Góp ý của Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải

Thứ Hai 14:27 28-03-2011


                                 

 


V/v: Góp ý Dự thảoThông tư

quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại

 

Kính gửi:

Ban Pháp chế VCCI

Theo đề nghị của Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Pháp chế Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) xin tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại như sau:

1.       Về mạng lưới hoạt động (Điều 3):

a)       So với Quy định về Mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại, ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN ngày 29-4-2008 của Thống đốc NHNN, thì khái niệm mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại trong Dự thảo Thông tư (khoản 1) đã bị thu hẹp lại, cụ thể là không bao gồm sở giao dịch, phòng giao dịch, ATM, điểm giao dịch. Đề nghị xem lại tính hợp lý của điều này, tuy quy định phòng giao dịch, ATM là một loại hình chi nhánh nhưng lại được điều chỉnh bằng những nội dung riêng, hầu như không cùng với đặc điểm của chi nhánh. Đặc biệt là chữ chi nhánh, khi thì được sử dụng với nghĩa bao hàm cả phòng giao dịch, khi lại chỉ được sử dụng riêng, rất khó phân biệt trong toàn bộ nội dung Dự thảo Thông tư.

b)       Đề nghị làm rõ, nếu quy định phòng giao dịch và ATM là loại hình chi nhánh (khoản 5 và 6) thì có phải đăng ký hoạt động tại cơ quan đăng ký kinh doanh không? Hơn nữa, ATM chỉ là thiết bị được ngân hàng thương mại sử dụng để cung cấp cho khách hàng một số dịch vụ ngân hàng. Trong khi đó chi nhánh là 1 đơn vị thực hiện hoạt động kinh doanh theo ủy quyền của ngân hàng thương mại. Do đó, quy định ATM là loại hình chi nhánh là không đúng bản chất. Ngoài ra, đề nghị ghi rõ tên gọi đầy đủ trước khi viết tắt ATM.

c)       Theo Dự thảo Thông tư, phòng giao dịch không thuộc mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (khoản 6) nhưng vẫn quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập như một bộ phận riêng biệt trong mạng lưới hoạt động. Đề nghị quy định rõ phòng giao dịch có thể thuộc chi nhánh hay bắt buộc phải trực thuộc ngân hàng.

d)       Về cơ sở pháp lý, phòng giao dịch được thành lập trên cơ sở các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD năm 1997, mà trong Luật này cũng không có quy định về phòng giao dịch giống như Luật Các TCTD năm 2010 hiện hành. Tuy nhiên việc này vẫn phù hợp với quy định về “địa điểm kinh doanh” trong Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Do đó, kiến nghị chỉ nên bỏ quỹ tiết kiệm, còn giữ nguyên mạng lưới hoạt động như Quyết định 13/2008/QĐ-NHNN và không nên định nghĩa phòng giao dịch, ATM là loại hình chi nhánh.

2.       Về phạm vi hoạt động của đơn vị sự nghiệp và phòng giao dịch (Điều 3):

a)       Về đơn vị sự nghiệp (khoản 4): Đề nghị làm rõ các dịch vụ liên quan mà đơn vị sự nghiệp được phép cung ứng cho khách hàng là những dịch vụ nào để tránh vướng mắc khi thực hiện;

b)       Về hoạt động của phòng giao dịch (khoản 6): Đề nghị nâng hạn mức tối đa được cho vay lên 5 tỷ đồng Việt Nam thay vì mức 2 tỷ đồng đã đặt ra cách đây 3 năm.

c)       Đề nghị bỏ cụm từ “không vượt quá” tại đoạn “Cho vay tối đa không vượt quá 2 tỷ đồng Việt Nam”, vì “tối đa” đã bao hàm nghĩa “không vượt quá”.

3.       Về Thẩm quyền của NHNN (Điều 4):

Đề nghị bổ sung thẩm quyền của NHNN trong trường hợp thay đổi địa điểm của Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài, trường hợp thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở nước ngoài

4.       Về Nguyên tắc lập hồ sơ (Điều 6):

Khoản 1, Điều 6 quy định “các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật” là chưa đầy đủ.

Đề nghị quy định là “các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt…”.

5.       Về tên và kết cấu của Chương II:

Nội dung chính của Thông tư là điều chỉnh về thành lập, khai trương và chấm dứt hoạt mạng lưới hoạt động, vì vậy đề nghị chuyển các Mục 1, 2 và 3 tại Chương này về “Quy định cụ thể” thành các chương sau:

-          Chương II. Điều kiện, thủ tục, hồ sơ thành lập Chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và mở ATM (thay cho tên mục I hiện nay là “Mở rộng mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại”);

-          Chương III. Khai trương hoạt động, thay đổi tên, địa điểm, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp;

-          Chương IV. Chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.

6.       Về Điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại (Điều 7):

a)       Liên quan đến điều kiện “…trong năm liền kề năm đề nghị, không bị xử phạt hành chính dưới hình thức phạt tiền và phạt bổ sung đối với vi phạm hành chính về:…” đề nghị nên quy định một mức phạt cụ thể, thay vì quy định là phạt tiền với mọi mức đã không đủ điều kiện để được phép thành lập mạng lưới hoạt động.

b)       Đề nghị sửa từ “thời gian” thành “thời hạn” tại trong cụm từ “Trong thời gian sáu tháng” tại khoản 1 Điều này. Đồng thời đề nghị sửa các từ tương tự tại Điều 7.2, 11.3.b, 19.1,…).

7.       Về Thủ tục đề nghị Thống đốc NHNN chấp thuận việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp (Điều 9):

a)       Khoản 7 quy định “trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, ngân hàng thương mại phải  hoàn thành các thủ tục pháp lý, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự theo quy định của nước sở tại nơi thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện để khai trương hoạt động. Kết thúc thời hạn trên, ngân hàng thương mại chưa được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước không còn giá trị ”. Thực tế, mỗi một quốc gia sở tại có những quy định pháp luật khác nhau. Thời hạn 1 năm để hoàn thành thủ tục thành lập có thể thực hiện được ở nước này nhưng không thực hiện được ở nước khác. Khi đó, với quy định nếu không hoàn thành thủ tục trong thời hạn 1 năm thì văn bản chấp thuận của NHNN không còn giá trị nữa, vừa không phù hợp với thực tiễn, vừa gây khó khăn bất lợi cho ngân hàng thương mại trong việc đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài. Đề nghị kéo dài thời hạn này và quy định một số trường hợp do phải thực hiện các quy định của nước sở tại sẽ không tính vào thời hạn này.

b)       Đề nghị bỏ bớt từ “tối đa” trong đoạn “trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc” cho thống nhất trong toàn văn bản và vì “trong thời hạn” đã bao hàm nghĩa “tối đa”. Đồng thời đề nghị bỏ các từ “tối đa” tại các Điều 9.3, 9.4, 9.5, 9.6, 9.7, 10.2, 10.3,…

8.       Về Thủ tục đề nghị NHNN chi nhánh chấp thuận thành lập phòng giao dịch (Điều 10):

Đề nghị bỏ quy định NHNN chi nhánh lấy ý kiến của NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố nơi ngân hàng thương mại đặt trụ sở chính, vì NHNN chi nhánh là cơ quan quản lý và đánh giá trực tiếp việc thành lập chi nhánh ngân hàng thương mại căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình, còn trường hợp cần lấy ý kiến của NHNN chi nhánh nơi ngân hàng thương mại đặt trụ sở chính thì sẽ do NHNN trung ương tiến hành.


9.       Về Điều kiện, hồ sơ, thủ tục mở ATM (Điều 11):

Điểm b khoản 3, quy định kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị mở ATM của ngân hàng thương mại, NHNN chi nhánh sẽ ra văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị. Như vậy, chỉ căn cứ vào văn bản đề nghị mà NHNN chi nhánh quyết định việc cho thành lập là không có cơ sở. Thực tế, còn phải dựa vào Quy định nội bộ bằng văn bản để quản lý ATM bảo đảm hoạt động an toàn theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, đề nghị sửa “kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị mở ATM...” thành “kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị mở ATM...”. Khi đó, hồ sơ mở đề nghị mở ATM đã bao gồm: văn bản đề nghị và quy định nội bộ quản lý ATM.   

10.  Về Khai trương hoạt động, thay đổi tên, địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại (Điều 12):

Điểm d khoản 1 quy định “Đăng báo trung ương và báo địa phương trong 3 số liên tiếp theo quy định của pháp luật”. Đề nghị bỏ đoạn “theo quy định của pháp luật” vì thực tế pháp luật chỉ quy định về việc đăng báo đối với doanh nghiệp, chứ không có quy định về việc đăng báo đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.

11.  Về Thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại ở trong nước (Điều 13):

a)       Đề nghị bổ sung Nghị quyết của Hội đồng thành viên trong trường hợp là ngân hàng thương mại có mô hình là công ty trách nhiệm hữu hạn.

b)       Đề nghị đảo “Điều 12 Khoản 1 Điểm a, b, c, d và e” thành “điểm a, b, c, d và e khoản 1, Điều 12 Thông tư này” tại khoản 4.

c)       Đề nghị sửa “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” thành “Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động” tại khoản 6, vì chỉ ngân hàng mới có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nay là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), còn chi nhánh, phòng giao dịch,… chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Tương tự là tại khoản 1, Điều 14.

12.  Về Các trường hợp chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại (Điều 15):

Đề nghị xem lại ttTên điều luật là “các trường hợp chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại” không phù hợp với nội dung tại khoản 2 và khoản 3 về thẩm quyền giải quyết cũng như thủ tục chấm dứt hoạt động.

13.  Về Bắt buộc chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại (Điều 17):

a)       Điểm a khoản 1, quy định trường hợp có bằng chứng chứng minh hồ sơ đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp có thông tin sai sự thật thì bị chấm dứt hoạt động. Đề nghị xác định thông tin sai sự thật đến mức độ nào thì mới phải chấm dứt hoạt động, vì có thể nhiều thông tin tuy sai nhưng chỉ là do sơ suất hoặc không ảnh hưởng đáng kể đến bản chất vấn đề thì không cần thiết phải bắt buộc chấm dứt hoạt động.

b)       Đề nghị xem lại điểm b khoản 1, khi khai trương hoạt động không đủ điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 12 thì yêu cầu bổ sung đáp ứng đủ các điều kiện và xử phạt vi phạm hành chính chứ không nên bị chấm dứt hoạt động ngay, nhất là trường hợp sau đó đã khắc phục đáp ứng đủ điều kiện.

14.  Về Công bố chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại ở trong nước (Điều 18):

a)       Đề nghị bổ sung cả việc công bố chấm dứt hoạt động ATM nữa để khách hàng biết. Và thông báo chấm dứt hoạt động của ATM chỉ cần dán ở nơi ATM là được mà không cần phải đăng báo như các chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện hay đơn vị sự nghiệp.

b)       Đề nghị sửa “đăng bố cáo” thành “đăng báo” cho thống nhất với các quy định khác của pháp luật.

15.  Về Hiệu lực thi hành (Điều 25):

Đề nghị hướng dẫn cụ thể đối với một số loại hình hoạt động như: Sở giao dịch, phòng giao dịch, ATM, điểm giao dịch đã thành lập và hoạt động trước ngày thông tư này có hiệu lực thì sẽ được điều chỉnh bởi quy định nào, có phải thay đổi theo mô hình mới hay được tiếp tục hoạt động theo các văn bản hướng dẫn trước đó.

Trân trọng tham gia!

 

PHÒNG PHÁP CHẾ

Maritime Bank

 

 

Các văn bản liên quan