Góp ý của ĐBQH Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 15:05 18-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Thời gian không còn nhiều, tôi xin trình bày 2 ý.

Trước hết, tiếp cận dự thảo luật này với tư cách là một người có 36 năm tham gia làm công tác nghiên cứu và quản lý khoa học, phải nói rằng lần này dự thảo đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm trong cơ chế quản lý khoa học đang tồn tại. Đặc biệt sau khi thảo luận tổ, trong Báo cáo ngày 5/11 Ban biên tập cũng đã tiếp thu nhiều điểm, ví dụ Điều 8 bổ sung Điều 57 v.v..... tôi rất hoan nghênh. Tuy nhiên điều tôi muốn phát biểu là nếu chúng ta đặt khoa học công nghệ là một quốc sách, là động lực và qua nhận thức của tôi là đối với Việt Nam muốn phát triển, muốn thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa và muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì chỉ có con đường duy nhất là khoa học và giáo dục phải thành động lực thực sự để phát triển và để cạnh tranh hội nhập. Với yêu cầu như vậy, tôi cho rằng dự thảo luật chưa đủ sức để làm điều đó như trông đợi của Đảng xem khoa học công nghệ là quốc sách. Chúng tôi muốn làm sao luật này ra đời là động lực giống như khoán 10 trong nông nghiệp, giống như Luật doanh nghiệp năm 2000 ra đời là cả xã hội phát triển doanh nghiệp, tiếp cận cách đó thì chúng ta mới đạt yêu cầu. Trên tinh thần đó ta phải trả lời vấn đề tại sao một đất nước có đội ngũ khoa học như vậy, có trí tuệ như vậy mà 20 năm rồi khoa học ở đâu mà quá trình công nghiệp hóa Việt Nam vẫn triền miên trong giai đoạn 1 của 4 giai đoạn, tức là một nền công nghiệp vẫn dựa vào nước ngoài, nhập công nghệ, gia công cho nước ngoài, vắng bóng khoa học công nghệ đi vào cuộc sống. Chúng ta không vươn lên được giai đoạn 2 như một nước trung bình, càng ngày càng lạc hậu, bởi vì chúng ta chưa có chính sách cho khoa học công nghệ để huy động cả xã hội đi vào khoa học công nghệ chứ không phải chúng ta chỉ bàn cách chia 2% ngân sách của nhà nước. Cách tiếp cận của ta vẫn là làm sao chia 2% đó cho tốt.

Tôi đề nghị phải đặt lại vấn đề cách tiếp cận. Mục tiêu của luật này là khoa học, công nghệ phải phục vụ cho được mục tiêu công nghiệp hóa đất nước. Khoa học không phải vì khoa học mà khoa học vì nhân sinh. Chúng ta trên quan điểm đó, tôi đề nghị 2 việc:

Thứ nhất, thay đổi phương pháp tiếp cận. Tôi đề nghị đưa một chương mang tên "Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển khoa học, công nghệ", với tất cả chính sách cụ thể nếu huy động được. Nó quan trọng hơn chương bàn về cách quản lý của nhà nước, về ngân sách nhà nước. Nếu vậy thì cách tiếp cận như thế nào?

Thứ hai, phải thay đổi hoàn toàn phương thức nhà nước tài trợ cho khoa học, công nghệ. Hiện nay chúng ta tài trợ theo kiểu như trong báo cáo là qua các viện của nhà nước, qua quỹ sự nghiệp cho bộ, ngành, địa phương chia nhau, không phải như vậy. Chúng ta xây dựng những trung tâm, viện của nhà nước ngành khoa học cơ bản bao cấp đến nơi, đến chốn để làm. Ngoài ra thay đổi hoàn toàn phương thức tài trợ chứ không bao cấp cho mọi người ai làm khoa học, công nghệ một cách bình đẳng. Tôi gọi là phương thức bao cấp sang phương thức tài trợ ngân sách nhà nước mà nhiều nước đã làm rất đa dạng. Cách tiếp cận như vậy chúng ta thay đổi hoàn toàn cách làm. Làm sao quay trở lại không phải như báo cáo hiện nay 70% khoa học công nghệ là nhà nước đầu tư, xã hội được 20-30%. Phải ngược lại nhà nước 30%, xã hội 70% thì chúng ta mới thành công. Không bao giờ ngân sách có thể nuôi được nếu như xã hội không làm. Tôi kiến nghị Ban soạn thảo rất cố gắng rồi nhưng cách tiếp cận, đặc vấn đề như vậy để chúng ta có đạo luật nó như Luật doanh nghiệp năm 2000 là xã hội làm khoa học công nghệ. 


Điểm cuối cùng, chúng tôi xin đề cập, đó là tại Điều 22 quy định về quyền của cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ. Điều này có 11 khoản nghĩa là rất dài, chúng tôi xin đề cập một khoản là Khoản 11 quy định về quyền khen thưởng và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Thứ nhất, chúng tôi đề nghị, làm rõ quyền lợi khác là quyền lợi như thế nào? Chúng ta không nên dùng một khái niệm dẫn chiếu chung chung như thế này lại càng không rõ, mà luật không rõ thì hiệu lực thi hành rất kém. Đây là quy định của lĩnh vực khoa học, công nghệ cho nên chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có những quyền gì, những cơ chế chính sách gì trong việc này thì nên ghi rõ vào.

Thứ hai, chúng tôi muốn trình bày trong thực tiễn có nhiều nghiên cứu khoa học và công nghệ, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đổi mới công nghệ được tiến hành trong các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, trong các cơ sở đào tạo, trong thực tiễn sản xuất kinh doanh, cụ thể là trong nhà máy, trong công trường, trên đồng ruộng v.v.... và kết quả sáng tạo đó được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất cao. Do nhiều đối tượng nghiên cứu, một là cán bộ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, hai là sinh viên, kỹ sư thực hành, người lao động, kể cả những người nông dân v.v.... Nhưng chúng tôi thấy quy định ở đây chưa có quy định cơ chế hỗ trợ khuyến khích khen thưởng, tôn vinh và các quyền lợi về vật chất và tinh thần khác để động viên nguồn lực nghiên cứu này. Nếu chúng ta đưa vào điều khoản 11 này thêm một quy định như vậy sẽ tạo một động lực rất lớn, tạo thị trường khoa học công nghệ rất tốt và xã hội hóa được nó. Xin cảm ơn Quốc hội.





Các văn bản liên quan