Góp ý của ĐBQH Phạm Hồng Phong – Hậu Giang đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:23 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp đã trình dự thảo ra lấy ý kiến đóng góp trong kỳ họp này. Do thời gian có hạn tôi xin đóng góp cụ thể vào Chương VIII về tòa án, có một số ý kiến đã trùng với đại biểu phát biểu trước tôi nhưng tôi sẽ phân tích sâu hơn thể hiện chính kiến của mình.

Ở Điều 108, Khoản 1 dự thảo có ghi: tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, quy định như vậy là chưa đủ. Thực tế cho thấy ngoài tòa án nhân dân còn có tòa án quân sự, sau này do yêu cầu thực tế có thể Quốc hội thành lập các tòa án khác theo luật định. Theo tôi cần ghi lại như sau: tòa án nhân dân, các tòa án quân sự và các tòa án khác do luật định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Có như vậy mới kế thừa Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992.

Kính thưa Quốc hội,

Trong Cương lĩnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, xây dựng nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước ta không tam quyền phân lập nhưng phải có sự phân công rành mạch giữa 3 cơ quan nói trên, dự thảo lần này giao cho tòa án thực hiện quyền tư pháp là phù hợp với cương lĩnh của Đảng và kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Dự thảo đã thể hiện tính nhất quán, nguyên tắc phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việc giao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong độc lập xét xử và trong xét xử chỉ tuân theo pháp luật.

Trong Khoản 2 Điều 108 dự thảo theo tôi cần quy định thêm và viết lại như sau: Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự và tòa án khác do luật định trong phạm vi chức năng của mình có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ các lợi ích của nhà nước, của tổ chức, của tập thể, bảo vệ quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.

Điều 109 của dự thảo, Khoản 1 như dự thảo quy định thiếu vì ngoài Tòa án nhân dân xét xử có hội thẩm, Tòa án quân sự xét xử có hội thẩm quân nhân, theo tôi nên viết lại như sau: việc xét xử của Tòa án nhân dân, các tòa án khác theo quy định có hội thẩm nhân dân của tòa án quân sự có hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật khi xét xử hội thẩm ngang quyền với thẩm phán.

Khoản 6, Điều 108 của dự thảo theo tôi chuyển nội dung này qua Điều 34 của dự thảo ở Chương II về quyền và nghĩa vụ của công dân, còn nội dung ở Khoản 6 Điều 108 của dự thảo giữ nguyên Điều 123 của Hiến pháp năm 1992. Tòa án nhân dân bảo đảm cho công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của mình trước Tòa án hoặc nội dung này có thể thiết kế thành một điều mới.

Điều 110 của dự thảo ở Khoản 1 cần thêm cụm từ là thực hiện quyền tư pháp và là cơ quan thì viết lại là Tòa án Nhân dân tối cao là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ở Khoản 3 Điều 110 của dự thảo quy định Tòa án Nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử các tòa án khác, viết như vậy theo tôi chưa ổn vì tòa án khác chưa được thành lập lại bị giám đốc thẩm. Còn các tòa đã được thành lập lại không bị giám đốc thẩm nên cần viết lại ở Khoản 3 điều này là Tòa án nhân dân Tối cao giám đốc việc xét xử của các tòa án nhân dân, các tòa án quân sự và các tòa án khác, trừ trường hợp Quốc hội quy định khi thành lập tòa án đó.

Ở Khoản 4 Điều 110 của dự thảo cần thêm cụm từ là thông qua việc xét xử các vụ án, Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện giải thích luật và ban hành án lệ. Theo tôi, cần viết lại Khoản 4 điều này như sau: Tòa án Nhân dân tối cao tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Thông qua việc xét xử các vụ án, Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện giải thích luật và ban hành án lệ. Quy định như vậy mới phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Điều 111 của dự thảo ở Khoản 1 về Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Theo tôi thì bổ nhiệm tới tuổi nghỉ hưu. Nhưng nếu không được thì ít nhất cũng phải 10 năm.

Ở Khoản 2 điều này, nhiệm kỳ của thẩm phán cũng ít nhất là 10 năm. Quy định thời gian như vậy thì thẩm phán mới an tâm xét xử và giảm bớt áp lực khi tái bổ nhiệm.

Tôi cũng thống nhất với dự thảo Hiến pháp đã bỏ "ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm của pháp luật ở Điều 127, bởi vì đây không phải là thiết kế tư pháp mà đây là thiết kế hành chính.

Cuối cùng, theo tôi Ban dự thảo cần nghiên cứu, thiết kế một chương riêng quy định về tòa án. Có như vậy mới thể hiện tính nhất quán nguyên tắc phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy định riêng tòa án ở một chương sẽ không lẫn lộn vai trò của tòa án, Viện kiểm sát thực hiện quyền tư pháp. Quy định riêng như vậy mới thống nhất được vị trí trung tâm của tòa án thực hiện quyền tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và cương lĩnh của Đại hội đại biểu đảng toàn quốc lần thứ XI đã quy định. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội. 

Các văn bản liên quan