Góp ý của ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:45 18-12-2012

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Ý kiến của tôi về dự thảo luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) như sau: Dự thảo luật đã có nhiều thay đổi cơ bản so với Luật khoa học và công nghệ năm 2000, đã thể chế hóa được nhiều chính sách về khoa học, công nghệ theo Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XI.

Trước hết tôi đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc tìm kiếm các cơ chế để giải quyết các điểm nghẽn về quản lý tài chính khoa học và công nghệ. Tuy nhiên nhìn chung dự thảo luật còn nặng về việc cấp phép và quản lý nguồn kinh phí nhà nước cho các tổ chức khoa học, công nghệ công lập mà chưa có các cơ chế đủ mạnh để huy động các nguồn lực xã hội cho khoa học, công nghệ như là một trong những mục đích lớn nhất của việc sửa đổi luật lần này.

Theo tôi bên cạnh các cơ chế tài chính đã được quy định trong dự thảo luật để huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ cần giải quyết bài toán về thị trường khoa học, công nghệ. Muốn vậy, chính sách của nhà nước về thị trường khoa học, công nghệ phải nghiêng về trọng cầu chứ không nên nghiêng về trọng cung như đã làm lâu nay và thể hiện trong dự thảo luật. Nghĩa là phải tìm cách thúc đẩy để các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế tự thực hiện nghiên cứu hoặc đặt hàng các tổ chức khoa học, công nghệ nghiên cứu phát triển.

Để có thể thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một trong những điều quan trọng là khoa học, công nghệ cần thiết phải trở thành một bộ phận bên trong hoặc là yếu tố nội sinh của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần xúc tác để tạo ra mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức của khoa học, công nghệ, trong đó nguồn vốn là điều kiện cơ bản của mối quan hệ này. Cần phải để khoa học và công nghệ xem doanh nghiệp là một trong những động lực chính để nghiên cứu phát triển, đồng thời quá trình hợp tác công, tư phải là một trong những nền tảng của hoạt động khoa học và công nghệ, có như vậy thì cung cầu về nghiên cứu khoa học và công nghệ mới gặp nhau. Với quan điểm đó, tôi đề nghị dự thảo luật có thêm một mục về hoạt động khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp, trong đó đề nghị nghiên cứu thêm một số vấn đề sau.

Một cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khi đạt đến quy mô doanh thu nhất định thì lập tổ chức nghiên cứu phát triển để nghiên cứu công nghệ cho chính mình và là dịch vụ bên ngoài nếu đủ điều kiện.

Hai, đối với nghiên cứu phát triển công nghệ nhà nước không nên chỉ cấp kinh phí cho tổ chức khoa học, công nghệ công lập mà cần ưu tiên tuyển chọn và cấp kinh phí từ ngân sách cho các đề tài dự án do doanh nghiệp chủ trì hoặc tham gia với điều kiện doanh nghiệp có vốn đối ứng. Ví dụ đối với đề tài nghiên cứu cần vốn đối ứng là 30% và với dự án thử nghiệm cần vốn đối ứng là 70% và điều kiện là doanh nghiệp có cơ sở vật chất và có nguồn lực thực hiện việc nghiên cứu như đã có cơ quan nghiên cứu phát triển hoặc có hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Quy định như Điều 32 của dự thảo luật chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tạo mối liên kết, nghiên cứu. Đồng thời phạm vi được hỗ trợ liên kết còn hạn hẹp.

Tôi đề nghị tại Khoản 1, Điều 32 sửa lại là: nhà nước khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp liên kết với nhau để xác định và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tại Khoản 3, Điều 32 cơ chế nhà nước hỗ trợ tối đa 30% tổng vốn đầu tư cũng cần phải dành cho các dự án có sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Khoản 3, Điều 32 phải bao gồm cả Điểm a, và Điểm b của Khoản 2, Điều 32.

Ba, cần sử dụng nguồn quỹ đổi mới công nghệ để hỗ trợ nghiên cứu phát triển đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó doanh nghiệp sẽ đặt hàng hợp tác với các trường đại học và các viện nghiên cứu công lập để tiến hành đổi mới công nghệ. Vấn đề này có thể tham khảo kinh nghiệm thành công của Canada trong chương trình hỗ trợ công nghệ công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chương trình hỗ trợ với 260 nhà tư vấn công nghệ khắp nước, các nhà tư vấn này mỗi năm làm việc khoảng 12.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các chuyên gia và có thể giải quyết các vấn đề kinh doanh liên quan đến công nghệ của họ.

Bốn, về quỹ mạo hiểm công nghệ cao, tôi đề nghị cần phải có quy định ngân hàng phát triển Việt Nam có trách nhiệm tham gia cấp vốn cho quỹ này, một phần của quỹ nên dùng để đầu tư cho mối liên hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các ngành công nghiệp với các viện, các trường đại học nhằm giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ, giải quyết tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp, đồng thời phát huy lợi thế của các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Ý kiến thứ hai là về sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, tôi đồng ý mức chi ít nhất 2% ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, tuy nhiên cần có cơ chế điều tiết việc phân bổ ngân sách đầu tư phát triển vì thực tế có nơi cần tiền thì không đủ tiền, có nơi có tiền thì không tiêu được do năng lực hấp thụ vốn đầu tư khoa học, công nghệ không đồng đều. Cơ chế khoán chi đã tiến bộ hơn so với việc cấp kinh phí như hiện nay giúp các nhà khoa học có thể tránh nói dối về chứng từ thanh toán. Tuy nhiên, nếu buộc khoán chi và phải có định mức kinh tế kỹ thuật như ở Điều 54 thì sẽ tiếp tục trói chân các nhà khoa học, bởi vì làm khoa học và sáng tạo cái mới, cái chưa biết và phải xác định trước đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối thì thật là khó khăn. Khác với phát triển công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học là các bài báo cáo nên càng không thể xác định chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật đối với các sản phẩm dự kiến khi thực hiện khoán chi. Vì vậy, tôi đề nghị trong trường hợp không có hoặc không thể có định mức kinh tế kỹ thuật và chỉ tiêu yêu cầu kỹ thuật thì cho phép khoán chi dựa vào thuyết minh chi tiết của đề tài dự án.

Ý kiến thứ ba, về chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ, tôi đề nghị không nên miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng trên diện rộng đối với máy móc thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được như trong Điều 62 của dự thảo luật, vì như vậy, sẽ không khuyến khích nghiên cứu sáng tạo công nghệ và thiết bị mới trong nước. Tôi đề nghị chỉ miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho một số loại máy móc, thiết bị công nghệ mới theo định hướng ưu tiên của nhà nước, các công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước mà trong nước chưa tạo ra được. Đồng thời bổ sung vào Điều 62 quy định về miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với các vật tư thiết bị phục vụ cho công việc nghiên cứu khoa học trong nước.

Ý kiến sau cùng là về chính sách của nhà nước đối với khoa học và công nghệ, ở Khoản 4, Điều 5 có ghi: tạo điều kiện để các tổ chức liên hiệp hội, hiệp hội khoa học tham gia tư vấn phản biện xã hội. Tôi đề nghị sửa lại là: có cơ chế phù hợp để các tổ chức liên hiệp hội, hiệp hội khoa học tham gia tư vấn, phản biện xã hội phải có cơ chế mới đảm bảo tính pháp lý cho công tác tư vấn phản biện xã hội đối với các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của trung ương cũng như địa phương.

Lâu nay vì do không có cơ chế, nên có tình trạng có nơi thì mời tư vấn phản biện, có nơi không, khi thấy phản biện thuận lợi thì mời, còn thấy khó khăn thì thôi. Vì vậy, chưa phát huy hết được trí tuệ của các nhà khoa học thuộc các tổ chức Hiệp hội khoa học, các nhà khoa học vì tự chọn cho nên không thể đến để xin được tư vấn phản biện, trong khi đó các cơ quan quản lý Nhà nước thì cũng không thể mời các tổ chức này tư vấn phản biện. Vì không có cơ sở để đưa vào kế hoạch cũng như sẽ gặp khó khăn về vấn đề thanh toán, quyết toán. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm một điều về cơ chế hoạt động tư vấn phản biện xã hội của các tổ chức khoa học, công nghệ. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan