Góp ý của ĐBQH Phạm Trọng Nhân – Bình Dương đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:41 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Tham gia góp ý trực tiếp cho dự thảo Luật khoa học và công nghệ, tôi xin có một số ý kiến sau đây.

Thứ nhất, về chính sách của nhà nước đối với phát triển khoa học và công nghệ và nhiệm vụ của các ngành khoa học nói chung quy định tại các Điều 6, 7, 8 như trong dự thảo tôi thấy chưa đủ và chưa thể hiện rõ những chính sách để bảo đảm nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ để xứng tầm với trọng trách là quốc sách hàng đầu. Dự thảo luật chưa có nội dung nào chỉ định một cách rõ ràng hoặc xác định đâu là động lực nhiệm vụ trọng tâm nhằm hướng tới mục tiêu để đưa Việt Nam thăng hạng trên bản đồ thế giới và những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến.

Tại các điều liên quan đến nhiệm vụ của các ngành năng lượng, tôi lo ngại cho các điều kiện đảm bảo định hướng phát triển kinh tế bền vững. Theo đánh giá Tổng hội địa chất Việt Nam không có tiềm năng lớn về các khoáng sản năng lượng, dầu khí chỉ bảo đảm khai thác được chưa đến 30 năm, than biến chất cao với trữ lượng đã được đánh giá đạt nhiều tỷ tấn nhưng cần được khai thác sâu hàng trăm mét và hơn nữa mới đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Than biến chất thấp ở dưới sâu đồng bằng Sông Hồng tuy dự báo có trữ lượng lớn đến vài trăm tỷ tấn nhưng ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn và phức tạp cả về công nghệ, cả về an sinh xã hội và môi trường. Tiềm năng Urani và điện nhiệt không đáng kể và chưa được thăm dò đánh giá của dư luận. Các báo cáo của Chính phủ và số liệu của Tổng cục thống kê về nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng, nếu để đáp ứng cho tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì thời gian nhận định duy trì 30 năm không còn bền vững.

Vì vậy, theo tôi với dự luật lần này bên cạnh những nhiệm vụ đã nêu trong dự thảo tôi đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành nghiên cứu lộ trình và hạn định về chính sách an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo và đặc biệt là năng lượng thay thế. Để đáp ứng tiêu chí bền vững nên chăng chúng ta phải đặt hàng cho các nhà khoa học bài toán dự báo đánh giá về sự thiếu hụt năng lượng là ngay từ bây giờ phải bắt tay vào việc nghiên cứu chế tạo nhiên liệu mới thay thế cung cấp cho quá trình phát triển của nền kinh tế nói chung và đời sống xã hội một khi nguồn năng lượng hóa thạch không còn.

Thứ hai, về các tổ chức khoa học quy định tại Chương II, Mục 1, Điều 10, theo tôi quy định như vậy là chưa rõ ràng. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo phân loại làm rõ các loại hình tổ chức khoa học, công nghệ, trước hết làm cơ sở cho việc quy hoạch và phát triển khoa học, công nghệ và đáp ứng cho sự nghiệp phát triển của nền kinh tế theo hướng gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nghiên cứu và phát triển, triển khai ứng dụng. Tôi cho đây là mục tiêu quan trọng và là cơ sở cho việc phân giao quyền hạn của từng tổ chức, đồng thời đáp ứng yêu cầu phân loại điều kiện công nhận và áp dụng các chính sách ưu đãi đối với các loại hình doanh nghiệp khoa học, công nghệ theo quy định tại Điều 20 và 21 của dự luật.

Thứ ba, liên quan đến Điều 22 và 23 về quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ. Theo tôi điều luật cần xác định rõ hơn khái niệm, địa vị pháp lý và điều kiện công nhận cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ theo hướng khuyến khích cởi mở. Đồng thời nên thể hiện rõ các chính sách mời gọi thu hút cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học tại Chương V, các biện pháp đảm bảo phát triển khoa học, công nghệ. Chúng ta không chỉ có hàng trăm mà hàng ngàn cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Nhiều kết quả nghiên cứu của các giáo sư, nhà khoa học Việt Nam vang danh khắp thế giới như các công trình nghiên cứu khoa học của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Thành tựu nghiên cứu của họ không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của cá nhân, nhà khoa học mà là của cả quốc gia, cả giới khoa học chân chính trên thế giới.

Do vậy, tại Điều 22, 23 và chính sách, biện pháp đảm báo phát triển khoa học, công nghệ tại Chương V, tôi mong muốn dự luật thể hiện như một lời mời trọng thị, thể hiện rõ ràng về quan điểm của Nhà nước nhằm thu hút những nhân tài, những tiềm lực còn rất lớn để chung tay, góp sức xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Thứ tư, về cơ chế tài chính tín dụng cho quản lý khoa học, với quan điểm là huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ. Nhưng theo tôi Nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo trong nội dung này, nhìn ở góc độ khác hiệu quả mang lại của các công trình nghiên cứu khoa học có thể giúp chuyển cạnh tranh từ cấp độ cá nhân doanh nghiệp, cấp độ địa phương sang lợi thế cạnh tranh ở cấp độ quốc gia.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ hiện nay những sản phẩm của kết quả nghiên cứu khoa học còn được xem là những tiềm lực hoặc vũ khí quan trọng trong chiến lược cạnh tranh và phát triển kinh tế ở cấp quốc gia. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy các Tập đoàn sản xuất xe hơi, điện tử nổi tiếng trên thế giới, tại đó ngoài chiến lược cạnh tranh của các thương hiệu với nhau thì hiện nay chính sách của các quốc gia này tập trung hỗ trợ để các Tập đoàn này tiếp tục vươn sức chiếm lĩnh thị phần của cả thị trường thế giới và uy tín, thương hiệu quốc gia hay xa hơn là sức mạnh quốc gia cũng chính từ đây. Với dự thảo về cơ bản tôi thấy đã thể hiện tương đối rõ quan điểm tháo gỡ những vướng mắc, các điểm nghẽn trong hoạt động khoa học, công nghệ nói chung.

Tuy nhiên, một số nội dung chỉ mới dừng lại ở phạm vi mục tiêu quy định chung. Cụ thể tại dự luật về tài chính tín dụng cho hoạt động khoa học, công nghệ từ Điều 53 đến Điều 60. Theo tôi thiết kế như vậy chưa được rõ ràng, Khoản 5 của Điều 53 ghi rõ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước được thực hiện theo cơ chế khoán chi và được cấp kinh phí chủ yếu thông qua các quỹ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Nhưng khoán chi như thế nào ghi tại Điểm 2, Điều 54 thì chưa được thể hiện rõ ràng, các điều kiện căn cứ áp dụng chưa quy định cụ thể, rất khó để thực hiện ai thẩm định các định mức này, khi các đối tượng nghiên cứu còn trong phòng thí nghiệm chưa có trên thực tế. Nếu quy định như vậy sẽ rơi vào luẩn quẩn không lối thoát, theo tôi nên thiết kế quy định cụ thể các đề tài, đề án, dự án đã được quy định kiểm toán hoặc cơ quan thẩm định độc lập được công khai minh bạch trước quá trình nghiên cứu, nhằm tránh trùng lặp, tiêu cực, lãng phí thời gian, chi phí. Nhưng trên hết là tạo điều kiện thuận lợi rõ ràng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia trong các lĩnh vực hoạt động này.

Nội dung cuối cùng, về kỹ thuật tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung đã được các đại biểu trước đây góp ý. Ví dụ tại Điểm 8, Điều 15 có ghi các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật: Tiết o, Điểm 1, Điều 14 có ghi các quyền khác theo quy định của pháp luật v.v... hay những nội dung đã được quy định, chế tài tại các điều luật khác thì không nên thiết kế nhắc lại, cụ thể như Điều 38: giải quyết tranh chấp hợp đồng, cả hai điểm trong điều này đều được quy định trong các Luật dân sự, Luật tố tụng, trọng tài, thương mại v.v... do đó chúng ta không nên nhắc lại. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan