Góp ý của ĐBQH Nguyễn Trọng Trường – Bắc Ninh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:53 26-12-2012

Kính thưa Quốc hội.

Sau khi nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chế độ chính trị. Tại Điều 6 dự thảo Hiến pháp quy định nhân dân thực hiện quyền làm chủ Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua các cơ quan đại biểu, các cơ quan khác của Nhà nước.

Quy định như trên chưa quán triệt được tinh thần của Cương lĩnh là nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ đại diện.

Trong cả bản dự thảo Hiến pháp chỉ quy định Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cơ quan đại biểu, vì vậy, nếu thể hiện như trong dự thảo dễ hiểu nhân dân làm chủ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các cơ quan nhà nước khác.

Tại Khoản 2, Điều 9, Dự thảo Hiến pháp tôi đề nghị bổ sung cụm từ "các tổ chức chính trị xã hội" sau cụm từ "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam". Tôi cũng đề nghị bổ sung quy định về đồng tiền Việt Nam trong Hiến pháp. Quy định tại Chương VIII về tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân tại Khoản 2, Điều 110 Dự thảo Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân tối cao có chánh án và các thẩm phán. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Với quy định Quốc hội phê chuẩn trước khi Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ ảnh hưởng đến thời điểm bổ nhiệm lại đối với các thẩm phán khi hết nhiệm kỳ. Vì Quốc hội mỗi năm chỉ họp 2 kỳ do đó tôi đề nghị nên sửa giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

Tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 4, Điều 110 Hiến pháp là thông qua xét xử các vụ án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc ban hành án lệ, việc bổ sung quy định này phù hợp với Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về phát triển án lệ trong công tác xét xử. Mặt khác việc phát triển án lệ giúp tòa án áp dụng thống nhất pháp luật giải thích các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa cụ thể qua các vụ án cụ thể đã xảy ra. Do đó, Khoản 4 điều luật cần sửa đổi có nội dung cụ thể như sau: Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết, thực hiện xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, thông qua xét xử các vụ án tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc ban hành án lệ.

Quy định về nhiệm kỳ của Thẩn phán và Hội thẩm nhân dân tại Khoản 2, Điều 111 theo quan điểm của tôi nên quy định nhiệm kỳ của thẩm phán trong điều luật là 10 năm vì các nước tiến bộ trên thế giới thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời. Ở nước ta chưa có điều kiện bổ nhiệm như vậy nên quy định nhiệm kỳ thẩn phán là 10 năm với quy định nhiệm kỳ 5 năm như hiện nay là quá ngắn. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân.

Về cơ chế giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của tòa án được quy định tại Điều 111 của Dự thảo Hiến pháp. Tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem lại đoạn 2, Khoản 3, Điều 111 là Chánh án các tòa án khác trừ các tòa án quân sự báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, cần xem xét lại, quy định lại cho phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống tòa án 4 cấp: Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cụ thể Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo công tác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thuộc quản hạt tư pháp trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như vậy sẽ phù hợp với Kết luận số 79 ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra là các tòa án sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ cấp tỉnh và sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Còn Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan