Góp ý của Ông Nguyễn Khắc Phụng – Công ty tư vấn CIBUD

Thứ Năm 15:04 09-08-2007


MỘT SỐ Ý KIẾN THAM GIA
  NGHỊ ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP


                                                                Nguyễn khắc Phụng
                                                                 Cty tư vấn CIBUD
                                                                   DT:0903402192
 
Với 14 năm trực tiếp tham gia kinh doanh và là một trong những người tham gia ban lãnh đạo Hiệp hội công thương thành phố Hà nội từ ngày thành lập cho đến nay.Với kiểm nghiệm bản thân và có nhiều điều kiện tiếp súc với giới doanh nhân,nhất là sau khi nước ta gia nhập thị trưòng thế giới (WTO), tôi cho rằng việc ban hành Nghị định này là một yêu cầu bức thiết mà giới doanh nhân đã mong đợi từ lâu,nhưng vấn đề mà nhiều người quan tâm là tính khả  thi của Nghị định, vì Nghị định này qui định hầu hết trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước phải làm,mà trước đây ít ai nghĩ sẽ làm như vậy, nên tính khả thi càng phải được coi trọng , trong tờ trinh của Bộ tư pháp có nêu:

 Về phía doanh nghiệp:"Trình độ hiểu biết luật pháp và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ sở hữu và người quản lý chưa cao, một số doanh nghiệp còn chưa trung thực,cố tinh vi phạm qui định pháp luật...", cách đặt vấn đề như vậy tuy chưa hẳn đã sai, nhưng hình như vẫn chưa dám nhìn thẳng vào sự thật.

 Trước hết phải thừa nhận một thực trạng là các DN của nước ta tuyệt đại bộ phận là nhỏ và vừa, hầu hết là những người lần đầu tiên trong cuộc đời bước vào nghề kinh doanh nhờ chính sách mở cửa của đảng và Nhà nước, nên chắc chắn có hai điều kiện họ chưa làm được, và có cái thậm chí họ cũng sẽ không chọn làm nếu Nghị định này không được thực thi đúng như qui định:

Một là, chưa đủ thời gian và cả trình độ để tiếp cận với một hệ thống pháp luật vừa nhiều, vừa chồng chéo và bất cập như hiện nay; kiểm chứng từ bản thân tôi, là một cán bộ trước đây đã  trực tiếp quản lý DN nhà nước, khi nghỉ hưu tham gia kinh doanh với một nghề mà hàng ngày có liên quan trực tiếp tới nhiều lĩnh vực qui phạm pháp luật, nên có lẽ tôi và những đồng nghiệp của chúng tôi đều là những người luôn ý thức về việc cập nhật các văn bản pháp luật và khai thác mạng từ những ngày sơ khai của nó, nắm bắt pháp luật lại là nghề chính của chúng tôi mà nhiều lúc cũng chịu bó tay và phải chọn con đường mà trong ngôn ngữ dân gian thường nói, chắc không lâu sẽ được các nhà biên soạn tự điển sử dụng, đó là từ"chạy"vì trong giai đoan vừa qua nó thực sự "hiệu quả" đảm bảo vừa được việc vừa nhanh, lại bớt tranh cãi.

Hai là, không hoàn toàn là chưa có thói quen sử dụng tư vấn, mà trước hết đã là người kinh doanh thì cái đầu tiên  phải lựa chọn là hiệu quả; hàng ngày nhất cử nhất động của DN đều  ít nhiều có liên quan đến pháp luật,  mà trực tiếp là tiếp cận với cán bộ thực thi pháp luật, nhưng vừa qua có một số không nhỏ cán bộ vốn không có "thói quen" hướng dẫn DN hiểu để làm đúng pháp luật mà tìm "mọi cách giữ pháp luật" cho mình để mưu cầu lợi ích, còn người kinh doanh thì chỉ nghĩ làm sao vừa thuận tiện lại vừa giữ được lợi ích, nên cũng đã lập trình  rất nhanh giữa bài toán "chạy" và thuê tư vấn, cái  nào hiệu quả hơn, cái đó sẽ được quyết ngay tức thời, do đó nếu không thấy hết thực trạng của vấn đề thì Nghị định khó khả thi.

Nhưng phải thừa nhận, sau luật doanh nghiệp, thì Nghị định này lại  là một minh chứng nữa  cho đường lối quyết tâm đổi mới của Đảng và nhà nước ,tất cả để phát triển kinh tế nhanh và bền vững,về nội dung Nghị định tôi cho là nếu làm được thì thật đã quá tốt, xin góp một số ý kiến nhỏ sau:

 1-Từ phía doanh nghiệp, tôi dám chắc rằng, tuyệt đại bộ phận những người đã quyết gắn mình vào sự nghiệp kinh doanh thì không bao giờ xem nhẹ việc thực thi pháp luật, vì họ ý thức rất rõ có làm đúng pháp luật thì mới là sự đảm bảo chắc chắn nhất cho sự phát triển an toàn của mình, và cũng hiểu rằng những việc "chạy" như cách làm hiện nay sẽ dần không còn đất để tồn tại, tất nhiên điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Để nắm bắt pháp luật, với hệ thống mạng  đang phát triển như hiện nay, lại được sự hỗ trợ của nhà nước theo qui định tại Nghị định này thì việc này không phải là điều khó, cái khó sẽ thường xuyên xuất hiện trong quá trình thực thi Nghị định này vẫn sẽ  là những vấn đề mà từ trước đến nay vẫn xuất hiện từ nhiều phía bao gồm cả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, nhưng rất khó giải quyết, đó là những vấn đề: "hiểu không rõ, hiểu không thống nhất, hoặc hiểu thế nào cũng được "trong một văn bản luật hoặc giữa các văn bản với nhau ,nhưng khi phát hiện hoặc hỏi thì không ai dám rứt khoát,mà để phối hợp cho ra lẽ chắc chắn không dễ dàng. 
  
 2-Từ phía nhà nước, tôi cho rằng, để thực thi Nghị định này là một việc thật sự khó khăn, nếu không nói quá ra là phải có một cuộc"cách mạng"ngay từ trong đội ngũ cán bộ nhà nước, vì phải thay đổi từ tổ chức, từ ý thức, từ  "thói quen" của cách làm cũ vốn không mất công nghiên cứu lại vừa có lợi ích vừa được "trọng vọng"(theo nghĩa hình thức), còn theo qui định của Nghị định, từ nay phải nghiên cứu cập nhật cơ sở dữ liệu, biên soạn, xuất bản tài liệu, hương dẫn cho doanh nghiệp,và cứ theo qui định của Nghị định này mà suy ra,thì từ nay về sau  ,nếu có chính sách khuyến khích, ưu đãi nào mà doanh nghiệp không được hưởng hoặc bị phạt do không được hướng dẫn đầy đủ, kịp thời thì những người phụ trách trực tiếp ngành đó chắc không thể không liên đới chịu trách nhiệm....như vậy chẳng phải đã khác xa với "thói quen" cũ, nếu đúng là một cuộc cách mạng thì không thể ngày một ngày hai có thể làm đựơc ,vì việc làm này cũng không phải chỉ do một bộ hoặc một địa phương nào làm mà nó liên quan đến hầu hết các ngành các cấp,và cũng không chỉ có quyết tâm là có thể làm được,muốn làm còn phải có điều kiện mà những điều kiện ở đây đều có liên quan đến cán bộ, đến nguồn kinh phí,tôi không rõ đã ai ngồi tính thử xem muốn thực thi Nghị định này thì sẽ mất bao nhiêu người và cần bao nhiêu  tiền,kinh nghiệm trong những năm qua nhiều luật  do không dự tính hết các điều kiện cho nó thực thi, nên "uy tín" của những luật đó dã góp phần không nhỏ vào việc mất niềm tin của dân với đảng.Trước mắt  tôi xin kiến nghị mấy việc có thể làm ngay và nếu làm tốt  cũng sẽ là cơ sở  góp phần không nhỏ vào việc thực hiện nghị định trong tương lai 

a-Phải luật hoá và đầu tư đầy đủ để  cải tiến ngay hệ thống mạng của Chính phủ, các Bộ và chính quyền địa phương theo hương thống nhất, cập nhật toàn diện, công khai, minh bạch các văn bản pháp qui, các chủ trương đã ban hành.Hiện tượng phổ biến hiện nay trên các mạng này là, văn bản sai lỗi chính tả khá phổ biến, khi có thay đổi không cập nhật, hoặc có cập nhật nhưng lại không kịp thời, không huỷ các văn bản đã lỗi thời, cách tra cứu lại có nhiều kiểu khác nhau, không dễ tiếp cận. 

b-Phải xây dựng và công khai một chế độ làm việc thân thiện với "dân doanh nghiệp"tôi nói "dân doanh nghiệp"vì theo định nghĩa của Nghị định, doanh nghiep bao gồm doanh nghiệp và tổ chức,cá nhân kinh doanh, có nghĩa sẽ có khoảng ngót 03 triệu đối tượng có cơ hội tiếp cận với cơ quan nhà nước về những vấn đề nhậy cảm mà lâu nay như một sở hữu riêng, làm sao để họ "dám" hỏi và "tin tưởng để hỏi".vì "văn hoá"hỏi của các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, không loại trừ cả doanh nghiệp nhà nước còn quá xa lạ, chứ cá nhân kinh doanh thì quả thật chưa bao giừ dám nghĩ tới. 

c-Phải yêu cầu Bộ khoa học công nghệ hướng dẫn ngay Nghị định số 87 ban hành ngày 05/11/2002 về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn,vì cho đến nay không rõ taị sao vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, nếu Nghị định cần sửa thì cũng phải sửa hoặc thậm chí phải thay thế, chứ không thể để Nghị định 87 này tự chết như hiện nay mà chẳng có cơ quan nào có ý kiến, ngay cả Bộ tư pháp không biết có nhớ có nghị đinh 87 mà chưa có hướng dẫn  hay không. 

d-sau khi Nghị định ban hành, đề nghị các ngành có liên quan công bố công khai kế hoạch và biện pháp chi tiết thi hành Nghị định (có thể là từng việc hoăc một số viêc), để cho doanh nghiệp biết mà tìm hỏi. 

e-Từng ngành, địa phương nên hiệp thương với Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam, các Hiệp hội để hợp tác cộng đồng trách nhiệm thực hiện nghị định, vì đã từ lâu các doanh nghiệp chỉ có một chỗ dựa để tin duy nhất là các tổ chức trên.
 
 

Các văn bản liên quan