Góp ý của ĐBQH Phùng Đức Tiến – Hà Nam đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:22 26-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phát biểu một số ý kiến sau. Một, về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, Điều 116. Tôi cho rằng để tạo cơ sở Hiến định cho việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức, chính quyền địa phương, Hiến pháp chỉ nên quy định khái quát về các đơn vị hành chính bao gồm: tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương và dưới tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương, mô hình tổ chức chính quyền cấp tỉnh và dưới cấp tỉnh do luật định. Các quy định như trên nhằm tạo điều kiện cho việc điều hành nhanh chóng linh hoạt và thông suốt hơn, giảm biên chế tiết kiệm chi phí cho bộ máy nhà nước, mặt khác tạo nên sự khác biệt cho việc điều hành của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn và làm rõ hơn cơ sở phân công, phân cấp. Tuy nhiên cần phải có các bước chuẩn bị chu đáo và lộ trình thực hiện thật hợp lý.

Hai, vị trí pháp lý của Hội đồng nhân dân, Khoản 1, Điều 117, nhất trí với Phương án 2, Hội đồng nhân dân có quyền quyết định các biện pháp đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, quyết định các vấn đề  quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương". Nhà nước ta được tổ chức theo hình thức nhà nước đơn nhất chứ không phải là nhà nước liên bang hay liên minh, do vậy quyền lực nhà nước được tổ chức thống nhất không phân chia quyền lực Trung ương và quyền lực địa phương. Nếu quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương như ý kiến thứ nhất thì dẫn đến cách hiểu phân tán quyền lực Trung ương và địa phương. Như vậy, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức nhà nước của nước ta theo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Ba, về cơ quan bảo vệ Hiến pháp, hiện nay cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã có nhưng chưa đầy đủ hiệu quả, cơ chế kiểm soát đảm bảo việc thi hành các quy định của Hiến pháp, xử lý các vi phạm Hiến pháp trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp còn phân tán, giao cho nhiều chủ thể cùng tiến hành. Hoạt động bảo vệ Hiến pháp quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là việc xem xét tính hợp pháp, hợp hiến và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động bảo vệ Hiến pháp chưa được xem xét và tiến hành triệt để, thường xuyên. Thẩm quyền hủy bỏ quyết định văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật được áp dụng ít trong thực tiễn, hoạt động giám sát việc ban hành văn bản của Quốc hội, Hội đồng nhân dân mặc dù đã có nhiều kiến nghị cụ thể nhưng việc xem xét thực hiện kiến nghị sau giám sát còn dừng lại ở mức độ nhất định.

Trước tình hình đó đã dẫn đến một số lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với Hiến pháp thậm trí cả với luật. Vì vậy, tôi đề nghị thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp để giúp Quốc hội xem xét kết luận tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương ban hành.

Bốn, về một số ý kiến tham gia cụ thể vào từng nội dung đề nghị bỏ đoạn "nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 15 dự thảo" bởi vì Hiến pháp là do Quốc hội thông qua và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các quyền con người, quyền công dân được bảo vệ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, do vậy quy định như trên là không cần thiết. Đề nghị thay cụm từ "mọi người" thành "mọi công dân", quy định tại các điều 16, 17, 21, 23, 24, 32 cho thống nhất.

Đề nghị sửa Điều 18 Khoản 4 như sau: "Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thêm từ "có trách nhiệm bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài".

Đề nghị nhập Điều 37 và Điều 24 vì nội dung hai điều này liên quan trực tiếp đến nhau, xem xét lại thuật ngữ "nơi ở", "chỗ ở" tại Điều 24 và Điều 37 cho thống nhất.

Tại Điều 59 Khoản 2 dự thảo quy định "người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất" là chưa bao hàm hết các quyền của người sử dụng đất như quyền thừa kế, tặng, cho, chuyển đổi quyền sử dụng đất. Đề nghị sửa cụm từ này như sau: "có các quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của các luật, pháp luật về đất đai".

Đề nghị xem xét tính khả thi của Khoản 2 Điều 67 về chính sách phát triển giáo dục, nếu Nhà nước ưu tiên đầu tư khuyến khích các nguồn đầu tư không vì mục đích lợi nhuận, đồng thời nghiêm cấm các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận thì các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học có phát triển, vì nếu chỉ trông chờ vào các nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn đầu tư phi lợi nhuận. Thực tế cho thấy nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới có chất lượng quốc tế phát triển không xuất phát từ ngân sách Nhà nước mà do các tổ chức, cá nhân, người ngoài khu vực Nhà nước đầu tư, các trường này lấy chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên và nghiên cứu khoa học để phát triển.

Tại Khoản 2 Điều 68, "Nhà nước thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư", tôi đề nghị thêm chữ "nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng thành tựu khoa học " thêm từ "nghiên cứu khoa học công nghệ, đảm bảo quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ", thêm chữ "khoa học" sau từ "khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư", như vậy khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cả vào nghiên cứu khoa học chứ không phải chỉ đầu tư và phát triển ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ như đã nêu ở trong dự thảo. Như vậy, đúng với Nghị quyết ngày 21/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và đúng với xu thế thế giới là huy động nguồn lực ngoài xã hội và lớn gấp 3, gấp 4 lần so với đầu tư ngân sách.

Năm, đối với Chương VI, Chủ tịch nước đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang, trong việc điều hòa phối hợp công tác với các cơ quan lập pháp và hành pháp. Chưa rõ vai trò của Chủ tịch nước trong việc giám sát các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu, Quốc hội bầu và phê chuẩn. Dường như vai trò của Chủ tịch nước chỉ là hợp thức hóa các thủ tục hành chính trong các công việc được Hiến pháp quy định.

Trên đây là một số ý kiến của tôi, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan