Góp ý của ĐBQH Vũ Chí Thực – Quảng Ninh đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:58 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Trong thời gian không dài Ban soạn thảo đã trình Quốc hội dự thảo Luật đất đai quả là một cố gắng rất to lớn. Tuy nhiên đây là một dự luật có tác động lớn, đang có rất nhiều vấn đề mà nhân dân quan tâm với những kỳ vọng giảm bớt những chồng chéo, phức tạp của các văn bản hướng dẫn thi hành và cả những nội dung không còn phù hợp của luật năm 2003.

Về cơ bản tôi đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, dự thảo luật tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện và thống nhất quản lý là cần thiết. Đồng thời với việc khẳng định quyền được sang nhượng, thừa kế, tặng, cho, thế chấp v.v... về đất đai. Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống pháp luật về đất đai đang hoàn thiện theo hướng ngày càng mở rộng quyền của người sử dụng đất đai. Trên thực tế cho dù pháp luật có gọi tên quan hệ sở hữu đất đai là gì đi nữa thì trong tâm lý và trong xử sự của mọi người dân chúng ta, kể cả chúng ta ngồi đây vẫn tự coi mình là chủ sở hữu chứ không ai coi mình là chủ sử dụng. Vấn đề quan trọng nhất là nhà nước làm sao thể hiện quyền sử dụng đất đai và bảo vệ quyền bình đẳng như quyền sở hữu. Khi người dân được đảm bảo đất do họ đang sử dụng hợp pháp được quy định rõ ràng trong luật, điều này không khác gì quyền sở hữu về đất đai, cho nên cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Vấn đề quan tâm của người dân không phải bắt đầu từ tiền, họ đâu muốn bán đất, bán ruộng vì đất là tư liệu sản xuất đặc biệt. Còn đất tức là còn cuộc sống ổn định, trước khi bị thu hồi dù phải canh tác và sống ở những nơi khó khăn dân đâu có kêu ca và khiếu kiện. Khi có quyết định thu hồi họ quan tâm đến quyền lợi có thỏa đáng hay không. Thỏa đáng trên 2 khía cạnh: Một là vấn đề tâm lý có bị coi là bị tước đoạt quyền sử dụng đất hay không; Hai là giá cả đền bù có thỏa đáng hay không. Giải quyết tốt 2 khía cạnh này sẽ giảm đáng kể những khiếu kiện tố cáo liên quan đến đất đai và đặc biệt đưa lại lòng tin cho quần chúng nhân dân. Cho nên phải sử dụng đúng theo Hiến pháp quy định là "Trưng thu, trưng mua" và tiến tới xây dựng quỹ đất sạch để đấu thầu.

Đồng thời phải quy định giá đất thật minh bạch để đảm bảo nguyên tắc, đảm bảo cho người thu hồi đất đến chỗ ở mới có điều kiện phát triển và sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, trên thực tế người có đất bị thu hồi đều được đền bù không thỏa đáng giá trị gia tăng của đất khi được chuyển quyền sử dụng đất không được quan tâm, người sử dụng đất không được nhiều, nhà nước không quản lý được.

Vấn đề giá đất liên quan mật thiết đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch càng rõ ràng, càng cụ thể, càng minh bạch thì càng xây dựng được khung giá đất tốt. Đồng thời phải có tính thống nhất trong quy hoạch của tỉnh, của vùng và nhất là những vùng giáp ranh. Do vậy, theo tôi có 3 vấn đề cần phải đầu tư thật nhiều thời gian, kỹ càng hơn để làm rõ, đó là:

Vấn đề sở hữu của các chủ thể;

Vấn đề thứ hai là quy hoạch;

Vấn đề thứ ba là giá cả đền bù.

Về cơ chế thu hồi đất tôi đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu, tôi đề nghị chỉ trưng thu có bồi thường đất vì mục đích nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia còn lại là phải trưng mua. Đồng thời cần có chế tài thu hồi các dự án kinh doanh sử dụng đất, cần hạn định rõ thời gian thực hiện dự án nếu quá thời hạn và vì lý do chủ quan hoặc có sai phạm pháp luật về thu hồi đất thì phải thu hồi. Tránh tình trạng đầu cơ chờ thời gian găm giá đối với những doanh nghiệp thiếu năng lực, thiếu vốn và lách luật.

Tại Điều 54 thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế tôi đề nghị thêm vào Điểm e, Khoản 54 đó là đất để xây dựng các khu kinh doanh tập thể tập trung có cùng chế độ sử dụng đất như quy định tại Điều 35, Nghị định 84/2007 của Chính phủ đó là "khu thương mại dịch vụ tổng hợp với nhiều loại hình mua bán dịch vụ và nhiều chủ thể cùng kinh doanh. Khu du lịch có mối liên kết về kết cấu hạ tầng không bao gồm khu du lịch sinh thái. Khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hình thức chăn nuôi công nghiệp có hệ thống hạ tầng đồng bộ và có nhiều chủ thể cùng đầu tư 1 lúc trên địa bàn".

Tại Điều 67, cho thuê đất đề nghị vẫn giữ nguyên quy định hiện hành về việc Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối hoặc sản xuất kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Bởi vì số đất đai giao cho các đơn vị này hầu hết để phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ tổ quốc và những nơi khó khăn biên giới, hải đảo, các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng để tổ chức lao động gắn với nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Hoặc mục đích chính là để giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên không nhằm mục đích kinh doanh. Theo đó đề nghị chuyển Điểm b, Khoản 2, Điều 67 thành Khoản 5, Điều 65 của dự thảo luật.

Tại Điều 158 và Điều 162 có các khoản quy định quyền thế chấp, quyền sử dụng đất tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, như vậy là có tổ chức tín dụng nước ngoài. Vấn đề này cần nghiên cứu thật kỹ về hậu quả pháp lý của quan hệ này, nhất là trường hợp tổ chức, cá nhân vay không trả được nợ thì khi đó tổ chức tín dụng xử lý đất đai và tài sản như thế nào. Vì đất đai được quy định là sở hữu toàn dân và mang tính chủ quyền quốc gia.

Vấn đề cuối cùng là chúng ta đang sửa Hiến pháp năm 1992, những điều sửa đổi của Luật đất đai nhất định phải phù hợp với các chế định quy định trong Hiến pháp, tránh những vấn đề quy định trước Hiến pháp, nên tôi đề nghị cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và thông qua luật này, sau khi chúng ta đã thông qua Hiến pháp, có nghĩa là vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan