Góp ý của ĐBQH La Ngọc Thoáng – Cao Bằng đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:54 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi cho rằng bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội là hết sức công phu, tỷ mỉ, dự thảo đã khái quát cô đọng, nhiều vấn đề quan trọng phải bổ sung, tuy nhiên tôi xin đóng góp thêm một số vấn đề sau đây:

Một, khẳng định quyền lực nhân dân trong việc xây dựng thực hiện bảo vệ Hiến pháp. Hiến pháp phải có cơ chế bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân. Ngay tại lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã khẳng định: Việc Quốc hội dự thảo Hiến pháp là được quốc dân giao quyền, việc sửa đổi Hiến pháp do 2/3 Nghị viện yêu cầu nhưng việc thay đổi đã được Nghị viện phê chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Toàn bộ những lời văn trên đã thể hiện tư tưởng Hiến pháp năm 1946 là toàn dân định ra Hiến pháp, nhà nước không ban hành Hiến pháp cho dân. Căn cứ vào quan điểm kế thừa hợp lý khi sửa đổi Hiến pháp của Ủy ban dự thảo Hiến pháp thì việc tán thành Phương án 2 dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất  2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phải được trưng cầu ý dân. Đó chính là đảm bảo tính kế thừa, đảm bảo chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp.

Tuy nhiên, điều quan trọng là việc thể hiện quyền lực của nhân dân dù tốt đến đâu, nhưng việc thực hiện bảo vệ quyền đó như thế nào trên thực tế luôn mang tính quyết định. Thực tế Hiến pháp năm 1992, chúng ta thấy rất nhiều quyền trực tiếp của dân như quyền được thông tin, quyền được tự do hội họp, quyền ngôn luận, biểu tình trong Điều 69 và các quyền dân chủ gián tiếp như quyền bãi nhiệm, bất tín nhiệm đã không được cụ thể hóa bằng các đạo luật kịp thời.

Đồng thời, qua công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp, nhiều văn bản của các bộ, ngành, các cấp ở địa phương ban hành đã có nhiều vi phạm đến quyền cơ bản của nhân dân. Như người nhập cư, cấm đăng ký xe máy thứ hai, hạn chế nhập cư vào một số thành phố, v.v., và nhiều văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tiễn lòng dân. Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh nhưng việc bãi bỏ các quy định là rất khó do quy trình bãi bỏ. Trong thực hiện nhiệm vụ công vụ của cơ quan Nhà nước, cá nhân, cán bộ công chức việc trích dẫn cũng rất xa lạ.

Tóm lại, việc dù sai nhưng công dân vẫn phải chấp hành chỉ thị của cấp trên. Vậy, rõ ràng chúng ta đang thiếu một cơ chế bảo đảm việc thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật trên thực tế. Cơ chế này, tôi sẽ bàn thêm ở phần sau.

Thứ hai, quyền lực Nhà nước là thống nhất. Việc phân công trách nhiệm phải rõ ràng, được kiểm soát và phải có cơ chế kiểm soát có hiệu quả. Chúng ta không chấp thuận tam quyền phân lập và khẳng định quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có phân công, phân nhiệm rõ ràng.

Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân thực thi quyền lực, lập ra cơ quan tư pháp, hành pháp bằng các đạo luật chuyên ngành và ủy quyền cho các cơ quan đó thực thi trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, thực tiễn đã chỉ ra, phân định các quyền lập pháp, hành pháp còn nhiều điểm chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu đa nghĩa, gây lúng túng trong việc thực thi sự phân công của các cơ quan có trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương.

Chính vì vậy, những khắc phục của dự thảo đã khẳng định Chính phủ là cơ quan hành pháp, tòa án là cơ quan tư pháp, viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp với chức năng công tố. Việc gộp khái niệm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo Điều 117 vào khái niệm chính quyền địa phương là chưa hợp lý. Đối với chính quyền địa phương chức năng hoạt động chấp hành là chủ yếu. Nếu vậy, vấn đề đặt ra là tính hợp lý việc ban hành pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc coi Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, việc thành lập Tòa án đặc biệt vị trí của Viện Kiểm sát nằm ở chức năng nào của bộ máy nhà nước cần có phương án lựa chọn và cần cân nhắc kỹ. Từ những vấn đề trên, tôi xin có một số kiến nghị như sau.

Thứ nhất, tôi đề nghị phải bổ sung vào Hiến pháp thành lập cơ quan bảo hiến bên cạnh cơ quan bảo vệ Hiến pháp hiện hành. Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản chính trị pháp lý quan trọng nhất của một quốc gia do vậy những quy định của Hiến pháp cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Không có một cơ chế bảo hiến rõ ràng, cụ thể được xác định ngay trong Hiến pháp thì rất khó có thể đảm bảo rằng Hiến pháp sẽ được tôn trọng một cách tuyệt đối. Văn kiện Đại hội X đã yêu cầu phải nghiên cứu xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm của Hiến pháp. Thực hiện cơ chế bảo hiến cũng là phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra. Quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước trong việc thực thi trách nhiệm được phân công. Từ những lý do trên tôi ủng hộ phương án 2 thành lập Hội đồng Hiến pháp để có cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra ngay trong hoạt động cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hai, Hiến pháp là đạo luật cơ bản. Trước hết, trước khi ban hành quyền lấy ý kiến của nhân dân theo quy định hiện nay tiến tới là trưng cầu dân ý. Để nhân dân hiểu được đề nghị Ban soạn thảo phải có giải trình chi tiết về những chương, điều cần bổ sung và giải trình này sẽ được lưu giữ khi Hiến pháp được thông qua. Đấy là cách hiểu thống nhất về các quy định của Hiến  pháp để tránh hiểu đa nghĩa. Tôi xin nêu một ví dụ: khi thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính cụm từ "bình đẳng trước pháp luật" đã có cách hiểu khác nhau trong các đại biểu Quốc hội, giữa Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật v.v... nhưng lại không có sự giải thích từ một cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, để người dân tâm huyết, có nhiều ý kiến tham gia, đại biểu Quốc hội an tâm thông qua thì rất cần có giải trình này.

Ba, về thẩm quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật theo tôi nên giao cho cơ quan bảo hiến, nếu cơ quan này được thành lập. Hiến pháp là đạo luật gốc, còn luật pháp có nhiệm vụ cụ thể hóa Hiến pháp. Hiến pháp và pháp luật được ban hành là để áp dụng vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày, nên việc giải thích Hiến pháp và pháp luật cũng là một việc làm thường xuyên.

Hiện nay, thẩm quyền này thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng chỉ được thực hiện một lần duy nhất về Luật Thương mại theo Nghị quyết 746 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI giải thích Điểm c Khoản 2 Điều 241.

Về mặt khách quan, thẩm quyền này giao cho cơ quan Bảo Hiến là phù hợp hơn cả. Trong trường hợp cơ quan Bảo Hiến không được thành lập, nếu xảy ra việc đáng tiếc thì phải có một cơ quan chuyên trách giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp và pháp luật. Xin hết.

Các văn bản liên quan