Góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Minh – Bắc Kạn đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:21 19-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng nhằm khắc phục hạn chế bất cập hiện nay đồng thời thực hiện chủ trương Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Tôi đánh giá cao các nội dung được bổ sung chỉnh sửa trong Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) như việc công khai minh bạch danh mục các chỉ định thầu, lý do chỉ định thầu, thông tin của nhà nước chỉ đạo trong mua sắm công, việc quy định cơ bản các quy định công khai minh bạch trong quản lý doanh nghiệp, trong quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường v.v... đây là những yếu tố nhạy cảm, phức tạp, sẽ phát sinh tham nhũng và để lại những hậu quả khó lường ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước.

Về các nội dung cụ thể của dự án luật tôi xin bổ sung một số ý kiến như sau:

Về hình thức công khai tài sản thu nhập tại Điều 12 đề nghị bổ sung công khai kê khai tài sản thu nhập đối với các cá nhân, đối với nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập ở nơi cư trú được sự giám sát của nhân dân và cử tri. Ý kiến này đại biểu Hổ ở Phú Yên phát biểu trùng với ý kiến của tôi, tôi không phân tích lại.

Về thực hiện việc công khai minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị thực hiện quy định trong Mục 1, Chương II, dự thảo luật có quy định 27 điều, từ Điều 11 đến Điều 37 tuy nhiên chỉ có một điều duy nhất, một điều quy định về thời hạn việc công khai các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là tại Điều 18, còn các điều khác không quy định về thời hạn việc công khai. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo có quy định cụ thể về thời điểm và phải thực hiện việc kê khai với từng nội dung, lĩnh vực theo đúng quy định ngay trong luật hoặc giao cho Chính phủ quy định những lĩnh vực này.

Vấn đề thứ ba, về đối tượng kê khai tài sản thu nhập, dự thảo sửa đổi lần này đã có những quy định về kê khai tài sản thu nhập rất cần thiết. Đây là yếu tố quy định trong việc phòng, chống tham nhũng nếu không kiểm soát được thu nhập thì sẽ thiếu cơ sở để thực hiện phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng kê khai theo kiểu đối phó hình thức, đồng thời đảm bảo công bằng về nghĩa vụ và sự toàn diện đối với người kê khai tài sản thu nhập, tôi xin đề nghị đối tượng nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập là tất cả công chức, viên chức, có như vậy mới kiểm soát và phòng ngừa được sai phạm, vướng mắc trong quá trình công tác và đảm bảo công bằng nghĩa vụ đối với cán bộ công chức đã được quy định trong Luật công chức.

Vì thực tế hiện nay không chỉ cán bộ công chức, viên chức có quyền hạn mới tham nhũng, nhiều trường hợp, không phải là đảng viên, không phải là người có chức, có quyền được thẩm tra dự án, giám sát chương trình vẫn sẽ nảy sinh ra những tình trạng tham nhũng nên đề nghị bổ sung đối tượng công chức, viên chức phải kê khai minh bạch, phải phân biệt giữa đảng viên và có phải đảng viên hay không. Ý kiến này đồng chí Phạm Xuân Thường đại biểu tỉnh Thái Bình đã phát biểu, tôi không phân tích lại.

Tại Khoản k, Điều 48 dự thảo luật đề nghị bổ sung cụm từ "trừ đối với các đảng viên là công dân hoặc đã nghỉ hưu" phù hợp với điều kiện thực tế và quy định đối tượng và hành vi tham nhũng được quy định tại Khoản 2, 3, Điều 1 của dự thảo luật. Về quy định đối tượng phương thức thanh toán tại Điều 71, tại Khoản 3, Điều 71 dự thảo luật quy định cán bộ công chức, viên chức có trách nhiệm thanh toán qua tài khoản đối với công tác giao dịch có giá trị lớn. Theo tôi cần nghiên cứu xem xét lại tính khả thi của quy định này bởi lẽ theo quy định các hệ thống văn bản pháp luật hiện hành cũng như hệ thống liên quan đến pháp luật quốc tế, các trường hợp giao dịch cho phép chủ thể tham gia lựa chọn các hình thức thanh toán, chuyển khoản hoặc là hình thức khác có nghĩa là quyền thỏa thuận hình thức thanh toán thuộc về các bên tham gia hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch.

Chính vì vậy, quy định này không thống nhất với pháp luật hiện hành và đồng thời làm hạn chế quyền tham gia quan hệ hợp đồng giao dịch giữa các đối tượng, nhất là công chức, viên chức trong những trường hợp cụ thể khác yêu cầu, thanh toán bằng các hình thức không phải là chuyển khoản hoặc không có tài khoản. Do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét quyết định lại theo hướng cán bộ công chức, viên chức có trách nhiệm đăng ký giao dịch có đảm bảo đối với giao dịch có giá trị lớn để đảm bảo tính khả thi và sự thống nhất trong các văn bản của luật.

Đối với quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng tại Khoản 2, Điều 83 trong dự thảo luật (bổ sung) có quy định người có chức vụ quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan tổ chức, đơn vị mình trực tiếp quản lý phụ trách thì được giảm nhẹ trách nhiệm hoặc trách nhiệm hình sự. Vấn đề này tôi đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về cơ sở xây dựng quy định này. Bởi lẽ tại Khoản 3, Điều 46 Bộ Luật hình sự năm 1999 có quy định các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ Luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Các quy định của Bộ Luật hình sự thì tất cả các tội phạm tham nhũng đều có dấu hiệu định tội là người có chức vụ, quyền hạn có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng. Do đó việc quy định dự thảo luật về việc cho người có hành vi tham nhũng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu tự nguyện từ chức phải chăng là trái với nguyên tắc của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó về mặt thực tiễn cũng như quan điểm của đợt sửa đổi luật lần này là tăng cường sự đấu tranh và xử lý nghiêm khắc đối với các tội phạm tham nhũng. Đây cũng là quan điểm của Đảng ta trong công tác lãnh đạo, trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Bên cạnh việc xử lý hoặc xử lý hành chính nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức có hành vi tham nhũng cần phải nghiêm khắc. Chính vì vậy, việc quy định như dự thảo phải chăng làm giảm đi tính nghiêm khắc trong việc xử lý cán bộ công chức, viên chức. Trên đây là ý kiến của tôi tham gia dự thảo luật. Tôi xin hết. Xin cám ơn Quốc hội .

Các văn bản liên quan