Góp ý của Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam

Thứ Hai 14:35 22-05-2006
GÓP Ý DỰ THẢO QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY NHÀ NƯỚC VÀ QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP KHÁC


Góp ý kiến dự thảo Nghị định quy chế quản lý tài chính

Sau khi nhận được văn bản dự thảo Nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã tổ chức xin ý kiến của một số doanh nghiệp Nhà nước là hội viên của Hiệp hội về bản dự thảo này. Sau đây là ý kiến tham gia của chúng tôi:

I - Nội dung của Bản dự thảo đã toát lên một điều quan trọng là sẽ giúp cho các doanh nghiệp tự chủ trong công tác tài chính, từ đó sẽ tự chủ được trong kinh doanh sản xuất, doanh nghiệp ổn định và phát triển.

II - Sau đây là những ý kiến tham gia cụ thể:

1. Tại trang 3, điều 5, mục 2:
" Đối với trường hợp Nhà nước hoặc Công ty Nhà nước nắm bắt số ít cổ phần...". Đề nghị cần định lượng cụ thể: "Số ít cổ phần" này là bao nhiêu? Từ thực tiễn chúng tôi đề nghị phần vốn Nhà nước chiếm từ 20% trở lên cần phải có người đại diện.

2. Tại trang 4, điều 7, mục 1a và 1b:
a) ...Đối với Công ty mới thành lập, chủ sở hữu có trách nhiệm đầu tư đủ vốn trong thời hạn 2 năm... Trường hợp sau thời hạn quy định chủ sở hữu không đầu tư đủ vốn thì tuỳ tình hình cụ thể phải tiến hành sắp xếp lại....
b) Đối với những công ty được thành lập trước khi có nghị định này.. thì chậm nhất là đến hết năm 2005 chủ sở hữu có trách nhiệm bổ sung đủ vốn cho công ty... Nếu chủ sở hữu không bổ sung đủ vốn.. thì xử lý như quy định tại điểm a nêu trên. Chúng tôi thấy quy định như thế rất khó cho các doanh nghiệp, chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp sau khi thành lập 1 đến 2 năm sẽ chết. Bởi vì khi thành lập Công ty chỉ có quyền mà không có lực. Vì vậy chúng tôi kiến nghị: trước khi thành lập, Bộ chủ quản hoặc UBND tỉnh cần có phương án thành lập công ty có cân đối đủ các yếu tố, trong đó có yếu tố tài chính. Nếu xem xét thấy đủ mới cho thành lập.

3. Tại trang 4 và 5, điều 8, mục 1 và 2
Cần nói rõ: cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao vốn Nhà nước là ai?
- Ở trung ương: Bộ Tài chính là người giao vốn là đúng
- Ở địa phương: nên giao trách nhiệm này cho Sở tài chính thực hiện. Như vậy vừa đúng mạch lại vừa thuận tiện.

4. Tại trang 8, mục 4:
Công ty không được phép đầu tư hoặc góp vốn... mà người quản lý... này là vợ, chồng, bố mẹ, anh chị em ruột của thành viên HĐQT, Ban Giám đốc và kế toán trưởng. Quy định như vậy là đúng nhưng sẽ có trường hợp xảy ra: ví dụ, hiện tại thì không có quy định như nêu trên, nhưng sau này ông Giám đốc công ty kết hôn với một cô là ủy viên HĐQT hoặc kế toán trưởng thì xử lý như thế nào?

5. Tại trang 19, điều 32, mục 2, 3, 4:
- Báo cáo tài chính... bắt buộc thực hiện kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán độc lập.
- Công ty chịu sự thanh tra, kiểm tra giám sát của cơ quan tài chính có thẩm quyền.
Như vậy có vấn đề đặt ra: Đã kiểm toán và thanh tra rồi sau đó cơ quan công an vào đòi thanh tra, kiểm tra thì ai trả lời? Cơ quan kiểm toán thanh tra Công ty lại phải làm lại với Công an tài liệu đã kiểm toán, thanh tra hợp pháp rồi thì có giá trị lưu trữ bao lâu? Và bao nhiêu năm không tính trách nhiệm hình sự?

6. Khoản kinh phí để làm công tác xã hội từ thiện, thì được tính vào khoản nào nữa nếu như Công ty đó không có quỹ phúc lợi. Nhà nước có cho phép tính vào lợi nhuận trước thuế không?
Hiện nay không công ty nào đứng ngoài cuộc làm công tác từ thiện, nhưng rất lúng túng trong hạch toán. Vì vậy cần Nhà nước quy định mục này.


Trên đây là một số ý kiến ban đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và xin tham gia ý kiến.

HIỆP HỘI GỖ VÀ LÂM SẢN VIỆT NAM

Các văn bản liên quan