Góp ý của Ls.Nguyễn Văn Thi – Công ty Luật TNHH Brandco – Cử nhân luật Phạm Thị Hương Lan về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm

Thứ Năm 16:30 07-04-2011

I/ ĐÁNH GIÁ CHUNG:

-         Dự thảo nghị định bước đầu đã phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Việc phân định này thực sự cần thiết nhằm đưa công tác quản lý đi vào nề nếp, phù hợp với cách thức quản lý trong tình hình mới, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm quản lý như những năm vừa qua.

-         Dự thảo đã cụ thể hóa được những quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm góp phần nhanh chóng đưa các  quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm vào trong cuộc sống;

 

II. CÁC Ý KIẾN CỤ THỂ:

 

Bên cạnh các vấn đề trên, Dự thảo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế dẫn đến việc chưa tạo được sự phù hợp, thống nhất hoàn toàn với các quy phạm pháp luật liên quan như về đăng ký công bố hợp quy,…. Tại dự thảo vẫn sử dụng nhiều thuật ngữ chưa có sự nhất quán với Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu đề và nội dung trong cùng một Chương chưa có sự thống nhất, …

 

1. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định theo Điều 1 Dự thảo như sau :

“Nghị định này quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 12, khoản 2 Điều 15, khoản 4 Điều 17, khoản 3 Điều 18, khoản 3 Điều 34; khoản 3 Điều 39; khoản 2 Điều 44, Điều  61, 62, 63, 64 và Điều 65  của Luật An toàn thực phẩm về:

1. Công bố hợp quy và thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn,  phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến và  vật liệu bao gói, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

2. Quy định về bảo đảm an toàn đối với sức khoẻ con người và môi trường của thực phẩm biến đổi gen. Ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen.

3. Đối tượng sản xuất, kinh doanh không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

4. Miễn kiểm tra nhà nước và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với một số thực phẩm nhập khẩu; trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước sẽ xuất khẩu vào Việt nam theo Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

5. Ghi hạn sử dụng trên nhãn đối với thực phẩm.

6. Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực:

a) Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế;

b) Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

c) Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công thương;

d) Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các cấp.

đ) Quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”

 

Nhận xét: Đối với một văn bản quy phạm pháp luật khi xây dựng, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là phạm vi điều chỉnh của văn bản đó như thế nào. Điều này cũng có nghĩa là để một văn bản có sức sống nhất định, phạm vi điều chỉnh của văn bản đó cần phải khái quát được các mối quan hệ mà nó tác động, bởi vì các mối quan hệ này luôn nằm trong sự tác động lẫn nhau và trên thực tế luôn luôn biến đối không ngừng.

Với lẽ trên, việc quy định phạm vi điều chỉnh của Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm theo hướng liệt kê các Điều, Khoản của Luật An toàn thực phẩm mà nó hướng dẫn không đảm bảo tính khoa học và khái quát của một văn bản quy phạm pháp luật. Quy định theo hướng liệt kê dễ dẫn đến việc văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với diễn biến mới luôn thay đổi của các quan hệ xã hội.

 

Kiến nghị :   Nên khái quát phạm vi điều chỉnh của Nghị định như sau: “Nghị định này quy định chi tiết về việc đăng ký công bố hợp quy đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến và  vật liệu bao gói, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Bảo đảm an toàn đối với thực phẩm biến đổi gen; Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm; Ghi nhãn sản phẩm; Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”.

 

2. Về đối tượng phải công bố hợp quy

Đối tượng phải công bố hợp quy theo Điều 3 Dự thảo bao gồm:

“1. Đối với những thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật thì phải đăng ký bản công bố hợp quy theo Điều 5 của Nghị định này.

2. Đối với những thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì phải công  bố phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo Điều 7 của Nghị định này

3. Đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải đăng ký lưu hành. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký lưu hành thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng”.

Kiến nghị:  

-            Nên sửa Điều 3 như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vật liệu bao gói, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

2. Đối với thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải đăng ký bản công bố hợp quy theo quy định tại Nghị định này.

3. Đối với thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì phải công bố phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định này.

4. Thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng áp dụng thủ tục đăng ký lưu hành. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký lưu hành thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng ”.

-            Bỏ Điều 5 Dự thảo vì nội dung trùng với Điều 3.

 

3. Về Giấy xác nhận công bố hợp quy

Tại khoản 1, Điều 8 Dự thảo quy định: “ “Điều 8. Thủ tục tiếp nhận và cấp giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm

1. Bộ quản lý ngành và các cơ quan có thẩm quyền được Bộ quản lý ngành phân cấp có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ theo quy định của pháp luật.”

 

Kiến nghị : Sửa khoản 1, Điều 8 dự thảo thành:

“Điều 8. Thủ tục tiếp nhận và cấp giấy xác nhận đăng ký công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm

1. Bộ quản lý ngành và các cơ quan có thẩm quyền được Bộ quản lý ngành phân cấp tiếp nhận và  kiểm tra hồ sơ đăng ký công bốhợp quyhoặc hồ sơ công bố phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

 

4. Về thời hạn có hiệu lực của Giấy xác nhận công bố hợp quy/Giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm

Điều 9 của Dự thảo quy định thời hạn có hiệu lực như sau:

“a) 5 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất có một trong các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: HACCP, GMP và ISO 9001.

b) 3 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất không có các chứng chỉ trên.

c) 2 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình”.

Kiến nghị:

-       Để thống nhất về mặt thuật ngữ với Luật An toàn thực phẩm, nên sửa “Giấy xác nhận công bố hợp quy” thành “Giấy xác nhận đăng ký công bố hợp quy”.

-       Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến nghị nên quy định thời hạn có hiệu lực của Giấy xác nhận đăng ký công bố hợp quy/Giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở này tương tự như sản phẩm của cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình là 02 năm. Như vậy, thời hạn 02 năm sẽ áp dụng với: sản phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và quy mô hộ gia đình.

 

5. Về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm

Quy định tại Chương IV Dự thảo – Đối tượng sản xuất kinh doanh không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện  an toàn thực phẩm.

Kiến nghị:

- Thứ nhất, Thay đổi tên Chương IV, vì nội dung Chương này không chỉ bao gồm Phạm vi đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện  phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà còn quy định về Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Nên sửa tên chương IV từ “Đối tượng sản xuất kinh doanh không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện  an toàn thực phẩm” thành “ Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.

- Thứ hai: Theo Khoản 2 Điều 12 Dự thảo: “Loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình; kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định không phải tiến hành thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.“

 

Kiến nghị: Điều 22 Luật An toàn thực phẩm quy định: cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhưng theo Dự thảo nghị định, các cơ sở này không phải chứng minh sự đáp ứng các điều kiện đó. Đề nghị Ban soạn thảo cho biết cách thức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở này.

Về các thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt, đề nghị làm rõ các tiêu chí để xác định điều kiện bảo quản đặc biệt. Căn cứ vào các tiêu chí này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ tự đối chiếu để xác định cách thức bảo quản thực phẩm tại cơ sở mình có cần thiết phải tiến hành thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?

 

6. Quy định về thực phẩm nhập khẩu:

Quy định tại Chương V- Đối tượng nhập khẩu được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm; Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu.

Kiến nghị :

- Thứ nhất, nên sửa đổi tên chương từ “Đối tượng nhập khẩu được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm; Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu” thành: “Kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu”. Như vậy, sẽ bao quát được cả hai nội dung quy định tại Chương này.

- Thứ hai, Tại Khoản 1, Điều 15 - Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu quy định: “1. Trước khi xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam các tổ chức, cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyển của Việt Nam theo quy định.”

Kiến nghị :

Điều này có hạn chế việc người tiêu dùng việt nam được tiếp cận các sản phẩm có chất lượng cao của các tập đoàn đa quốc gia không? Vì có thể các tập đoàn lớn chưa chấp nhận chi phí để đăng ký nhập khẩu vào thị trường việt nam khi mà thị trường Việt nam là nhỏ so với kế hoạch phát triển của họ. Kiến nghị: Nên kiểm tra và có các quy định về đăng ký với nhà nhập khẩu.

 

Trên đây là những nội dung góp ý mà chúng tôi đúc  kết trong quá trình thực hiện dịch vụ tư vấn và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhiều doanh nghiệp kính gửi đến Ban soạn thảo xem xét bổ sung dự thảo trên cách tiếp cận càng chi tiết bao nhiêu, rõ bao nhiêu thì quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn càng dễ dàng, thuận lợi bấy nhiêu.

Các văn bản liên quan