5 Dự thảo Nghị định nên sửa đổi thành “ Hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ bao gồm: ....” cho phù hợp với khái niệm “chào bán cổ phần riêng lẻ” tại tiêu đề của Mục 1 Chương II, các Điều liên quan tại mục 1 này và khoản 11 Điều 2 Dự thảo Nghị định.

 

- Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định các tài liệu cần có trong hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ chung cho tất cả các đối tượng chào bán cổ phần riêng lẻ: công ty cổ phần đại chúng, công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty TNHH chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, nếu xem các tài liệu được liệt kê tại Điều 5 này thì chưa bao quát hết cho các đối tượng chào bán cổ phần riêng lẻ nêu trên vì công ty TNHH chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ không có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị nhưng cần có quyết định của chủ sở hữu về việc phát hành (khoản 2 Điều 4 Dự thảo Nghị định).

 

3/. Điều 8 : Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

 

Điều 8 Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý có thẩm quyền trong giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ. Theo nội dung của dự thảo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thông báo cho tổ chức đăng ký và công bố trên trang thông tin điện tử…Tuy nhiên, thời hạn 15 ngày là quá dài, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong thời kỳ hội nhập và chương trình cải cách hành chính của Chính phủ; hơn nữa, hình thức thông báo và trang thông tin điện tử là chưa rõ ràng. Vì vậy, khoản 2 Điều 8 Dự thảo Nghị định cần được sửa đổi như sau: “2. Trong thời hạn 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi văn bản thông báo cho tổ chức đăng ký và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình”.

 

4/.   Điều 9: Quy định chung về việc chào bán chứng khoán ra công chúng

 

Khoản 3 Điều 9 Dự thảo Nghị định quy định tổ chức thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng phải tạo điều kiện cho mọi nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, không phải tất cả mà chỉ có một số nhà đầu tư tổ chức và đầu tư nước ngoài được tham gia giao dịch này khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định diễn đạt nội dung nêu trên theo hướng như sau: “Trừ trường hợp chào bán cho các cổ đông hiện hữu, tổ chức thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng phải tạo điều kiện cho mọi nhà đầu tư có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, không áp đặt các điều kiện nhằm hạn chế…”

 

5/.  Điều 12: Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng đối với một số trường hợp cụ thể

 

- Điểm c khoản 3 Điều 12 của Dự thảo Nghị định quy định cam kết của cổ đông sáng lập về việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung sau một năm kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động. Liên quan đến quy định tại điểm c này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 2 Dự thảo Nghị định quy định giải nghĩa khái niệm “thị trường chứng khoán tập trung” vì khái niệm này hiện chưa được quy định trong Luật Chứng khoán và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán.

 

- Khoản 8 Điều 12 Dự thảo Nghị định quy định điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức nước ngoài. Qua xem xét, chúng tôi thấy rằng quy định tại khoản 8 Điều 12 của Dự thảo Nghị định là chưa rõ ràng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn tiêu đề của khoản 8, liệu đây có phải là điều kiện áp dụng với “tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt nam” hay là với mọi tổ chức nước ngoài vì các điều kiện được quy định tại khoản 8 này được hiểu như áp dụng với tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

 

- Điểm c khoản 8 Điều 12 Dự thảo Nghị định: đề nghị Ban soạn thảo viết lại cho chính xác như sau “ tổng số tiền huy động từ một đợt chào bán tại Việt Nam không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án”

 

- Khoản 12 Điều 12 Dự thảo Thông tư quy định “Điều kiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần”. Tuy nhiên, khái niệm “hoán đổi cổ phần” này chưa được giải thích tại Điều 2 của Dự thảo Nghị định hoặc được quy định trong Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010. Vì vậy, Điều 2 của Dự thảo Nghị định cần bổ sung khái niệm “hoán đổi cổ phần” để làm cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc triển khai thực hiện Dự thảo Nghị định.

 

6/.  Điều 20. Huỷ đăng ký công ty đại chúng

 

Điều 20 Dự thảo Nghị định: Đề nghị ban soạn thảo sửa đổi lại cho rõ như sau“1. Công ty đại chúng có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày không đáp ứng được các điều kiện là công ty đại chúng theo quy định tại Điều 25 Luật Chứng khoán;”.

 

7/.  Điều 27. Đăng ký chào mua

 

Khoản 2 Điều 27 Dự thảo Nghị định quy định: đăng ký chào mua công khai. Quy định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đăng ký chào mua, UBCK NN phải có ý kiến trả lời bằng văn bản. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại thời hạn này, có thể rút gọn lại 10 ngày hoặc 8 ngày làm việc để đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập, cải cách hành chính. Vì đặc điểm của giao dịch này là vấn đề thời gian, giá chào mua phải được đăng ký trong hồ sơ, và không được thấp hơn giá tham chiếu trong thời hạn 60 ngày giao dịch trước đó, nên nếu kéo dài thời gian đăng ký hồ sơ, thì có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của tổ chức đăng ký chào mua, làm ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của tổ chức đăng ký chào mua.

 

8/.  Điều 28. Trách nhiệm của Hội đồng quản trị công ty mục tiêu hoặc Ban đại diện quỹ đầu tư mục tiêu

 

Đề nghị sửa đổi lại khoản 1 Điều 28 của Dự thảo Nghị định như sau “1. Trong thời hạn mười ngày (10) ngày, kể từ ngày nhận được tài liệu đăng ký chào mua, Hội đồng quản trị công ty mục tiêu hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư mục tiêu phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thông tin cho cổ đông hoặc nhà đầu tư biết ý kiến của công ty, Ban đại diện quỹ đối với đề nghị chào mua công khai. Ý kiến của Ban đại diện quỹ phải được thông qua bởi Đại hội nhà đầu tư. Tài liệu gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và dữ liệu điện tử theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.”

Ngoài ra vì tiêu đề và nội dung của Điều này là quy định về trách nhiệm của Hội đồng quản trị công ty mục tiêu hoặc Ban đại diện quỹ đầu tư mục tiêu, nên đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 28 Dự thảo Nghị định như dưới đây để thể hiện được rõ điều này:

1.Trong thời hạn mười ngày (10) ngày, kể từ ngày nhận được tài liệu đăng ký chào mua, Hội đồng quản trị công ty mục tiêu hoặc Ban đại diện quỹ đầu tư mục tiêu (thông qua công ty quản lý quỹ quản lý quỹ đầu tư mục tiêu) phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thông tin cho cổ đông hoặc nhà đầu tư biết ý kiến của công ty, Ban đại diện quỹ đối với đề nghị chào mua công khai. Ý kiến của Ban đại diện quỹ phải được thông qua bởi Đại hội nhà đầu tư. Tài liệu gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và dữ liệu điện tử theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

 

9/. Điều 32: Nguyên tắc xác định giá chào mua công khai

 

Điểm a khoản 1 Điều 32 của Dự thảo Nghị định: Đề nghị diễn đạt lại cho chính xác như sau: “trường hợp công ty mục tiêu tổ chức niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, mức giá chào mua không được…”

 

10/. Điều 38. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán

 

Điểm c khoản 1 Điều 38 của Dự thảo Nghị định quy định tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ”. Chúng tôi e ngại rằng quy định này  khó thực hiện trên thực tế vì đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, ở giai đoạn đầu, có thể tỷ lệ sở hữu của công chúng chưa được như quy định trên?

 

11/. Điều 43. Huỷ bỏ niêm yết

 

Đề nghị sửa đổi gạch đầu dòng thứ 2 điểm a khoản 2 Điều 43 Dự thảo Nghị định như sau

         Tổ chức niêm yết không được đề nghị hủy bỏ niêm yết trong thời hạn hai (02) năm kể từ ngày đưa cổ phiếu vào niêm yết theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12.”

 

12/. Mục 3 (Chương V)

NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH VIỆT NAM TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN NƯỚC NGOÀI

 

Trong tiêu đề mục 3 là Tổ chức phát hành Việt Nam, còn ở tiêu đề của mục 1 là Tổ chức phát hành trong nước. Mặc dù bản chất của hai khái niệm này là giống nhau, nhưng để bảo đảm sự thống nhất trong cùng một văn bản, Dự thảo Nghị định nên lựa chọn một trong hai khái niệm nêu trên. Theo chúng tôi, Dự thảo Nghị định nên quy định thống nhất như sau: “NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH TRONG NƯỚC TRÊN SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

 

 

13/. Mục 2 (Chương V)

 

Tương tự như trên, tiêu đề của Mục 2 “NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH NƯỚC NGOÀI TRÊN SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM

Dự thảo Nghị định nên quy định thống nhất là Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam như ở tiêu đề mục 1

 

14/. Điều 47. Điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài

 

- So sánh với quy định tại Điều 40 của Dự thảo Nghị định được nêu dưới đây. Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán thì Điều 40 quy định rất chi tiết cho từng trường hợp đăng ký niêm yết cổ phiếu, trái phiếu... và nếu so sánh nội dung tương đồng của một số khoản trong Điều 40 với khoản 3 Điều 47 thì khoản 3 Điều 47 cần quy định cụ thể hơn là quyết định thông qua niêm yết ở SGDCK nước ngoài của ĐHĐCĐ và có cần phải ở kỳ gần nhất? Với doanh nghiệp nhà nước thì cần có quyết định của cấp có thẩm quyền hay đại diện chủ sở hữu vốn?... . Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cần làm rõ các vấn đề nêu trên và sửa đổi quy định tương ứng (nếu cần thiết).

“Điều 40. Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán”

2.         Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu bao gồm:

b)         Quyết định của Đại hội đồng cổ đông kỳ gần nhất thông qua việc niêm yết cổ phiếu;

3.         Hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu bao gồm:

b)         Quyết định thông qua việc niêm yết trái phiếu của Hội đồng quản trị hoặc trái phiếu chuyển đổi của Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần), niêm yết trái phiếu của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên) hoặc Chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc của cấp có thẩm quyền (đối với doanh nghiệp nhà nước);

 

Trên đây là ý kiến góp ý của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, kính chuyển  Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham khảo.

 

Trân trọng.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- P.TGĐ Đào Minh Tuấn (đế báo cáo);

- Lưu PC, VP .

 

T/L TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

TRƯỞNG PHÒNG PHÁP CHẾ

 

 

 

 

 

Lê Thu Hiền

 

 

 

 

 

-                                                                                

Các văn bản liên quan