Góp ý của ĐBQH Đặng Thuần Phong – Bến Tre đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:57 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Tôi luôn tự hỏi tại sao vấn đề đất đai ở nước ta lại phải nhạy cảm, phức tạp và việc thực thi chính sách lại khó làm và không ổn định. Đây là vấn đề bức xúc mà cử tri đặt ra đối với Quốc hội trong sửa đổi luật lần này. Do vậy, việc cần thiết sửa luật nó đang là quá cần, tại vì từ năm 1986 đến nay cứ trung bình 2,5 năm chúng ta sửa một lần những chính sách liên quan đến đất đai như giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị hỗ trợ tái định cư v.v... song điểm lại chính sách đất đai lại đi quá chậm so với quá trình đổi mới kinh tế. Hậu quả pháp lý nó để lại là môi trường pháp luật không ổn định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thì quá phức tạp, chồng chéo và chưa tương thích. Về thực thi pháp luật chưa thống nhất và đang bị lạm dụng, quyền và lợi ích của người sử dụng đất chưa đảm bảo công bằng, chưa tạo được sự an tâm thực sự. Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chưa gắn kết vẫn là ba tách rời nhau. Quản trị đất đai và hồ sơ địa chính còn thiếu, nhiều khiếm khuyết, nguy cơ tham nhũng và nhũng nhiễu trong đất đai còn quá lớn. Theo đó làm phát sinh rất nhiều khiếu nại, tố cáo, làm mất mát cán bộ nhiều nhất và cũng tạo nhiều bất ổn xã hội, tạo sức ép cho việc sửa luật về quản lý nhà nước cho Quốc hội, Chính phủ ở giai đoạn này.

Về hồ sơ dự án luật, Chính phủ chuẩn bị khá công phu với 11 hạng mục, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị này. Nhưng việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đất đai để chúng ta pháp điển hóa và nghiên cứu thể chế Hiến pháp và Nghị quyết số 19 ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XI để chúng ta xây dựng chính sách cần được đầu tư cao hơn, rõ ràng hơn về quan điểm đánh giá tác động và tổng kết thực tiễn cũng cần nên bổ sung làm rõ hậu quả xã hội về việc làm, lao động nông thôn mất đất hoặc quản lý đất nông, lâm trường, đất ở và đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc, đất đối với cư dân sống ven biên giới để chúng ta tạo điều kiện, tạo cơ sở ban hành chính sách trong luật phù hợp hơn, khả thi hơn. Việc sửa đổi luật khó giải quyết hết những bức xúc đặt ra từ thực tiễn. Tuy nhiên, với góc nhìn của mình, tôi xin tham gia một số vấn đề sau.

Một, về quyền của Nhà nước đối với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với đất đai, Chương II. Chương này quy định 2 mục gồm quyền của Nhà nước đối với đất đai và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với đất đai nhằm cố gắng phân biệt quyền chủ sở hữu đất đai là chức năng quản lý Nhà nước về đất đai. Song ở đây có một điều quy định về đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu là một điều quy định về cơ quan Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu, còn 8 điều khác thì lại thể hiện cốt lõi việc định đoạt của Nhà nước về đất đai bằng việc Nhà nước quyết định và quyền.

 Vấn đề này cho thấy phạm vi quyền định đoạt của Nhà nước là quá lớn, các quyết định hành chính được thi hành sẽ rất nhiều, có thể làm méo mó thị trường bất động sản, khó ngăn chặn đầu cơ sử dụng đất đai tham nhũng trong quản lý và lạm dụng trong quy hoạch định giá giao đất và thu hồi đất. Tuy nhiên, cơ chế giám sát việc thực thi các quyền này của Nhà nước thì lại chưa có quy định cụ thể trong luật với nội dung và ta tương thích. Tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm vấn đề này.

Thứ hai, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chúng ta quy định lại còn 3 cấp, chúng ta bỏ cấp xã thu hút vào trong cấp huyện, còn quy hoạch phân vùng, liên vùng, còn ở tỉnh thì chúng ta thu hút về cấp Trung ương. Tôi tán thành quan điểm này vì nó khắc phục được những hạn chế về quy hoạch vùng, quy hoạch khu vực vốn đã bỏ ngỏ và thiếu đầu tư, chưa rõ thẩm quyền và chưa kết nối quy hoạch quốc gia thời gian qua. Còn ở cấp xã thì nó đã vượt tầm cán bộ cấp xã và thiếu liên kết từng xã trong huyện. Tôi cho rằng đây là quy định tiến bộ phù hợp.

Thứ ba, về cơ chế thu hồi đất, ở Mục 1, Chương V, cơ chế thu hồi đất và hệ lụy của nó là nguyên nhân để phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai, lợi ích Nhà nước, lợi ích người sử dụng đất, lợi ích nhà đầu tư chưa hài hòa cũng từ cơ chế này. Hướng sửa đổi là nhằm tạo cơ chế giao quyền chủ động cho Nhà nước để tạo quỹ đất sạch, sau đó cho thuê, tổ chức đấu giá quyền sử dụng là phù hợp, song cần cân nhắc những vấn đề sau:

Mục đích sử dụng đất khác nhau, mục đích thu hồi khác nhau do đó cơ chế thu hồi phải khác nhau. Cần nghiên cứu các cơ chế sau:

Một, cơ chế thu hồi áp dụng cho dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, lợi ích quốc phòng, an ninh.

Hai là cơ chế thu hồi theo quy hoạch vì mục đích phát triển kinh tế. Cần nghiên cứu để tương thích với Điều 23 của Hiến pháp.

Ba là cơ chế tự thỏa thuận của nhà đầu tư đối với người sử dụng, đối với các dự án nhỏ.

Bốn là cơ chế thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai.

Năm là cơ chế thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện.

Thuật ngữ thu hồi chỉ đúng và áp dụng cho sai phạm pháp luật và cho chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc tự nguyện. Người sử dụng đất không vi phạm pháp luật thì không thể thu hồi, do vậy, nên áp dụng thuật ngữ trưng mua, trưng dụng đối với đất nhà nước cần sử dụng vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, lợi ích quốc phòng an ninh để phù hợp với Hiến pháp vì lợi ích kinh tế hoặc đối với dự án nhỏ nên theo cơ chế tự thỏa thuận, chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tránh thiệt thòi cho dân. Nghiên cứu cơ chế đại diện do dân cử ra đối với việc trưng mua, trưng thu, chuyển quyền sử dụng đất hoặc góp vốn vào quyền sử dụng đất nhằm tạo đồng thuận cao, tránh hạn chế khiếu nại, tố cáo trong dân ngày càng nhiều như thời gian qua.

Vấn đề thứ tư, về vấn đề giao đất, cho thuê đất ở Mục 2 Chương V, dự án luật sửa đổi theo hướng thu hẹp các đối tượng giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất, xóa bao cấp trong sử dụng đất, từng bước bãi bỏ giao đất không thu tiền sử dụng đối với các tổ chức sự nghiệp. Tôi cho rằng đây là chủ trương tiến bộ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, song đối với tổ chức sự nghiệp nên có lộ trình và có cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất hoặc theo đặc thù để quản lý sử dụng đất phù hợp tiết kiệm. Đối với hình thức giao đất có thu tiền sử dụng, Khoản 3, Điều 66 đã bổ sung đối tượng nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà ở để bán hoặc đầu tư xây dựng nhà ở hỗn hợp để bán và cho thuê là cần thiết. Tuy nhiên trong quản lý cần phân loại để thu đúng, thu đủ. Ví dụ các dự án khu sinh thái, sân golf cần phân loại đất kinh doanh, nhà hàng, khách sạn để tránh gộp cả gói gây thất thu cho nhà nước. Bổ sung các quy định về chế tài xử lý những trường hợp đất đã giao, đã cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng không đúng mục đích, lãng phí đất công, đầu cơ đất để chuyển nhượng dự án vào trong chương này để nghiêm trị những sai phạm và thiết lập lại kỷ cương trong thực thi pháp luật đất đai.

Thứ năm là về giá đất, Mục 2, Chương VIII, Nghị quyết 19 nêu giá đất do nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá nhưng thể chế vào luật lại quy định giá đất do nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm nhà nước có quyết định thu hồi đất. Hệ lụy của vấn đề này là thời điểm định giá và thời điểm nhà nước có quyết định thu hồi đất là khác nhau, hiện có nhiều dự án có quyết định trước 1,2 năm nhưng chưa đền bù, giá đất được định lúc đó và đến lúc đền bù thì có nhiều thay đổi và nhiều biến động, nếu áp dụng theo quy định này là luôn gây thiệt thòi cho dân. Thời điểm xác định giá đất và việc áp dụng giá đất đền bù lúc lập dự án, lúc phê duyệt dự án hay là lúc thực hiện dự án cũng chưa quy định thống nhất cho nên các địa phương làm còn khác nhau. Cơ quan thu hồi đất đồng thời là cơ quan định giá đất áp giá đất cưỡng chế thu hồi đất, do vậy cũng thiếu khách quan và dễ lạm quyền. Đề nghị quy định rõ thẩm quyền của cơ quan tham mưu giá đất, cơ quan thẩm định giá đất, cơ quan định giá đất cho phép tổ chức lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất trên cơ sở tự nguyện đồng thuận giữa các bên để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Còn nội dung thứ sáu và phần đánh giá chung chúng tôi sẽ gửi văn bản đến Đoàn thư ký. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan