Góp ý của ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:22 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Trên cơ sở 7 nội dung đoàn thư ký gợi ý, tôi xin phát biểu 3 nội dung.

Một, về phạm vi sửa đổi.

Hai, về kê khai, công khai và kiểm soát tài sản.

Ba, về ban chỉ đạo là mô hình cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Thứ nhất, về phạm vi sửa đổi. Tôi xin phân tích 3 lý do sau.

Lý do thứ nhất, việc xây dựng pháp luật của chúng ta là thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, chúng ta đều biết kết luận Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng bí thư làm trưởng ban. Vì vậy, Quốc hội nên bàn và sửa đổi mới nội dung này trong luật, đồng thời nghiên cứu sửa đổi các quy định về cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng.

Lý do thứ hai, một trong những vướng mắc làm hạn chế kết quả phòng, chống tham nhũng là vấn đề kê khai, công khai và kiểm soát thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn, trong lần sửa đổi luật này nên tập trung vào nội dung này.

Lý do thứ ba, để sửa đổi toàn diện cần tổng kết lại việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành, cho đến nay Chính phủ vẫn chưa thực hiện được việc tổng kết này mà mới chỉ có báo cáo sơ kết. Vì vậy, tôi đề nghị phạm vi sửa đổi lần này nên hẹp lại chỉ tập trung vào hai vấn đề lớn và vấn đề Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, về vấn đề kê khai, công khai tài sản và kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Vấn đề này phải bắt đầu từ quan điểm sửa đổi luật, là cơ quan được giao nhiệm vụ phối hợp thẩm tra thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đã có văn bản gửi Ủy ban Tư pháp là cơ quan thẩm tra trong đó thường trực ủy ban chúng tôi đã kiến nghị phải bổ sung quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải dựa vào đân, phát huy được sức mạnh của lòng dân và muốn như vậy thì càng công khai càng tốt.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị quy định đối tượng phải kê khai tài sản nên mở rộng đến cán bộ công chức và đảng viên như một số đại biểu đã đề nghị. Đồng thời dứt khoát phải công khai cả nơi cư trú và nơi công tác. Mặt khác luật cũng nên nghiên cứu để phát huy vai trò của báo chí để báo chí được rộng đường công khai với dư luận, cũng là kênh quan trọng để người dân biết và giám sát.

Vấn đề thứ ba, về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và mô hình về cơ quan phòng chống tham nhũng. Tờ trình của Chính phủ có nói rõ dự thảo luật quy định và trình theo hướng việc thành lập tổ chức nhiệm vụ quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Đảng quy định. Công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Đảng.

Tôi thấy hoàn toàn tán thành với hướng sửa đổi luật như vậy, vì đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên tôi đề nghị nghiên cứu thành lập một cơ quan mang tính nhà nước độc lập và đủ mạnh để giữ vai trò tổng chỉ huy trực tiếp của công tác phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị thông qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Bởi vì chúng ta đều biết đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ bằng chủ trương Nghị quyết của Đảng mà còn phải đấu tranh trực diện bằng luật pháp.

Mô hình về cơ quan độc lập có sức mạnh cần thiết đã được chứng minh là có hiệu quả trong mô hình phòng, chống tham nhũng của nhiều nước. Đối với chúng ta mô hình này nên do Quốc hội thành lập, người đứng đầu cơ quan này do Quốc hội bầu để đảm bảo thật sự độc lập, được giao chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đủ mạnh, có nguồn lực đủ mạnh để thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ đó. Quy định như vậy cũng phù hợp với Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 là “nghiên cứu, tổ chức các cơ quan phòng chống tham nhũng theo hướng đảm bảo sự độc lập cần thiết”. Liên quan đến vấn đề này tôi tán thành ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga và nhiều đại biểu Quốc hội khác.

Từ các phiên họp trước về nâng cao vai trò vị trí và hiệu lực của Kiểm toán nhà nước trong tham gia phòng chống tham nhũng cần thực sự để Kiểm toán nhà nước trở thành một thiết chế với địa vị pháp lý là cơ quan chuyên về kiểm tra tài chính của nhà nước do Quốc hội thành lập hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Vì vậy, cần sửa đổi Luật Kiểm toán, Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Giám sát của Quốc hội ở một số nội dung:

Thứ nhất là tổ chức bộ máy quyền hạn của Kiểm toán nhà nước, nhân sự Tổng kiểm toán hoàn toàn do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Vì vậy, nên sửa đổi Điều 17, Luật Kiểm toán là nhân sự Tổng kiểm toán sẽ chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị để Quốc hội bầu.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực pháp lý của kết luận kiểm toán theo hướng giao cho Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội thẩm tra các kết luận của kiểm toán. Trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc nếu cần thì Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về việc thực hiện các kết luận đó. Tương tự như vậy, tôi xin đề nghị chuyển Thanh tra Chính phủ thành Thanh tra nhà nước để trở thành một cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan