Góp ý của Luật sư Bùi Thanh Lam – Công ty Luật Liên Á và Cộng sự

Thứ Hai 14:28 28-03-2011

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG DỰ THẢO THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ MẠNG LƯỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

 

Luật sư. Bùi Thanh Lam[1]

Cử nhân Phạm Thị Duyên

 

A. Nhận xét chung

Về cơ bản, chúng tôi nhất trí với bố cục và các nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của Ngân hàng thương mại (sau đây gọi tắt là Dự thảo) trên cơ sở phù hợp với định hướng mới theo các quy định nêu trong Luật các TCTD 2010.

B. Nhận xét về các điều khoản cụ thể

Trong Dự thảo vẫn còn một số nội dung đề nghị Ban soạn thảo lưu ý chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như các đặc điểm hoạt động của mạng lưới NHTM:

1.       Quy định về mạng lưới hoạt động của NHTM

a.        Theo đó, tại Điều 3 của Dự thảo quy định “Mạng lưới hoạt động của NHTM bao gồm: chi nhánh, đơn vị sự nghiệp, văn phòng đại diện ở trong nước; Chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài” mà không đề cập đến Sở giao dịch, Quỹ tiết kiệm hay điểm giao dịch. Như vậy đã phần nào hạn chế các loại hình đơn vị trực thuộc chi nhánh ngân hàng so với quy định trước kia: Các chi nhánh của NHTM sẽ không được phép mở rộng mạng lưới của mình, chỉ được hoạt động tại trụ sở chi nhánh hay các Ngân hàng lại phải có phương án lách luật với việc áp dụng các tên gọi khác thay cho việc mở Phòng Giao dịch, Quỹ tiết kiệm,…trực thuộc chi nhánh.

Nếu chỉ được mở các chi nhánh (hoặc PGD với tư cách cũng là 01 chi nhánh) thì số lượng của các chi nhánh này bị hạn chế, dẫn đến việc trên một địa bàn rộng mà chỉ với số lượng chi nhánh hạn chế (không có các đơn vị con thuộc chi nhánh) sẽ không đáp ứng được mong muốn cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng rộng khắp đến người dân cũng như không phù hợp với một số đặc điểm của hoạt động ngân hàng.

b.       Dự thảo quy định Phòng giao dịch, máy ATM được coi là loại hình Chi nhánh

-         Việc quy định này có một số bất cập, đó là không thể đánh đồng Phòng Giao dịch, máy ATM với Chi nhánh của NHTM bởi lẽ tên gọi và các nghiệp vụ được phép hoạt động của các loại hình này được quy định là khác nhau;

-         Nếu coi PGD là một chi nhánh thì rõ ràng là các PGD có tư cách, địa vị tương đương với Chi nhánh (không còn là đơn vị trực thuộc Chi nhánh như quy định trước kia) thì Dự thảo cũng cần phải có quy định rõ ràng về cách thức xử lý đối với các Phòng Giao dịch trực thuộc các Chi nhánh đã được thành lập trước đó: (i) Tách các PGD ra khỏi Chi nhánh và được mở rộng thêm phạm vi hoạt động; (ii) Nếu vẫn để các PGD đó trực thuộc chi nhánh thì cách thức hoạt động sẽ theo quy định nào, tên gọi ra sao;

-         Việc quy định khái niệm và bổ sung “ATM là loại hình chi nhánh” là một điểm mới so với quy định cũ. Tuy nhiên về vấn đề này thì cần cân nhắc đến rất nhiều yếu tố, bởi vì bản thân ATM theo quy định cũ cũng chỉ xem là thiết bị được NHTM sử dụng để cung cấp dịch vụ Ngân hàng. Chính vì thế Dự thảo quy định ATM là loại hình chi nhánh thì sẽ có rất nhiều vấn đề cần đề cập tới, như xem ATM là thiết bị điện tử[2] để  NHTM cung cấp dịch vụ ngân hàng hay là một loại hình chi nhánh. Vì nếu là loại hình chi nhánh như Dự thảo quy định thì lúc này lại kèm theo nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với ATM để hạn chế các rủi ro cho khách hàng cũng như bản thân NHTM khi thực hiện hoạt động kinh doanh.

2.       Quy định về các trường hợp chấm dứt hoạt động

Mục 3 của Dự thảo đã quy định các trường hợp chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của NHTM và quy trình xử lý đối với các trường hợp này nhưng Dự thảo thiếu quy định về truờng hợp đuơng nhiên chấm dứt hoạt động.

3.       Quy định về việc điều chỉnh mạng lưới hoạt động của NHTM

Ban soạn thảo cần cân nhắc về vấn đề thời gian trong quy định này (không nên quy định cứng là tối đa 05 năm các NHTM buộc phải điều chỉnh mạng lưới). Vì theo quy định trong Dự thảo thì NHNN đã tăng thêm quyền tự chủ cho NHTM, công với việc điều chỉnh mạng luới hoạt động là do năng lực cũng như khả năng phát triển của mỗi NHTM. Và lẽ đương nhiên khi một NHTM có tiềm lực thì lúc đó có thể điều chỉnh mạng luới chi nhánh của mình mà không phụ thuộc vào thời gian. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của  các quy định trong Dự thảo.

 



[1] Luật sư Thành viên – Công ty Luật Liên Á và Cộng sự

[2] Luật giao dịch điện tử  năm 2005

Các văn bản liên quan