Góp ý của Luật sư Võ Thành Vị – Đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm

Thứ Sáu 09:47 08-04-2011

1)     Khoản 5 Điều 1 (Dự thảo Nghị định) về ghi hạn sử dụng trên nhãn đối với thực phẩm.

Ý kiến:

Cần phải quy định các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải ghi thời hạn sử dụng đối với thực phẩm gắn trên bao bì hoặc đóng dấu hạn sử dụng đối với thực phẩm đồ hộp rõ ràng khó có thể làm thay đổi được, để tránh trường hợp người bán hàng thay đổi thời hạn sử dụng trên nhãn đối với thực phẩm khi thực phẩm đã hết hạn sử dụng.

2)     Khoản 2 Điều 12 (Dự thảo Nghị định):

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tiến hành thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Chương V của Luật An toàn thực phẩm, trừ các trường hợp sau đây:

-       Sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình;

-       Kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong.

Về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp thì phù hợp với quy định hiện hành. Nhưng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ gia đình; kinh doanh thức ăn đường phố; bán hàng rong thì Nhà nước không có đủ lực lượng để kiểm tra và không thể cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định được. Vì các đối tượng này có số lượng lớn trên khắp các đường phố và không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận.

Quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các đối tượng này chưa quy định. Vì vậy, Dự thảo Nghị định phải trừ ra, không có quy định về quản lý Nhà nước đối với các đối tượng này, có thể được hiểu là bỏ ngỏ. Ai muốn kinh doanh như thế nào cũng được.

Ý kiến:

-       Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và hộ gia đình: giao Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn kiểm tra, quản lý. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn buộc các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ làm giấy cam kết về an toàn thực phẩm, dán tại nơi buôn bán. Nội dung giấy cam kết này tùy theo mặt hàng có nội dung theo mẫu quy định. Biện pháp này để hướng dẫn các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phải bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nếu có vi phạm thì bị xử lý theo quy định, giao cho Ủy ban nhân dân phường, xã , thị trấn xử phạt vi phạm hành chính.

-       Đối với những người kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong : Những đối tượng này buôn bán qua nhiều địa phương khác nhau, có những người ở tỉnh hàng ngày buôn bán thực phẩm tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không thể giao cho Ủy ban nhân dân một phường, xã, thị trấn quản lý được. Vì vậy, trước mắt chỉ có biện pháp là hạn chế họ mua bán trên một số tuyến đường. Quy định này còn nhằm mục đích để giữ gìn sạch sẽ và mỹ quan của đô thị.

3)     Điều 17 Dự thảo Nghị định: Về nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Một đối tượng sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Các nhóm thực phẩm, sản phẩm thực phẩm có chứa nhiều thành phần mà các thành phần đó thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ khác nhau thì trách nhiệm quản lý thuộc về Bộ quản lý thành phần chính. Theo quy định này, một số cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, có thể chịu sự quản lý của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau.

Trên thực tế, việc phân định trách nhiệm quản lý đối với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm rất khó khăn và chồng chéo. Vì vậy, theo khoản 7 Điều 17 của Dự thảo nghị định có quy định các Bộ có liên quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn phân công quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương. Nhưng tại khoản 1 Điều 19 của Dự thảo nghị định quy định: “Bộ y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm”.

Như vậy, có rất nhiều cơ quan Nhà nước có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm: Ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra của các Bộ chuyên ngành; Quản lý thị trường các cấp. Nhiều cơ quan Nhà nước có chức năng kiểm tra kiểm tra lan tràn hoặc có kiểm tra riêng rẽ thường không có kết quả cụ thể.

Quản lý Nhà nước về một lĩnh vực nào phải có cơ quan chịu trách nhiệm chính. Theo quy định trên, có nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm thì khó xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm. Không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm thì việc quản lý Nhà nước không hiệu quả. (Trong chiến tranh phải có Tư lệnh chiến trường).

Ý kiến:

Cần thiết phải giao cho Ủy ban nhân dân các cấp để quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương. Vì Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính Nhà nước chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, Luật, Các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên trong tất cả các mặt hoạt động đời sống xã hội. Khi phát hiện cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý, theo nguyên tắc phân công quản lý tại Điều 4 Dự thảo Nghị định, các cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có chứa thành phần thì Bộ quản lý thành phần chính có trách nhiệm quản lý. Đối với các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm khi cơ quan chuyên ngành phát hiện thì phải có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân để kiểm tra, xử lý vi phạm.

4)     Tại khoản 2 Điều 13: Về thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định: “Trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định đến lần thứ ba hoặc có vi phạm nghiêm trọng phạm vi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì bị thu hồi giấy chứng nhận và bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Quy định đến ba lần vi phạm mới xử lý vi phạm hành chính là không tính thời hiệu mỗi lần vi phạm. Thời hiệu vi phạm hành chính có 01 năm. Quy định đến lần thứ ba vi phạm mới xử lý là không phù hợp với các quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Ý kiến :

Theo Dự thảo Nghị định “đến lần thứ ba” mới bị xử lý cần phải được xem xét lại. Trong trường hợp này, cần phải quy định xử lý theo quy định Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, khi có vi phạm nghiêm trọng thì phải bị xử lý hình sự.

Các văn bản liên quan