Góp ý của Ngân hàng Bảo Việt

Thứ Hai 14:24 28-03-2011

 


V/v: Góp ý DT Thông tư

về mạng lưới hoạt động của

Ngân hàng thương mại

 

Kính gửi:

Ban Pháp chế

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

 

Thực hiện Công văn số 0578/PTM-PC ngày 17-03-2011 của Quý cơ quan V/v đóng góp ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của Ngân hàng thương mại, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) có một số ý kiến như sau:

1.       Về Giải thích từ ngữ (Điều 3):

a)         Theo các quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 3 thì Phòng Giao dịch và ATM được hiểu là một loại hình Chi nhánh. Nếu áp hai khái niệm này vào khái niệm Chi nhánh quy định tại khoản 2, Điều 3 cũng như các quy định khác trong Dự thảo thông tư về Chi nhánh, Phòng Giao dịch và ATM thì thấy nhiều điểm còn vướng mắc, không phù hợp, cụ thể như:

-           Nếu là loại hình Chi nhánh thì ít nhất Phòng giao dịch và ATM phải có các quy định chung điều chỉnh giống như quy định điều chỉnh về Chi nhánh. Tuy nhiên trong Dự thảo thông tư thì các quy định điều chỉnh về Chi nhánh là hoàn toàn riêng và quy định điều chỉnh về ATM và Phòng Giao dịch là hoàn toàn riêng. Cụ thể là những quy định về điều kiện thành lập, hồ sơ đề nghị thành lập, thủ tục đề nghị chấp thuận (Điều 7, 8, 9 DT Thông tư). Cũng theo quy định tại các quy định này, thì vẫn có thể hoàn toàn hiểu Phòng giao dịch vẫn nằm trong mạng lưới hoạt động của NHTM.

-           Khi nhắc đến khái niệm Chi nhánh, hoàn toàn có thể hiểu nó bao hàm cả Phòng Giao dịch và ATM. Tuy nhiên trong Dự thảo thông tư thì việc dùng cụm từ Chi nhánh lại không thống nhất, khi thì là Chi nhánh nói riêng, khi thì bao hàm cả Phòng Giao dịch và ATM.

-           Trên thực tế hiện nay, Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc NHTM, còn Phòng Giao dịch và ATM là đơn vị thuộc Chi nhánh. Nếu quy định như DT thông tư thì cần quy định rõ Phòng Giao dịch và ATM bắt buộc trực thuộc NHTM hay có thể thuộc Chi nhánh? Phòng Giao dịch và ATM có phải đăng ký hoạt động tại cơ quan đăng ký hoạt động tại cơ quan đăng ký kinh doanh như một loại hình Chi nhánh hay không ?  

-           Trên thực tế, ATM chỉ là thiết bị điện tử chỉ đơn thuần cung cấp cho khách hàng một số dịch vụ, trong khi đó Chi nhánh là đơn vị thực hiện hoạt động kinh doanh theo uỷ quyền của NHTM, hoạt động rất phức tạp và phong phú. Như vậy việc quy định ATM là loại hình chi nhánh là không phù hợp.

b)        Về việc cung ứng dịch vụ của Đơn vị sự nghiệp (điểm d, khoản 4, Điều 3): Đề nghị quy định rõ, Đơn vị sự nghiệp được cung ứng cho khách hàng những dịch vụ liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng nào để tránh vướng mắc khi thực hiện.  

c)         Đề nghị ghi rõ tên gọi đầy đủ trước khi viết tắt là ATM (khoản 5, Điều 3)

2.       Về nguyên tắc lập hồ sơ (Điều 6):

Đề nghị sửa khoản 1, Điều 6 thành “Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt Nam. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật”.

3.             Về điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch (Điều 7):

-                Theo khoản 2,  Điều 7 DT thông tư thì sau thời gian sáu tháng kể từ ngày khai trương hoạt động, ngân hàng thương mại được thành lập chi nhánh, phòng giao dịch khi đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện  “ Kinh doanh có lãi trong năm trước liền kề năm đề nghị thành lập chi nhánh…” (điểm a, khoản 2) và “ Trong năm liền kề năm đề nghị, không bị xử phạt...” (điểm e, khoản 2). Như vậy, đối với ngân hàng thương mại mới thành lập được sáu tháng chưa đủ một năm thì không thể nào đáp ứng được điều kiện năm liền kề. Đề nghị nên sửa lại quy định cho cụ thể và rõ ràng hơn.

-                Theo điểm g, khoản 2, Điều 7  thì chức danh Giám đốc chi nhánh phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và không kiêm nhiệm chức danh nào tại các chi nhánh khác của ngân hàng thương mại. Như vậy, Giám đốc chi nhánh  có được kiêm nhiệm thêm các chức danh khác trong chi nhánh không? Đề nghị quy định rõ. Ngoài ra, đề nghị quy định rõ về “các văn bản chứng minh Giám đốc chi nhánh hoặc các chức danh tương đương dự kiến …” theo khoản 4, Điều 8 gồm những loại nào? (ví dụ: có cần sơ yếu lý lịch, bản sao bằng cấp/ chứng chỉ...).

4.             Về Hồ sơ đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp  (Điều 9):

-                Đối với Văn bản của Ngân hàng thương mại đề nghị  NHNN chấp thuận việc thành lập chi nhánh (khoản 1, Điều 9): Đề nghị quy định rõ Văn bản đề nghị của ngân hàng thương mại là văn bản cụ thể nào đối với mỗi loại hình xin thành lập, là đề án (đối với hồ sơ xin mở chi nhánh) hay phương án kinh doanh (đối với hồ sơ xin mở phòng giao dịch) hay dạng đơn đề nghị khác. Nếu là dạng đơn đề nghị, cần quy định rõ áp dụng theo mẫu nào và đưa vào phần phụ lục như Quyết định 13/2008/QĐ-NHNN, tránh trường hợp Ngân hàng nhà nước tại các tỉnh/ thành phố yêu cầu sử dụng các mẫu khác nhau, gây phiền toái và mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ của ngân hàng thương mại.

-                Theo quy định tại khoản 3, Điều 8, thì khi gửi hồ sơ xin thành lập mạng lưới, Ngân hàng thương mại phải có văn bản chứng minh việc ngân hàng thương mại sẽ có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trụ sở dự kiến của chi nhánh. Đề nghị xem xét lại yêu cầu này theo hướng chỉ yêu cầu ngân hàng thương mại đưa địa điểm dự kiến vào trong hồ sơ xin cấp phép như quy định tương tự tại Quyết định 13/2008/QĐ-NHNN trước đây. Tại thời điểm Ngân hàng thương mại nộp hồ sơ đề nghị thì chưa cần phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hoặc hợp đồng thuê địa điểm hợp pháp. Bởi vì việc ngân hàng thương mại có được xét mở rộng thêm mạng lưới hay không là phụ thuộc vào năng lực quản trị, điều hành và chấp hành các quy định của pháp luật của ngân hàng đó, theo đúng tinh thần của bản giải trình mà dự thảo thông tư đã nêu. Khi Ngân hàng nhà nước xử lý hồ sơ sẽ dựa vào việc xem xét các yếu tố trên chứ không phụ thuộc vào việc ngân hàng đó đã có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm.

Nếu yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp hợp đồng thuê địa điểm ngay tại khâu xử lý hồ sơ, trường hợp không được cấp phép thì ngân hàng thương mại phải hủy hợp đồng thuê, điều này sẽ gây nhiều thiệt hại cho ngân hàng do chịu phạt hợp đồng.

Hơn nữa, điều kiện này được quy định là điều kiện để Ngân hàng thương mại được khai trương hoạt động (điểm e, khoản 1,  Điều 12) và ngân hàng thương mại phải cung cấp trong hồ sơ xin khai trương. Quy định như vậy là đã đủ để đảm bảo tính chặt chẽ, cũng như phù hợp với thực tiễn thực hiện của các ngân hàng. Khi ngân hàng thương mại đã được cấp phép thành lập và sau khi đã chuẩn bị đầy đủ về mặt cơ sở vật chất, pháp lý để đưa vào hoạt động sẽ gửi tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp trong hồ sơ xin khai trương. Trong hồ sơ xin thành lập, có thể đưa trước một địa điểm để đăng ký, nhưng khi gửi hồ sơ khai trương sẽ đưa địa điểm chính thức có tài liệu chứng minh. Điều này sẽ tạo thuận lợi và có thể hạn chế được thiệt hại tiềm tàng cho ngân hàng thương mại.

5.       Về Thủ tục đề nghị NHNN chi nhánh chấp thuận thành lập phòng giao dịch (Điều 10):

Đề nghị sửa khoản 2, Điều 10 thành:  Trong thời hạn tối đa năm ( 0 5) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh nơi Ngân hàng thương mại xin thành lập Phòng giao dịch có trách nhiệm lấy ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh nơi ngân hàng thương mại đặt trụ sở chính về sự cần thiết và việc đáp ứng các điều kiện thành lập phòng giao dịch” ; vì nếu dùng hai thuật ngữ khác nhau “Ngân hàng nhà nước Chi nhánh” và “Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố” dễ dẫn đến cách hiểu không thống nhất.

6.       Về điều kiện, hồ sơ, thủ tục mở ATM (Điều 11):

Đề nghị sửa điểm b, khoản 3, Điều 11 thành “ b- Trong thời gian năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị mở ATM của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của đơn vị. Trường hợp không chấp thuận, văn bản phải nêu rõ lý do” . Sửa từ “văn bản đề nghị ” thành “hồ sơ đề nghị” vì nếu Ngân hàng nhà nước Chi nhánh chỉ căn cứ vào văn bản đề nghị để quyết định việc cho mở hay không cho mở là chưa đủ cơ sở.

7.       Về thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại ở trong nước (Điều 13):

-           Đề nghị bổ sung Nghị quyết của Hội đồng thành viên vào điểm b, khoản 2, Điều 13.

-           Đề nghị sửa lại đoạn “…địa điểm kèm bản sao đăng ký kinh doanh…” nêu tại khoản 6, Điều 13 thành “…địa điểm kèm bảo sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động” vì chỉ Ngân hàng mới có đăng ký kinh doanh (nay là Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp) còn chi nhánh, phòng giao dịch chỉ có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

8.       Về Bắt buộc chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại (Điều 17):

-           Đề nghị xác định mức độ của thông tin sai sự thật nêu tại điểm a, khoản 1, Điều 17. Bởi vì trên thực tế, nếu cứ có bất kỳ thông tin sai sự thật nào về hồ sơ đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch …mà bắt buộc Ngân hàng phải chấm dứt hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch là không thực tế, vì nhiều khi có những thông tin sai không cơ bản, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch thì không nhất thiết phải chấm dứt hoạt động của chi nhánh. Vì việc bắt buộc phải chấm dứt hoạt động của chi nhánh…của Ngân hàng thương mại làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt của ngân hàng thương mại. Hai nữa, cũng cần xem xét lại điều kiện này vì trên thực tế, khi lập hồ sơ đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch… thì hồ sơ thành lập đã phải gửi lên Ngân hàng nhà nước xem xét và thẩm tra và qua nhiều thủ tục mới được thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.

-           Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 17 thì Ngân hàng thương mại cũng buộc phải chấm dứt hoạt động Chi nhánh, Phòng giao dịch…khi khai trương  hoạt động không đủ điều kiện quy định. Kiến nghị nên xem xét lại điều kiện này. Điều kiện này nên chỉ phạt vi phạm hành chính và yêu cầu Ngân hàng thương mại khắc phục các điều kiện thiếu trong một thời hạn nhất định và báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Nếu trong thời hạn đó, Ngân hàng thương mại không khắc phục được thì mới bắt buộc chấm dứt hoạt động. Hai nữa, việc khai trương hoạt động còn phải đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 3, Điều 12 là chỉ được khai trương khi có văn bản xác nhận của Ngân hàng nhà nước Chi nhánh. Như vậy, cũng cần quy định rõ đối với trường hợp mà Ngân hàng thương mại vi phạm điều kiện khai trương nhưng có văn bản xác nhận của Ngân hàng nhà nước Chi nhánh đủ điều kiện khai trương thì xử lý như thế nào.

Trên đây là một số ý kiến của BAOVIET Bank, xin kính gửi Quý Cơ quan nghiên cứu, xem xét tổng hợp!

 

Nơi nhận:

-   Như trên;

-   Lưu BPC; VT.

 

PHỤ TRÁCH BAN PHÁP CHẾ

 

 

(Đã ký)

 

 

PHÙNG BÍCH VÂN

 

Các văn bản liên quan