Góp ý của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Thứ Tư 15:43 14-06-2006

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam xin góp ý như sau:
 
1- Tên gọi của Nghị định 152/2005 cần giữ nguyên là "Qui định về xử lý vi phạm hành chính", phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm  hành chính, nội dung của Nghị định qui định các hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, nguyên tắc xử phạt, nhưng tổng hợp lại là qui định biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong đó có cả giáo dục, tuyên truyền… và cưỡng chế.
                                                     
2- Bổ sung thêm khoản 9 vào Điều 4
Nhằm  quy định rõ về quyền của công dân khi bị xử phạt hành chính được biết về chứng cứ của hành vi vi phạm mà mình mắc phải, đề nghị sửa câu cuối của khoản 9 (dự thảo) như sau:
- "Người có thẩm quyền xử phạt, trước khi tuyên phạt, phải công khai cho người bị phạt xem chứng cứ (kết quả ghi nhận hành vi vi phạm bằng thiết bị chuyên dùng) nói trên, để người bị phạt nhận ra lỗi của mình mà chấp hành hình phạt."
 
3- Sửa đổi, bổ sung Điều 6.
Việc đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnhvực GTĐB trên GPLX được coi là hình thức xử phạt khi hành vi vi phạm chưa đến mức tước quyền sử dụng GPLX, phải ghi bổ sung vào Khoản 2 Điều 5 về hình thức xử phạt.
Tại khoản 4 Điều 4 NĐ 152/2005 cũng dã qui định "Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần". Tại Điều 11 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính qui định "nếu qua 1 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, hoặc từ ngày hết thời hiệu xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính". Song dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 12 khoản 10 các điểm b, c, d thấy rõ:
+ Vi phạm điểm g khoản 6, khoản 7 (4 điểm  a, b, c, d) bị tước quyền sử dụng GPLX 30 ngày; vi phạm khoản 8 (3 điểm a, b, c) bị tước quyền sử dụng GPLX 60 ngày; vi phạm khoản 9 hoặc tái phạm điểm a khoản 8 bị tước đoạt quyền sử dụng GPLX 90 ngày.
+ Đồng thời vi phạm điểm g, điểm h, điểm i khoản 5; khoản 6 (7 điểm), khoản 7 (4 điểm), khoản 8 (3 điểm) đều bị đánh dấu số lần vi phạm.
Rõ ràng là việc đánh dấu số lần vi phạm được thực hiện cùng với việc tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn (!). Một hành vi bị xử phạt 2 lần.
Tính ra riêng điều 12 đã có trên 50 loại hành vi bị đánh dấu số lần vi phạm trong đó chỉ có 7 hành vi qui định ở điểm g, h và i khoản 5 là không bị tước quyền sử dụng GPLX(!)
Vì vậy đề nghị ghi rõ những hành vi vi phạm mà bị đánh dấu số lần vi phạm thì không bị tước quyền sử dụng GPLX, hoặc bị tước quyền sử dụng GPLX có thới hạn thì không bị đánh dấu. Hình thức đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trên GPLX là hình thức xử phạt vi phạm khi chưa đến mức tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn, nghĩa là vi phạm khoản 9 và tái phạm  điểm  a khoản 8 Điều 12 nhưng chưa đến mức tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn thì bị đánh dấu số lần vi phạm.
Tóm lại, đồng ý sửa đổi bổ sung điều 6 theo phương án 2 với việc bổ sung hình thức xử phạt ở Điều 5 khoản 2 và giảm bớt các hành vi vi phạm bị đánh dấu số lần vi phạm, với hành vi đã bị xử phạt tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn (30 ngày, 60 ngày) thì sẽ không bị đánh dấu trên GPLX.
 
4- Về bổ sung việc nộp tiền thế chấp thay cho chấp hành hình phạt tạm giữ phương tiện.
Đây là một giải pháp hợp lý hợp tình, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác phương tiện vận tải và tăng hiệu quả sử dụng phương tiện kinh doanh. Đồng ý với bổ sung khoản 3 mới vào Điều 7.
 
5- Về tạm giữ phương tiện qui định ở Điều 7
Phần lớn hành vi vi phạm  qui định ở Điều 12, Điều 13, Điều 28, Điều 31, Điều 32 thuộc lỗi của người lái xe, đề nghị không phạt tạm giữ phương tiện mà phạt tiền đối với lái xe. Các hành vi khác thuộc chủ xe cho nộp thế chấp thay tạm giữ xe.
 
6- Về sửa đổi bổ sung Điều 31 và Điều 32
- Khoản 1 thay từ "vị trí" bằng "nổi" cho phù hợp với Điều 61 luật GTĐB.
- Khoản 4 điểm b (trong dự thảo) ghi như sau:
"Chở người trên mui (nóc) xe, trong khoang chứa hành lý, đu, bám bề ngoài thành xe khi xe đang chạy".
Dùng từ "chở" phù hợp với luật GTĐB là "Cấm  chở người trên mui xe, đu bám ngoài thành xe" và không chỉ có để người nằm hay ngồi, mà quì hay đứng trên mui (nóc) cũng đều bị cấm. Ai vi phạm điều "cấm chở" này đều bị phạt.
- Vì điểm a Khoản 2 Điều 2 này đã phạt không đóng cửa, nên điểm b khoản 4 không cần đặt ra việc phạt đu bám ở cửa mà đu bám ngoài cửa lên xuống được coi là thành xe.
- Bổ sung điểm k khoản 4 như dự thảo là không hợp lý, vì:
Chiều cao xếp hàng trên giá chở hành lý lấp trên trên nóc xe được BGTVT qui định theo tiêu chuẩn thiết kế xe ôtô chở khách. Có các loại xe 12 chỗ, 15 chỗ, 25 chỗ, 30 chỗ, 45 chỗ… Luật GTĐB qui định lái xe kiểm tra sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hoá an toàn và cấm chở khách, hành lý, hàng vượt quá trọng tải thiết kế của xe. Điều này không có qui định về chiều cao xếp hàng trên nóc xe có giá chở hành lý. H £ 1,75WT ­(H £ 1,75WT trong đó WT là khoảng cách giữa 2 trung tâm điểm tiếp xúc của 2 bánh xe trục sau (trục chủ động), nếu là bánh xe kép thì tính điểm xúc của 2 bánh ngoài.).
- Cùng lý do như với xe chở khách, xe tải không có mui che thùng chở hàng có nhiều kiểu loại thiết kế với tải trọng và kích thước giới hạn khác nhau, có giới hạn chiều cao xếp hàng phù hợp với trọng tâm xe có hàng, nhưng luật GTĐB cũng chỉ ghi là cấm chở quá tải trọng và kích thước cho phép.                        
Đề nghị ghi: "Chất hàng, hành lý vượt quá chiều cao cho phép ghi trong sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được cấp cho xe".
 
7- Về sửa đổi, bổ sung Điều 39
Đề nghị bổ sung điểm  a khoản 1 Điều 39 như sau:
a. Không chấp hành nội qui đi xe; đi xe không có vé hợp lệ (đối với xe khách chạy theo tuyến cố định và xe buýt; đi xe không có tên trong phụ lục hợp đồng kèm theo); lên xe không đúng nơi qui định.
 
8- Về sửa đổi, bổ sung Điều 44:
Đề nghị bổ sung Khoản 4 Điều 44:
"Lực lượng TTGT đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với… tại các điểm giao thông tỉnh và trên phương tiện"
Bổ sung điểm n khoản 4 Điều 44 là điểm a Điều 39 như ghi trên đây.

Các văn bản liên quan