Góp ý của ĐBQH Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:03 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số nội dung là những vấn đề rất lớn, không biết tôi có bảo đảm trong 7 phút hay không, nếu có tham lam một chút thì mong chủ tọa phiên họp thông cảm.

Trước hết, tôi rất hoan nghênh trong thời gian ngắn Ban soạn thảo đã trình ra một bản dự thảo có cơ cấu nội dung các chương, các điều hầu như thay đổi sắp xếp lại mang dáng dấp cơ cấu của một bản Hiến pháp mới, những điều chúng ta thảo luận tôi rất hoan nghênh. Trước hết tôi muốn trình bày 3 vấn đề có tính nguyên tắc, sau đó tôi tập trung nói về tính chất nhà nước và tổ chức chính quyền địa phương.

Vấn đề thứ nhất, khi đã sửa Hiến pháp với tầm của Hiến pháp, vì tính thiêng liêng của nó thông thường sửa Hiến pháp có 2 yêu cầu. Một là những chế định nếu thay đổi, cần thay đổi, đã thay đổi là dấu ấn rất lớn để thay đổi một phương án. Hai là lịch sử Hiến pháp thời điểm đó quy định mà bây giờ quá bất hợp lý, nếu không sửa thì cuộc sống không phát triển được, không chế định được, không phải chúng ta muốn sửa thì sửa. Ví dụ chuyển từ Hiến pháp 1959 sang Hiến pháp 1980 chúng ta chuyển một thể chế từ nền dân chủ nhân dân như xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội cả nước theo mô hình cũ.

Đặc biệt từ Hiến pháp 1980 lên Hiến pháp 1992 về kinh tế chúng ta chuyển hoàn toàn từ cơ chế kế hoạch hóa sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về nhà nước chúng ta chuyển từ một mô hình tổ chức Hội đồng Bộ trưởng sang Chính phủ nhận về thể chế gần như chế độ đại nghị. Chúng ta chuyển từ mô hình Hội đồng nhà nước lãnh đạo tập thể sang mô hình Chủ tịch nước v.v..... Trên tinh thần đó ta nhìn lại lần sửa này, về chế độ chính trị, về kinh tế, về tổ chức nhà nước có điểm gì là điểm dấu ấn mang tính chất mà chúng ta phải thảo luận, dân phải đóng góp, tôi thấy còn mờ nhạt quá. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên đưa từng vấn đề một, tôi thấy Hiến pháp 1992 điểm cần nhất đó là chế định chính quyền địa phương, thế nào là nhà nước đơn nhất, chương này chúng ta chỉ sửa tên.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến vấn đề chúng ta phải chế định tư tưởng cương lĩnh của Đảng, cương lĩnh của Đảng là cương lĩnh chính trị. Hiến pháp phải quán triệt linh hồn đó để đưa vào trong Hiến pháp nhưng nội dung Hiến pháp hoàn toàn không đồng nhất với cương lĩnh. Do đó không phải tất cả những gì trong cương lĩnh chúng ta đều phải đưa vào, có những điểm chúng ta lĩnh hội và thể hiện ngôn ngữ của Hiến pháp. Ví dụ Điều 55 chúng ta chế định theo cương lĩnh, chúng ta xây dựng thể chế kinh tế là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với điểm thứ nhất tôi cho là khái quát. Từ thể chế đó có đặc trưng gì, cương lĩnh có rất nhiều đặc trưng chứ không phải chỉ một đặc trưng cho nên chúng ta không cần thiết phải ghi tất cả đặc trưng do đó tôi thấy Khoản 2 là không cần thiết.

Vấn đề thứ ba, điểm mới trong lần này của Nghị quyết đại hội 11 đó là chúng ta không phân quyền, thống nhất các quyền đã phân công nhưng điểm rất mới đó là sự kiểm soát giữa các quyền. Chúng ta rà lại Hiến pháp 1992 vấn đề kiểm soát các quyền cái nào có, cái nào thiếu cần bổ sung. Tôi ví dụ bây giờ chúng ta bổ sung các định chế độc lập như Hội đồng bầu cử, như kiểm toán nhà nước, tôi rất đồng tình nâng địa vị pháp lý của kiểm toán nhà nước lên. Ngoài ra còn những điểm nào nữa để bảo đảm tư tưởng của Đảng là các quyền thống nhất nhưng có sự phân công, đặc biệt có sự kiểm soát. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp rà lại và xem những điểm đó đã đủ chưa hay cần bổ sung. Đó là 3 vấn đề mang tính nguyên tắc.

Về vấn đề cụ thể tôi muốn nói về nhà nước, tôi xin nói rõ quan điểm của tôi. Chúng ta xây dựng nhà nước đơn nhất, quyền lực chính trị được thiết lập trên một cộng đồng dân cư ổn định và một lãnh thổ ổn định, 3 yếu tố đó được gọi là quốc gia. Quyền lực của nhà nước chúng ta từ khi lập quốc đến giờ chúng ta xây dựng một nhà nước đơn nhất. Quyền lực nhà nước được thể hiện qua các định chế chính trị mà Hiến pháp quy định đó là Quốc hội, đó là Chính phủ, đó là Chủ tịch nước, đó là viện kiểm sát, đó là tòa án. Trong một nhà nước đơn nhất không có nhà nước trung ương, nhà nước địa phương, chúng ta phải khẳng định điều đó.

Tôi đề nghị ngay trong Điều 1 Hiến pháp ghi rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước đơn nhất, không có chuyện liên bang hay tự trị ở đây. Từ đó nhà nước sẽ thể hiện quyền lực ở một địa bàn lãnh thổ ở tỉnh như thế nào là thể hiện qua chính quyền địa phương, qua hoạt động tòa án, qua viện kiểm sát, không phải có quyền lực nhà nước ở đó nữa. Chúng ta hiểu nhà nước phải như vậy, chúng ta làm rõ điều đó mới thiết kế được chính quyền địa phương là gì, địa vị pháp lý đến đâu. Chúng ta hiểu rằng chính quyền địa phương cơ bản là nằm trong hệ thống hành pháp, có một số quyền ở đó mới thể hiện được cái gì thực hiện hệ thống pháp luật trên địa bàn, cái gì là bảo đảm lợi ích của địa phương trong khuôn khổ không trái với lợi ích quốc gia.

Xin thưa rằng, rất tiếc vì ta để Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do đó chúng ta không bao giờ dám tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương, bởi vì nếu tăng tính tự chủ, tự quản thì thành tiểu bang ngay. Chính vì vậy, chúng ta có cơ chế xin cho và thực sự không hoạt động được.

Tôi kiến nghị chúng ta phải làm rõ vấn đề này và chương này phải làm rõ chính quyền địa phương là ai, nguyên tắc chung là phải tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương, nâng vai trò của cơ quan dân cử về bảo đảm lợi ích của địa phương. Không có tình trạng một đô thị mà chính quyền không có một quyền gì kể cả những quyền rất nhỏ, như ở Đà Nẵng muốn học tập thủ đô lại phải xin Quốc hội cho một số quyền như nơi cư trú hay vấn đề xử phạt hành chính. Thật sự tất cả quyền đó là quyền tự chủ của một chính quyền đô thị ở địa phương cần khẳng định trong Hiến pháp, dứt khoát đó là phạm vi lợi ích của địa phương không trái với lợi ích quốc gia, đó không phải là quyền lực nhà nước nói chung mà là quyền của người tự chủ của người dân nằm ngoài những khuôn khổ khác. Đó là nguyên tắc cần đưa vào chương này như vậy chúng ta mới thực hiện được.

Tôi đề nghị chúng ta nói rõ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, không phải là cơ quan quyền lực cao nhất, hai khái niệm là khác nhau. Quyền lực nhà nước, như tôi đã nói, thể hiện ở tất cả các định chế, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, tôi đề nghị khẳng định như vậy để rõ vấn đề ra. Đó là một số điểm cần làm rõ và đặc biệt phải chế định chính quyền địa phương chứ không như hiện nay được. Đây là vấn đề tồn tại từ Đại hội X đến giờ, chính quyền đô thị thế nào, chính quyền địa phương thế nào và quyền tự chủ đến đâu, đó là vấn đề tôi cho rằng rất căn cơ và bức xúc nhất của Hiến pháp 1992 chứ không phải là vấn đề chúng ta sửa đổi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan