Góp ý của ĐBQH Vũ Xuân Trường – Nam Định đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:22 19-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tôi xin góp ý kiến bổ sung về một số nội dung sau:

Trước hết tôi thấy rằng Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã phát huy tác dụng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Tuy vậy, trên thực tế tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập khó khăn làm hạn chế tới kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng như ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trong những ngày qua. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung kịp thời một số điều nhằm hoàn thiện bộ luật, tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Nhà nước, của nhân dân.

Vì thời gian có hạn, tôi xin góp ý cụ thể vào một số điều sau.

Tại Điều 3 quy định về các hành vi được coi là tham nhũng. Trước hết, tôi nhận thấy quy định của bộ luật này là bộ luật khung có liên quan đến nhiều bộ luật khác, do đó những hành vi tham nhũng cần phải được quy định và có sự thống nhất với các bộ luật khác như Luật Dân sự, Luật Xử lý hành chính, Luật Công chức và đặc biệt là Bộ luật Hình sự thì mới tạo điều kiện để xử lý đồng bộ, xử lý nghiêm minh được.

Nếu đặt vấn đề là sau sửa đổi luật này thì sẽ sửa đổi Bộ luật Hình sự 2009, tôi đề xuất với Ban soạn thảo cần bổ sung một số hành vi phạm tội khác vào các hành vi được coi là tham nhũng như: hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai cũng đang là vấn đề gây thiệt hại, gây nhức nhối rất nhiều trong quá trình xử lý. Hành vi cố ý làm trái chế độ chính sách. Hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt là một số hành vi trong nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp nhằm điều chỉnh các hành vi tham nhũng cả trong lĩnh vực này.

Mặt khác, trong 12 hành vi mà Ban soạn thảo đưa ra tại Điều 3 của dự thảo, tôi thấy hầu hết các hành vi đó đều đặt ra mục tiêu phải là vì vụ lợi thì như thế tôi thấy không sát đúng với Luật hình sự và có những điều đặt ra rất khó xử lý và không xử lý được.

Ví dụ, như tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi. Thế thì trong Điều 282 Bộ luật Hình sự chỉ cần gây thiệt  hại đã bị xử lý hình sự rồi.

Điều 289 tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ thì có câu kết là vì vụ lợi. Theo tôi nghĩ, không cần thiết phải có "vì vụ lợi". Bởi vì, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đã bao hàm ý đó rồi. Hoặc điều lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi thì tôi nghĩ cũng là thừa bởi vì đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước thì đã bao hàm ý vì vụ lợi rồi. v.v., Rất nhiều điều có từ vụ lợi như vậy. Tôi đề nghị phải xem xét kỹ nếu không sẽ mâu thuẫn và không thể xử lý được nếu xử lý bằng hình sự. Như vậy, phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Điều 10, đối với các hành vi bị nghiêm cấm. Tôi thấy cần bỏ Khoản 1 là cấm các hành vi được quy định tại Điều 3. Tôi thấy như thế là thừa, vì đây là đối tượng chúng ta đang điều chỉnh, đang chống và cần phải bổ sung một điều cấm nữa là: nghiêm cấm việc lạm dụng biện pháp xử lý hành chính để xử lý hành vi tham nhũng dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Điều này đại biểu Phạm Xuân Thường - Thái Bình cũng đã phát biểu, nên chăng xử lý hành chính trong các hành vi về chống tham nhũng trong thời gian qua cũng không ai kiểm soát và không kiểm soát được, nên chăng cần giao cho một cơ quan có chức năng thực hiện và thẩm quyền thực hiện trong lĩnh vực này như Viện Kiểm sát chẳng hạn mà đại biểu Thường đã phát biểu.

Ý nữa là về cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, tôi cũng thấy các đại biểu phát biểu nhiều, nhiều quan điểm, nhiều ý kiến nhưng theo tôi thì nhất trí cao với dự thảo về tổ chức hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng gồm:

Thứ nhất, cơ quan chỉ đạo, lãnh đạo là thuộc về Bộ Chính trị, Ban nội chính của các cấp.

Thứ hai, các cơ quan thực thi gồm có: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra về phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cơ quan của Viện kiểm sát phòng, chống tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân.

Tôi cũng đề nghị bổ sung thêm một đối tượng nữa là cơ quan điều tra của Viện kiểm sát đang thực hiện các hành vi điều tra các tội về xâm phạm hoạt động tư pháp của cán bộ tư pháp vi phạm pháp luật, do đó cũng đưa đối tượng này vào và loại cơ quan này vào cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Tôi thấy rằng các cơ quan nói trên trong thời gian qua đã được tổ chức đồng bộ có chân rết, có lực lượng từ Trung ương đến cơ sở và chỉ cần làm sao cho tạo được điều kiện tăng cường quản lý, tăng cường về cơ chế để kiện toàn củng cố cho các cơ quan này mạnh lên. Nếu đặt vấn đề thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội một cơ quan riêng biệt thì nó sẽ liên quan tới rất nhiều hệ thống như việc kiểm sát cơ quan điều tra này như thế nào? việc công tố đối với cơ quan điều tra này như thế nào? Ở Trung ương thành lập như thế, dưới các cơ sở, địa phương thì thành lập như thế nào? nó sẽ sinh ra, tôi nghĩ nó cũng lại chồng chéo và nhất là tốn kém.

Một ý cuối cùng, điểm nghẽn trong việc chống tham nhũng vừa qua là kết luận của thanh tra, kiểm toán qua các kỳ thanh tra, kiểm toán là mặc dù có công khai nhưng chưa được thông báo tới các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Do đó việc phát hiện, phối kết hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, còn là điểm nghẽn như giải trình của đồng chí Tổng Thanh tra Nhà nước. Do đó, tôi đề nghị bổ sung vào Điều 93 một điều là: cơ quan kiểm tra, kiểm toán phải gửi kết luận thanh tra, kiểm toán sau mỗi đợt thanh tra, kiểm toán cho Ban chỉ đạo, cho các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng. Tôi xin tham gia ý kiến như vậy. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan