Góp ý của Luật sư Trần Cảnh An – Văn phòng luật Trần Cảnh An

Thứ Sáu 15:46 13-08-2010

Ý KIẾN THẢO LUẬN

v/v sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện

                            Luật sư Trần Cảnh An

 Văn phòng Luật Trần Cảnh An

 

Bản thân chúng tôi không phải là doanh nghiệp nên những đóng góp của chúng tôi mang tính lý thuyết, lý luận nhiều hơn là thực tiễn bởi vì chúng tôi không phải là doanh nhân nên chúng tôi không thể đề xuất được là nên đưa vào cái này, loại bỏ cái kia, đây là vấn đề đầu tiên chúng tôi xin được trình bày, được xác minh đối với Hội Thảo.

Trước hết chúng tôi thấy rằng cái dự thảo này hoàn toàn không đá động gì đến nội dung khác quy định tại Nghị định số 59/2006 vì tinh thần của Dự thảo chỉ là 3 phụ lục nhằm thay đổi, sửa chữa chứ bản thân dự thảo không phải là để chỉnh lý Nghị định 59. Cũng trong tinh thần đó, đối với các Dự thảo số 02, tôi có một số ý kiến góp ý như sau :

1.     Tại Phụ Lục 1 : Mục A, số thứ tự  12 đã ghi rõ “Thực vật, động vật hoang dã (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến) thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác và sử dụng” nằm trong phụ lục I tức là danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh nhưng ở Phụ lục 2, thì cũng lại quy định đúng y như vậy tức là đưa lại nội dung Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm ( bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến) vào điều 7. Cùng một đối tượng hàng hóa lại được đưa vào hai mục khác nhau. Cách trình bày như thế chúng tôi thấy không hợp lý, cần có sự diễn đạt lại để làm logic hơn vấn đề này.

 

2.     Mục b, số thứ tự 9, phụ lục I : thì Hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi  là hoạt động nằm trong danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp những người phụ nữ sinh con nhưng không thể có sữa  cho em bé vì một lý do nào đó ví dụ như người mẹ sinh mổ hay vì một căn bệnh nào đó mà người mẹ không có sữa cho em bé. Rõ ràng trong trường hợp đó, người sản phụ không có sữa cho con bú nên phải dùng sữa bên ngoài để thay thế trong trường hợp bất khả kháng này. Như vậy, nếu cấm quảng cáo các loại sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi thì như thế vô số sản phụ rơi vào trường hợp không có sữa sẽ lấy cái gì đây, căn cứ trên cái gì đây để có thể nuôi con mình từ lúc mà sinh cháu ra. Do đó chúng tôi đề nghị rằng nên thêm vào số thứ tự 9, mục b như thế này “ hoạt động quảng cáo sai sự thật...” chúng tôi đề nghị có thêm 03 chữ đó đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Theo ý kiến chủ quan của tôi thì như thế sẽ xử lý được tình trạng bất cập mà chúng tôi vừa nêu. Đây là những suy nghĩ của chúng tôi, có thể đúng hoặc có thể sai nhưng chúng tôi mạnh dạn nêu ra những ý kiến này.

3.     Tại phụ lục III, quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện bao gồm hai mục, mục 1 là danh mục hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và mục 2 là mục kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh : Ở  mục 1 là những hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì mới được kinh doanh.  Nội dung này thì mọi người đều có thể hiểu rõ và rõ ràng là đúng. Vì đối với những hàng hóa và dịch vụ kinh doanh có điều kiện và khi có điều kiện như thế thì sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Quy định như thế là hoàn toàn hợp lý, logic vô cùng. Nhưng mà tại mục 2, thì quy định hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì chúng tôi không hiểu được. Trên thực tế thì những hàng hóa, dịch vụ ở  mục hai mang tính hậu kiểm nhưng chúng tôi quan niệm rằng đã là văn bản pháp quy thì không thể viết như thế được bởi vì về mặt logic những mặt hàng nào kinh doanh có điều kiện không được cấp giấy phép kinh doanh thì sẽ hiểu là những mặt hàng này không được phép kinh doanh chứ không thể cho rằng viết như thế là hiểu rằng đó là những mặt hàng được phép kinh doanh. Chúng tôi đọc liệt kê trong tất cả các mục, các hàng hóa dịch vụ liệt kê trong  mục 2- hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiên không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì vẫn thấy rằng nó vẫn được kinh doanh như thế rõ ràng là nó không phản ảnh đúng thực tế và thuyết minh vừa rồi. Chúng tôi cho rằng một văn bản pháp luật là một văn bản pháp quy nhưng viết như thế sẽ dẫn đến một sự ngộ nhận rất là lớn và về mặt lý luận không thể nào viết như thế được. Ta nên điều chỉnh lại cách trình bày cụ thể hơn, rõ ràng hơn, hợp lý hơn. Có thể quy định rằng các hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện và không có giấy phép kinh doanh vẫn có thể kinh doanh vì việc kinh doanh mang tính hậu kiểm. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng quy định này cũng rất nguy hiểm. Chúng tôi đề nghị viết lại cho logic, hợp lý để sửa lại những bất cập trên.

4.     Hoạt động môi giới (mục 4, phần dịch vụ, phụ lục I ): Đối với hoạt động môi giới kết hôn thì đã là môi giới là hoạt động kinh doanh, mà đặc điểm của hoạt động kinh doanh là hoạt động nhằm mục đích sinh lời nên không cần đưa thêm vào nội dung “nhằm mục đích sinh lời” vào trong phụ lục nữa.

5.     Hiện tại một số mặt hàng cấm như trong ngành thủy sản có cấm các hoạt động ảnh hưởng đến sức khỏe. Ví dụ như cá nóc, nhưng hiện nay, một số địa phương cho phép xuất khẩu cá nóc. Nên cần nêu rõ cấm sản xuất và tiêu thụ nhưng đồng ý cho xuất khẩu để tạo điều kiện pháp lý cho các doanh nghệp thủy sản hoạt động.

 

 

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan