Góp ý của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)

Thứ Năm 17:45 30-06-2011

NGÂN HÀNG TMCP ĐÔNG NAM Á SEABank
Số: 2487/2011/CV-ĐNA

V/v góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số
163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm
                                                                                                                                       Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2011

Kính gửi : PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 1324/PTM-PC ngày 14-06-2010 về việc tham gia góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Dự thảo), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á trân trọng đóng góp một số ý kiến như sau:
I. Về các nội dung đã được đề cập trong Dự thảo
1. Về phần giải thích thuật ngữ tại Điều 3:
- Về khoản 1, Điều 3: Định nghĩa về Bên bảo đảm theo như Dự thảo đưa ra là chưa chính xác đối với trường hợp Bên Bảo đảm là Bên bảo lãnh và tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở vì trong các trường hợp này Bên bảo đảm không dùng tài sản mà chỉ dùng uy tín của mình (tín chấp), vì vậy theo SeABank cần phải sửa khoản này như sau: "Bên bảo đảm là bên dùng tài sản/hoặc cam kết dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người thứ ba đối với bên nhận bảo đảm, bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp"
- Về khoản 8 Điều 3: Dự thảo sửa đổi khái niệm về hàng hóa luân chuyển: Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là động sản dùng để trao đổi, mua bán, cho thuê trong phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên bảo đảm, trừ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh". Như vậy, theo quy định này, các nguyên liệu, vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh không được coi là hàng hóa luân chuyển và sẽ không được ghi nhận và quản lý theo phương thức hàng hóa luân chuyển. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa đưa ra được phương thức quản lý đối với loại hàng hóa là nguyên liệu, vật liệu và nhiên liệu làm đầu vào của quá trình sản xuất. Việc không có quy định hoặc không quy định cụ thể về vấn đề này sẽ tạo vướng mắc rất lướn cho các bên thực hiện do đây là loại tài sản của hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
- Về việc nhận tài sản bảo đảm là nguyên, nhiên vật liệu làm đầu vào cho sản xuất: dự thảo cũng chưa quy định việc các hàng hóa, thành phẩm được hình thành (chuyển hóa) từ các nguyên, nhiên vật liệu này có đương nhiên trở thành tài sản thế chấp hay không? Vì thực tế, rất nhiều trường hợp khách hàng cầm cố, thế chấp nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, sau khi được chuyển hóa thành các loại thành phẩm, hàng hóa khác thì tính chất, quy cách và chất lượng của tài sản đã bị biến đổi.
- Về khoản 11 Điều 3: Về cách giải thích thuật ngữ Giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm đối với người thứ ba: Dự thảo giải thích là: Việc công khai hóa thông tin về giao dịch bảo đảm thông qua hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm…theo SeABank, đây là giải thích về một hoạt động để tạo ra giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm thì chuẩn xác hơn. Giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm đối với người thứ ba chính là giá trị hiệu lực của giao dịch đó, nhằm xác lập quyền ưu tiên của người nhận bảo đảm đối với một bên thứ ba.
2. Về việc bổ sung đoạn thứ hai của khoản 2 Điều 4:
- Đối với việc nhận tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai là "Nhà ở của cá nhân đang được xây dựng, tạo lập hợp pháp". Cần phải hiểu thế nào là đang được xây dựng hợp pháp? Quy định này có bao gồm trường hợp nhà đang xây dựng nhưng nhà này theo quy định pháp luật thì không phải xin Giấy phép xây dựng? Đang được tạo lập hợp pháp là gì? Quy định này có bao gồm trường hợp nhà được tặng cho, thừa kế hợp pháp hay không? SeABank đề nghị Ban dự thảo làm rõ thêm nội dung này.
- Đối với việc nhận tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai trường hợp nhà ở của tổ chức, cá nhân mua của tổ chức, cá nhân khác, mà hợp đồng mua bán nhà ở đã được công chứng theo quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, bên bán nhà yêu cầu thanh toán tiền trước khi ký công chứng hợp đồng mua bán nhà ở vì thông thường, sau khi ký công chứng bên bán nhà đã có thể không tham gia vào quá trình chuyển nhượng giấy tờ sở hữu nữa. Vì vậy, nên mở rộng cả trong trường hợp cho vay để thanh toán, ký kế Hợp đồng mua bán nhà ở.
3. Về nội dung bổ sung tại khoản 3, Điều 27
- Theo SeABank, bên bỏ đoạn bên thế chấp và người thứ ba được thanh toán phần giá trị của tài sản tăng  thêm do đầu tư khi xử lý tài sản bảo đảm trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Vì: nếu phần đầu tư tăng thêm được coi là tài sản thế chấp thì sẽ được xử lý như bình thường và dùng toàn bộ giá trị xử lý đó để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Nếu còn thừa mới hoàn trả cho bên bảo đảm.
4. Về nội dung bổ sung tại Điều 47b
- Tại khoản 1 quy định: "Trong trường hợp có nhiều bên cùng nhận bảo lãnh thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh theo quy định tại Điều 369 Bộ luật Dân sự được chia cho các bên cùng nhận bảo lãnh theo tỷ lệ tương ứng với nghĩa vụ được bảo lãnh" Quy định này chưa đề cập đến thứ tự ưu tiên về thời gian. Ví dụ khi xử lý tài sản của bên bảo lãnh mà không đủ để thu nợ cho các bên nhận bảo lãnh thì Bên nhận bảo lãnh trước có được ưu tiên hơn hay không?
5. Về nội dung bổ sung tại khoản 3, Điều 70:
- "3. Trong trường hợp bên bảo đảm không đồng ý việc chuyển quyền sở hữu quyền sử dụng tài sản, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào kết quả xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua, người nhận chính tài sản bảo dảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với mình."
Quy định như thế này là rất chung chung: Cần hiểu và làm thế nào để chứng minh được là bên bảo đảm không đồng ý?
- Vì vậy theo SeABank thì nội dung này cần được quy định rõ như sau: "Theo yêu cầu của Người xử lý tài sản bảo đảm thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào Hồ sơ, tài liệu và kết quả xử lý tài sản bảo đảm do Người xử lý tài sản bảo đảm cung cấp để thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua, người nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với mình.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua, người nhận tài sản bảo đảm trong thời hạn bảy ngày làm việc đối với động sản, mười lăm ngày làm việc đối với bất động sản, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn đăng ký
Hết thời hạn quy định nêu trên mà việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thực hiện xong thì Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho các Bên liên quan nêu rõ lý do của việc chưa thực hiện xong."
6. Về nội dung bổ sung Chương IVa:
- Khoản 1, Điều 71b quy định: "Trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản thì việc giao kết, thực hiện giao dịch bảo đảm được thực hiện theo pháp luật của nước nơi có bất động sản". Nội dung này chưa chỉ rõ được tài sản bảo đảm là bất động sản ở đây là theo quy định của pháp luật nước nào vì có thể xảy ra trường hợp tài sản bảo đảm ở nước ngoài (điểm c, khoản 1Điều 71a) và thực tế thì việc xác định tài sản là động sản hay bất động sản ở mỗi nước lại khác nhau. Mặt khác, khoản này cũng chưa nêu rõ pháp luật áp dụng trong trường hợp tài sản bảo đảm được hình thành trong tương lai.
Theo SeABank, nên quy định rõ như sau: Trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản (theo quy định của pháp luật Việt Nam) thì việc giao kết, thực hiện giao dịch bảo đảm được thực hiện theo pháp luật của nước nơi có bất động sản hoặc nơi có tài sản bảo đảm được hình thành trong tương lai.
- Khoản 2, Điều 71b; tương tự như ý kiến tại Khoản 1, nên quy định rõ tài sản bảo đảm là động sản ở đây được giải thích theo quy định của pháp luật nước nào.
Trường hợp tài sản bảo đảm là động sản (theo quy định của pháp luật Việt Nam), trừ tàu bay, tàu biển thì việc giao kết, thực hiện giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của nước nơi có động sản được chuyển đến, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
II. Về một số nội dung chưa được đề cập trong Dự thảo:
1. Về nội dung tại khoản 1 Điều 58:
"1. Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sẩn đó được thực hiện theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật."
Nội dung theo thỏa thuận của các bên là chưa rõ ràng cần phải quy định cụ thể hơn vì vậy theo SeABank nội dung này cần sửa đổi, bổ sung thành;
"1. Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo đảm; nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật."
2. Về nội dung Thời hạn xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 62
"Tài sản bảo đảm được xử lý trong thời hạn do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì người xử lý tài sản bảo có quyền quyết định về thời hạn xử lý, nhưng không được trước bảy ngày đối với động sản hoặc mười lăm ngày đối với bất động sản, kể từ ngày thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định này"
Theo SeABank cần sửa đổi, bổ sung như sau:
"Tài sản bảo đảm được xử lý theo thời hạn do các bên thỏa thuận tại Hợp đồng bảo đảm; nếu không có thỏa thuận thì người xử lý tài sản có quyền quyết định về thời hạn xử lý, nhưng không được trước bảy ngày đối với động sản hoặc mười lăm ngày đối với động sản, kể từ ngày thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định này"
3. Về nội dung Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý tại Điều 63
i. Về quy định tại khoản 1 Điều 63: "1. Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết".
- Cần sửa đổi thành: "1. Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo dảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền ngay lập tức thu/giữ hoặc đề nghị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết."
ii. Về quy định tại khoản 2 Điều 63: "2. Khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm:
a) Thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên."
Quy định này là không thực tế vì: Sau khi Bên thế chấp/hay người giữ tài sản không tự nguyện bàn giao tài sản theo một thời gian cho Người xử lý tài sản ấn định (theo khoản 1, Điều 63) thì Người xử lý tài sản mới buộc phải áp dụng biện pháp thu giữ. Nếu Người xử lý tài sản lại phải thực hiện Thông báo thu giữ tài sản với nội dung ghi rõ như trên và lại phải tiếp tục chờ đợi thêm một thời hạn hợp lý mới được phép thu giữ thì tài sản bảo đảm thường sẽ bị Bên thế chấp hay người đang giữ tài sản cất giấu và tẩu tán mất.
Vì vậy nội dung này cần phải được sửa đổi, bổ sung như sau:
"2. Khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm:
a) Thông báo cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do của việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên."
iii. Về khoản 3 Điều 63: "Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì bên bảo đảm có trách nhiệm phối hợp với người xử lý tài sản thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm"
Cần sửa đổi, bổ sung thành: " Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì người này có trách nhiệm bàn giao tài sản bảo đảm theo yêu cầu của người xử lý tài sản bảo đảm. Bên bảo đảm có trách nhiệm phối hợp với người xử lý tài sản thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm"
iv. Về khoản 5, điều 63: "Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm".
Cần sửa đổi, bổ sung thành: "Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác từ phía người giữ tài sản, thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm hỗ trợ thu hồi. Các cơ quan này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để hỗ trợ thu hồi và giữ gìn an ninh, trật tư, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm"
4. Về nội dung quy định tại Điều 68
i. Khoản 1 điều 68 quy định "Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được bán đấu giá"
Theo SeABank thì nội dung này cần phải được quy định cụ thể hơn như sau: "Trong trường hợp không có thỏa thuận tại Hợp đồng bảo đảm về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được bán đấu giá"
ii. Khoản 2 điều 68 quy định: "Trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất đó được tiếp tục sử dụng đất. Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong hợp đồng về quyền sử dụng đất giữa bên thế chấp và người sử dụng đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác" Quy định này chỉ nói đến trường hợp xử lý tài sản gắn liền với đất thuâ, đất góp vốn…mà không thấy đề cập đến trường hợp xử lý tài sản gắn liền với đất thổ cư (đất có sổ đỏ). Theo đó thì khi xử lý tài sản gắn liền thì Người xử lý có quyền xử lý quyền sử dụng đất (có sổ đỏ) không? người mua, người nhận chính tài sản gắn liền với đất đó được tiếp tục sử dụng đất hay không? Trách nhiệm của chủ sử dụng đất như thế nào?
Trên đây là một số ý kiến của SeABank đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
Trân trọng góp ý!
 



Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VP.
 
NGÂN HÀNG TMCP ĐÔNG NAM Á
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Khúc Thị Quỳnh Lâm



 

Các văn bản liên quan