Góp ý của ĐBQH Trần Dương Tuấn – Bến Tre đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:23 19-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước kỳ họp, trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con cử tri đều nhắn gửi niềm tin đến Quốc hội rằng sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng lần này phải đáp ứng được việc giải quyết các vướng mắc đã làm cho việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng vừa qua khó khăn, kém hiệu quả. Đảm bảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thực thi hiệu quả trên thực tế nhân dân thấy được, chứ không như những gì vừa qua. Nhiều nơi tự mình đánh giá là công tác phòng, chống tham nhũng có những diễn biến tích cực nhưng nhân dân và nội bộ không đồng tình.

Qua nghiên cứu dự thảo luật thấy nhiều quy định đã được sửa đổi, nhằm đáp ứng yêu cầu nêu trên. Tuy nhiên, để luật thêm hoàn chỉnh và khả thi, tôi xin phép được góp ý, đề xuất thêm một số vấn đề như sau.

Thứ nhất, tại Điều 12, quy định về hình thức công khai trong hoạt động của cơ quan tổ chức, đơn vị. Dự thảo Điều 12 đã quy định tại Khoản 1 tới 7 hình thức công khai và quy định tại Khoản 2 về trách nhiệm của người đứng đầu là có trách nhiệm lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai quy định tại Khoản 1. Tôi thấy để người đứng đầu cơ quan chọn hình thức công khai nào quy định tại Khoản 1 cũng thực sự đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch đúng thực chất.

Tôi đề nghị nên nhập nội dung Điểm a và Điểm b thành một điểm hình thành Điểm a mới của Khoản 1 có nội dung là: công bố tại cuộc họp, đồng thời niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vì nếu quy định việc công bố và niêm yết là hai hình thức riêng lẻ thì theo Khoản 2: người đứng đầu cơ quan có thể chọn hình thức công bố trong cuộc họp mà rất có thể cuộc họp đó vắng nhiều người, còn người dự họp có nghe qua cũng khó nhớ và hiểu hết nội dung công khai. Vì vậy, thực hiện việc vừa công bố kết hợp với niêm yết thì tất cả tổ chức, cá nhân trong cơ quan, đơn vị đều có thời gian xem xét, kiểm tra tính trung thực của nội dung đã công khai, nếu có gì chưa rõ sẽ được phát hiện đề nghị giải quyết ngay, mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị đều được công khai, minh bạch.

Thứ hai, trong Mục 1 của Chương II quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới chỉ quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng chưa quy định rõ lực lượng nào giám sát hoạt động quản lý tài chính, tài sản tại cơ quan, đơn vị. Vì vậy, tôi đề nghị nên xây dựng thêm một điều mới trong Mục 1 quy định về quyền và nghĩa vụ của tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát hoạt động quản lý tài chính, tài sản trong trách nhiệm của người đứng đầu.

Định kỳ 6 tháng hoặc cuối một năm, lãnh đạo cơ quan tổ chức hội nghị cán bộ của công chức, viên chức, người lao động có sự tham dự của đại diện lãnh đạo cấp trên để ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức phát phiếu thăm dò ý kiến mọi người trong cơ quan, đơn vị về việc chấp hành quy định trong quản lý tài sản, tài chính có nguồn từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác được giao cho cơ quan, đơn vị trong thời gian qua như thế nào? Phiếu thăm dò ý kiến có thể do lãnh đạo cấp trên hoặc ban lãnh đạo cơ quan chuẩn bị với nội dung đáp ứng yêu cầu xác nhận của tập thể, cá nhân về tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tài chính, tài sản của cơ quan trong thời gian vừa qua có tốt hay không? Nếu được quy định và thực hiện tốt các nội dung nêu trên thì có mấy tác dụng:
Một là qua kết quả phiếu thăm dò giúp đánh giá phát hiện những ưu, khuyết điểm trong hoạt động quản lý tài sản, tài chính tại cơ quan.

Hai là người lãnh đạo cũng biết là trong cơ quan, đơn vị luôn có tập thể, cá nhân đang giám sát hoạt động quản lý sử dụng tài sản, tài chính của mình cũng sẽ có phần e ngại không dám tham nhũng.

Ba là các tổ chức, cá nhân trong cơ quan cũng có chỗ để thông tin, để đấu tranh khi phát hiện có hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị.

Ý thứ ba, về Điều 48 quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập đề nghị giữ như phạm vi đối tượng đã kê khai, phải kê khai tài sản thu nhập như quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành. Vì qua thực tế và trong các báo cáo cho thấy việc kê khai tài sản thu nhập của các đối tượng này vừa qua còn hình thức. Sắp tới phải cần tiếp tục tổ chức thực hiện cho tốt, có thực chất để rút kinh nghiệm làm cơ sở để từng bước mở rộng thêm các đối tượng khác.

Ý kiến thứ tư, Điều 52 về công khai bản kê khai tài sản thu nhập, tôi tán thành với nhiều ý kiến đại biểu đã phát biểu trước là người có nghĩa vụ kê khai phải công khai bản kê khai thu nhập tài sản ở cả hai nơi là cơ quan và nơi cư trú. Không có gì phải ngán ngại khi công khai tài sản có từ những nguồn thu nhập chính đáng hợp pháp của mình tạo ra. Vấn đề là cần có văn bản quy định hướng dẫn thực hiện việc công khai theo luật này sao cho phù hợp khả thi, hiệu quả, tránh hình thức.

Vấn đề thứ năm, Điều 48 quy định xử lý đối với người có hành vi tham nhũng tại Khoản 2 quy định người có chức vụ, quyền hạn chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì được giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự. Tôi đề nghị khi người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi tham nhũng thì phải tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý nghiêm khắc hoặc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan cũng phải chịu trách nhiệm. Khi bị xử lý xong nếu còn giữ chức vụ mà người đó chủ động xin từ chức thì sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết thỏa đáng. Do vậy, tôi không tán thành quy định ở Khoản 2 Điều 83 của dự thảo luật. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan