Góp ý của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam đối với Dự thảo 1

Thứ Tư 15:37 20-07-2011


NGÂN HÀNG TMCP HÀNG HẢI VIỆT NAM
Trụ sở chính: 519 Kim Mã, Q. Ba Đình, Hà Nội  - ĐT: 04-3771.8989 - Fax: 04-3771.8899 - www.msb.com.vn

                                                                                                                                       Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2011

Số 17.02/2011/BPC-MSB 
V/v: Góp ý Dự thảo
Thông tư hướng dẫn về góp vốn, mua cổ phần của TCTD

                                                                                                

Kính gửi:

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Phòng Pháp chế Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) xin tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Thông tư Hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của TCTD như sau:
1.       Về Đối tượng áp dụng (Điều 2):
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) số 47/2010/QH12, thì TCTD bao gồm ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, đối với mỗi loại hình TCTD thì việc góp vốn, mua cổ phần sẽ có những quy định khác nhau, cụ thể là Luật Các TCTD cho phép ngân hàng thương mại (Điều 103) và công ty tài chính (Điều 110) được góp vốn, mua cổ phần. Trong khi đó, công ty cho thuê tài chính lại không được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức (Điều 115) và đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô thì không có quy định. Như vậy, không phải TCTD nào cũng được phép góp vốn, mua cổ phần.
Do đó, đối tượng áp dụng tại khoản 1, Điều 2 của Dự thảo Thông tư cần quy định rõ hơn về các trường hợp nói trên.    
2.       Về Giải thích từ ngữ (Điều 3):
a)       Đề nghị không giải thích hoặc nếu giải thích thì cần làm rõ hơn các từ ngữ như “Góp vốn, mua cổ phần của TCTD”, “Công ty con của TCTD”, “Công ty liên kết của TCTD” chứ không nên chỉ dẫn chiếu là “được quy định tại Luật các TCTD năm 2010”.
b)      Cần xem lại từ ngữ “Đầu tư danh mục vốn”, có thể sửa thành “đầu tư vốn”, đồng thời nên giải thích đầu tư vốn là việc góp vốn cấu thành vốn điều lệ, mua cổ phần vào các doanh nghiệp, TCTD khác, bao gồm cả việc cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của TCTD. Trường hợp có nhiều khoản đầu tư thì được gọi là danh mục đầu tư vốn (tương tự với danh mục đầu tư chứng khoán của Luật Chứng khoán).    
3.       Về Nguyên tắc lập hồ sơ (Điều 4):
Văn bản đề nghị NHNN chấp thuận việc góp vốn mua cổ phần nên quy định do người đại diện theo pháp luật ký, thay vì quy định Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV ký (khoản 2 và Mẫu đơn đề nghị chấp thuận việc góp vốn mua cổ phần).
4.       Về Điều kiện để TCTD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con, công ty liên kết (Điều 5, Điều 8):
a)       Dự thảo Thông tư quy định điều kiện “tại thời điểm đề nghị, có bộ phận kiểm soát nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định của NHNN”, tuy nhiên lại chưa làm rõ “quy định của NHNN” ở đây là như thế nào. Điều này sẽ gây khó khăn cho TCTD trong việc đáp ứng điều kiện về tổ chức nội bộ để được chấp thuận góp vốn, mua cổ phần.
b)      Đối với điều kiện về không có vi phạm hành chính: Thông tư nên chọn phương án quy định về nội dung xử phạt hành chính mà nếu TCTD có vi phạm và bị xử phạt thì sẽ không được xem xét chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần như nội dung của Dự thảo. Đồng thời cũng cần xem xét theo hướng kết hợp cả tính chất và mức độ bị xử phạt.
c)       Theo Phần II của bản giải trình Thông tư: Đối với việc góp vốn mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết, do bản chất của giao dịch nên “các điều kiện đối với hình thức này sẽ yêu cầu cao hơn về mặt quản trị, điều hành và kinh nghiệm hoạt động của TCTD”. Tuy nhiên, các điều kiện đưa ra tại Điều 8 của Dự thảo chưa thể hiện được yêu cầu cao hơn về mặt quản trị, điều hành đối với TCTD như thế nào.
5.       Về Hồ sơ đề nghị chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con, công ty liên kết (Điều 6, Điều 9):
a)       Cần bổ sung trường hợp TCTD góp vốn, mua cổ phần của các công ty con, công ty liên kết đang hoạt động, thì đề án cần có nội dung về việc bổ sung thông tin liên quan đến tình hình hoạt động và tài chính của công ty con, công ty liên kết mà TCTD dự định mua cổ phần;
b)      Cần bổ sung trường hợp TCTD góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết, đề án cũng cần quy định phải nêu vai trò trong quản trị điều hành của TCTD trong công ty con, công ty liên kết như thế nào.
6.       Về Điều kiện đối với việc đầu tư vốn của TCTD (Điều 11):
Theo quy định tại khoản 1, TCTD được chủ động quyết định việc đầu tư danh mục vốn trong giới hạn góp vốn, mua cổ phần quy định tại Luật Các TCTD. Tuy nhiên, Điều 129, Luật Các TCTD chỉ quy định giới hạn góp vốn vào doanh nghiệp nói chung mà không quy định giới hạn góp vốn vào các TCTD. Nhưng thực chất, khoản 6, Điều 103 Luật Các TCTD vẫn bỏ ngỏ vấn đề này.
Do vậy, Thông tư cần quy định vấn đề này một cách cụ thể hơn.  
7.       Về Những thay đổi phải thông báo với NHNN (Điều 14):
Cần xem xét lại quy định tại Dự thảo Thông tư về thời hạn tối thiểu là 15 ngày làm việc, TCTD phải báo trước với cơ quan có thẩm quyền liên quan đến một số thay đổi trong một số trường hợp có thể dẫn đến vướng mắc, vi phạm. Chỉ có việc thay đổi liên quan đến công ty con mà TCTD sở hữu 100% vốn điều lệ thì TCTD mới hoàn toàn chủ động quyết định và bảo đảm thời hạn báo trước này.
Còn các trường hợp công ty con, công ty liên kết mà TCTD sở hữu từ 11% đến dưới 100% vốn điều lệ (có quyền biểu quyết), thì còn phụ thuộc vào Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị,… quyết định về sự thay đổi (kể cả thời hạn thay đổi). Do đó, sẽ không bảo đảm việc báo trước 15 ngày làm việc như yêu cầu.
8.       Về Những thay đổi phải được NHNN chấp thuận trước bằng văn bản (Điều 15):
Việc chuyển đổi việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty liên kết thành công ty con không được quy định là một trong những thay đổi phải được NHNN chấp thuận trước bằng văn bản (Điều 15). Trong khi đó, khoản 2, Điều 18 lại quy định thủ tục và trình tự chấp thuận đối với trường hợp chuyển đổi việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức đầu tư danh mục hoặc công ty ty liên kết thành công ty con được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Vì vậy, đề nghị thống nhất nội dung này.  
9.       Về Điều kiện để TCTD được NHNN chấp thuận những thay đổi quy định tại Điêu 15 (Điều 16):
Với nội dung đề nghị bổ sung tại điểm 7 nói trên, sẽ phát sinh nội dung sau: Quy định về TCTD phải bảo đảm các quy định tại Điều 5 của Thông tư này đối với các trường hợp chuyển đổi việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức đầu tư danh mục, công ty liên kết thành công ty con.
10.  Về trách nhiệm của TCTD (Điều 19):
a)       Đề nghị sửa “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” tại khoản 2 thành “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” cho phù hợp với quy định của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp. 
b)      Nên sửa tên điều thành “Trách nhiệm của TCTD sau khi được NHNN chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con hoặc công ty liên kết.” đồng thời bỏ đoạn dẫn dắt “Sau khi được NHNN chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần dưới hình thức công ty con hoặc công ty liên kết, TCTD có trách nhiệm:” vì không thuộc kết cấu khoản nào của Điều này.
11.  Các ý kiến khác:
a)       Phần quy định của Thông tư nên bổ sung nội dung “Thẩm quyền chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD.”
b)      Đề nghị chỉnh sửa lại một số từ ngữ, câu chữ như:
-          Sửa “thời gian” thành thời hạn tại một số Điều (như Điều 5.3, 5.4, 5.5,…);
-          Sửa ”đảm bảo” thành ”bảo đảm” trong (tài sản đảm bảo” (như Điều 3);
-          Bỏ “tối đa” trong đoạn “trong thời hạn tối đa” (như Điều 7, 10, 11,…) vì trong thời hạn đã bao gồm nghĩa tối đa.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Phòng Pháp chế Maritime Bank.

 
 

PHÒNG PHÁP CHẾ
Maritime Bank
 
 
 
 
 
 

Các văn bản liên quan