Góp ý của ĐBQH Lê Thị Yến – Phú Thọ đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:13 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tình hình tham nhũng ngày càng trở nên hết sức phức tạp, nếu càng nói dư luận càng không yên tâm về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay bởi nhiều con số được thống kê với sự thất thoát quá lớn, do vậy, việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng là yêu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về phạm vi sửa đổi, nội dung sửa đổi, cơ quan soạn thảo trong thời gian ngắn đã cố gắng có nhiều công phu để sửa đổi với bố cục chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, có nhiều thay đổi về nội dung quan trọng, có nhiều điều được bổ sung làm rõ như các quy trình thủ tục trong hoạt động đến việc quản lý cơ chế rõ hơn nhằm nâng cao hiệu quả phòng, ngừa phát hiện tham nhũng đáp ứng tình hình trong thời gian tới cũng như thông lệ quốc tế mà chúng ta đã tham gia ký kết. Tuy nhiên theo tôi cần phải làm rõ hơn trong thuyết trình về sự cần thiết sửa đổi trong bối cảnh có sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gần như cùng một thời điểm thì Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này đã tính đến và thể hiện được chưa những định hướng để khi sửa đổi Hiến pháp đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật trong Hiến pháp, để việc áp dụng vào thực tế có khả thi nhất, nhất là vấn đề có liên quan đến bộ máy nhà nước phòng, chống tham nhũng. Tôi xin có ý kiến vào một số vấn đề gợi ý của tổ thư ký như sau:

Thứ nhất, về phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản. Trước hết, tôi nhận thức rằng về lâu dài việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản là cần thiết để đảm bảo sự công bằng, nhưng trong tình hình hiện nay tôi thấy thời gian qua với phạm vi đối tượng như nêu trong luật hiện hành mà chúng ta chưa và chắc chắn trong thời gian tới cũng sẽ khó có thể kiểm soát được tài sản thu nhập của các đối tượng này, do vậy nếu mở rộng nữa càng không có hiệu quả. Cái chính là phải làm sao nâng cao được hiệu quả, bổ sung các biện pháp quản lý, kiểm soát có tính khả thi. Đặc biệt chú ý các chế tài xử lý vi phạm như việc không kê khai tài sản khi phát hiện thì xử lý ra sao hoặc tài sản không giải trình được nguồn gốc sẽ xử lý thế nào.

Một số quốc gia việc xử lý những trường hợp này rất rõ ràng, có thể phải tịch thu, phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn ở nước ta chưa có chế tài mạnh đó. Làm được như họ thì việc kê khai tài sản mới có tác dụng phòng ngừa ngăn chặn tham nhũng. Do vậy tôi đề nghị hiện nay chúng ta chỉ nên quy định kê khai thu nhập đối với những người có nguy cơ dẫn đến tham nhũng như quy định trong dự thảo luật là phù hợp.

Thứ hai, về việc tạm đình chỉ hoặc chuyển đổi vị trí công tác đối với người có dấu hiệu tham nhũng. Theo tôi những quy định này cần phải phù hợp với Luật Cán bộ công chức hiện hành. Tuy nhiên cũng có thể điều chỉnh để phù hợp tình hình nếu thấy cần thiết, bởi quy định cụ thể ở biện pháp nào cần phụ thuộc vào các tài liệu bằng chứng để xác định biểu hiện tham nhũng ở mức độ nào thì cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ công chức. Có thể chỉ cần tạm đình chỉ với một số trường hợp nhưng cũng có thể phải chuyển công tác mới thực hiện được công tác xác minh, thanh tra, kiểm tra. Do vậy, tôi đồng ý với việc có cả hình thức tạm thời chuyển vị trí công tác.

Chúng ta cũng biết ngày 5/11 vừa qua Tổng thống Nga Puntin nhằm tạo điều kiện cho một cuộc điều tra khách quan về tất cả các vấn đề đã quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì nghi có liên quan đến tham nhũng 100 triệu USD, chúng ta cũng nên học tập.

Liên quan đến vấn đề này là việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức. Qua đánh giá thực tiễn cho thấy việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức còn gặp nhiều vướng mắc như: thời hạn chuyển đổi đối với một số vị trí công tác đòi hỏi chuyên môn sâu. Nhưng theo tôi không phải do điều luật không quy định cụ thể mà do Nghị định hướng dẫn thi hành luật làm khó hơn. Bởi điều luật không ghi cụ thể thời gian chuyển đổi mà do nghị định quy định nên thực tế không làm được, do vậy, theo tôi không cần phải sửa đổi luật mà cần sửa đổi Nghị định số 158 của Chính phủ thì việc chuyển đổi các vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức mới thực sự hiệu quả và khả thi.

Vấn đề thứ ba, về cơ quan độc lập phòng, chống tham nhũng. Qua thảo luận tổ có nhiều ý kiến nêu lên cần thành lập một cơ quan độc lập phòng, chống tham nhũng, cơ quan này thuộc Quốc hội.

Trong tình hình hiện nay, về công tác tham nhũng còn nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc. Mặt khác đứng về góc độ lý luận thì có một cơ quan độc lập về phòng, chống tham nhũng là hợp lý và không khó thông qua.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thực tiễn hiện nay đã có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, đồng thời tồn tại ba cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng là cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát. Những cơ quan này có bộ máy từ Trung ương đến cơ sở với quy mô rất lớn, có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, nếu chúng ta tập trung chỉ đạo, có cơ chế rõ ràng, nâng cấp lên thì hoạt động về phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả hơn. Thay vào đó, nếu chúng ta hình thành một cơ quan độc lập của Quốc hội vào lúc này cùng với cơ quan kiểm toán của Quốc hội thì bộ máy phình ra rất lớn, tốn kém không nhỏ cho các chi phí nuôi dưỡng cơ quan này.

Do vậy, trong thời điểm hiện nay, tôi đề nghị cần cân nhắc, xem xét kỹ có nên thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập hay không.

Về một số điều cụ thể trong dự thảo sửa đổi của luật. Vì điều kiện thời gian tại đây tôi không thể phân tích kỹ hơn được, nhưng tôi đề nghị Ban soạn thảo có một số điều được nghiên cứu, xem xét thêm.

Tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 2 Điều 4 một nội dung nguyên tắc nữa là sự bình đẳng trước pháp luật. Đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm phòng, ngừa của các cơ quan tại Điều 7. Cần nghiên cứu, cân nhắc bỏ toàn bộ Chương IV vì nội dung trong chương này chủ yếu nhắc lại các văn bản pháp luật khác.Cần chỉnh lý Điều 60 và Điều 61 của dự thảo luật theo hướng nhập vào thành một điều vì nội dung hai điều này giống nhau. Các điều 93, 94, 95 theo tôi 3 điều này nên gộp thành một điều hoặc giữ nguyên Điều 93 và gộp Điều 94 và Điều 95. Trên đây là một số ý kiến của tôi, tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan