Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường – TP Hà Nội

Thứ Hai 15:34 05-11-2007
Kính thưa Quốc hội,

Trước hết theo quan điểm của tôi, tôi cho rằng việc động viên đóng thuế đó là trách nhiệm của công dân đối với việc xây dựng đất nước. Tôi chia sẻ với các ý kiến đóng góp của các đại biểu trước ở nhiều điểm. Để đóng góp cụ thể cho dự thảo luật này, cho phép tôi tiếp cận dự thảo luật  ở hai phương diện:

Thứ nhất là tính công bằng và sự bình đẳng của luật.

Thứ hai đó là tính khả thi của luật.

Về sự công bằng của luật, xin cho phép tôi tiếp cận thứ nhất về đối tượng nộp thuế, tôi đồng ý đối tượng hộ kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tôi cho đấy là một quy định hợp lý trong dự thảo của luật .

Về doanh nghiệp tư nhân phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác là hợp lý, những chủ doanh nghiệp tư nhân theo ý kiến của tôi phải đóng thuế thu nhập cá nhân như những cá nhân khác có thu nhập, ví dụ tôi là một doanh nghiệp có khoảng 100 tỷ, nếu tôi dùng mộ100 tỷ này để thành lập doanh nghiệp tư nhân thì sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tất cả phần lợi nhuận còn lại là của tôi được hưởng, nhưng nếu 100 tỷ đồng đó tôi mang ra góp cổ phần vào một công ty cổ phần thì công ty cổ phần đấy ngoài việc đóng thuế theo thuế thu nhập doanh nghiệp, thì phần cổ tức lại bị đánh thuế một lần nữa, tôi cho rằng cùng một nguồn vốn đầu tư như vậy thì đối với doanh nghiệp tư nhân và đối với doanh nghiệp cổ phần có lẽ sự bình đẳng là chưa có. Do đó tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp tư nhân ngoài nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân và như thế sẽ hợp lý.

Về thu nhập chịu thuế, tôi rất thống nhất với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân ở đoàn Hải Dương cho rằng thời gian làm thêm, phụ cấp ca 3 thì nên đưa vào thu nhập để xem xét tính thuế. Bởi vì, doanh nghiệp của chúng tôi rất khó khăn khi phải tách thời gian làm thêm, phụ cấp làm ca 3 trong bảng lương ra. Khi làm việc với cán bộ thuế thì tôi chắc chắn rằng điều này vô cùng khó khăn. Việc chứng minh cho làm thêm giờ và phụ cấp làm ca 3 cũng là một quá trình vô cùng phức tạp. Đồng thời doanh nghiệp cũng có thể lợi dung quy định của luật để lách luật, trốn thuế. Tôi ví dụ như có những doanh nghiệp họ bố trí sản xuất cả 3 ca. Có những ca thì cán bộ, công nhân viên được bố trí làm ca đêm và thường xuyên như vậy và họ cũng chỉ làm 8 tiếng thôi. Cho nên, nếu chúng ta quy định như dự thảo luật là tách thời gian làm thêm, phụ cấp ca 3 không thuộc thu nhập chịu thuế thì đây là một kẽ hở của luật.

Thứ hai là về đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi tức cổ phần. Tôi cho đây là một điều đúng, chúng ta nên thực hiện. Việc này đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, chứ không cứ ở Việt Nam.

Đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp được mua thì tôi cho rằng, có một vấn đề như sau: Trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trên thực tế, khi các doanh nghiệp của Nhà nước tiến hành cổ phần hóa thì hầu hết người lao động rất khó có một khoản tiền bỏ ra để góp vốn và mua cổ phần của các doanh nghiệp của Nhà nước và rất nhiều trường hợp, phần đông là mọi người bán lúa non. Tức là bán lại quyền của mình cho người ở bên ngoài. Nếu dự thảo luật quy định không đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp được mua, thì tôi cho rằng đây cũng là một kẽ hở, chúng ta đang tạo điều kiện để cho người giàu thì giàu hơn và người nghèo thì lại nghèo đi.

Về thu nhập từ kiều hối. Theo quan điểm của tôi nếu như chúng ta tiếp cận từ quan điểm thắng xổ số được coi như một khoản thu nhập, vì chúng ta không phải bỏ công sức  ra, thì thu nhập từ kiều hối, nếu như đối tượng của chúng ta là những người Việt Nam ở đây được nhận kiều hối thì cũng nên quy định một tỷ lệ nộp phí nhất định, tất nhiên không cao, tôi nghĩ như thế sẽ đảm bảo sự công bằng hơn.

Ngoài ra về mức giảm trừ gia cảnh có lẽ đây là một trong những điểm mà rất nhạy cảm và được người dân cũng như những đối tượng nộp thuế hết sức quan tâm. Nếu tiếp cận từ góc độ là của những người làm công, ăn lương và dưới góc độ khi nào chúng ta phải đủ mức sống của chúng ta thì chúng ta mới bắt đầu đóng thuế.

Tôi cho rằng, tôi rất chia sẻ với quan điểm của anh Lương Phan Cừ rằng nếu như tổng dân số của chúng ta có khoảng 86,5 triệu người và nếu như số người nộp thuế của chúng ta chỉ có 2 triệu người, rõ ràng dự luật thuế với cách thiết kế như thế này chưa khoan được sức dân.

Tôi nghĩ rằng, việc mà giảm trừ gia cảnh nó mang tính xã hội, tính nhân văn rất cao, nhưng cũng có thể sẽ làm cho đại biểu hiểu nhầm chỉ khi nào mà đạt tới mức độ nhất định, tức là đảm bảo mức sống của người nộp thuế thì mới phải nộp thuế. Nếu tiếp cận như vậy chúng ta sẽ không thể mở rộng diện của những người mà phải nộp thuế được.

Do đó tôi đề nghị về khoản giảm trừ gia cảnh và mức khởi điểm chịu thuế, tôi đề nghị hết sức được nghiên cứu lại.

Có một câu hỏi như thế này và tôi cũng chưa trả lời được, đó là về căn cứ tính thực tế đối với cá nhân không cư trú. Trên thực tế dự thảo luật này áp dụng cho cả người Việt Nam và cả người nước ngoài đối với phần mà để xác nhận là đối tượng được giảm trừ gia cảnh. Tôi nghĩ rằng ngay cả đối với người Việt Nam cũng là một sự khó khăn, tuy nhiên nếu như chúng ta áp dụng Dự thảo luật này đối với người nước ngoài, thì cơ quan nào sẽ là người xác nhận người nước ngoài đấy họ, sẽ được giảm trừ gia cảnh và các đối tượng giảm trừ gia cảnh của người nước ngoài như thế nào? Tính sát thực ở đâu? Tôi chưa trả lời được câu hỏi này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại.

Về hiệu lực và thực thi, tính khả thi của dự thảo luật. Tôi rất chia sẻ với nhiều đại biểu về việc ngành thuế chúng ta hiện nay có rất nhiều việc phải làm. Từ góc độ của doanh nghiệp xin phép tôi được chia sẻ như sau: Riêng đối với việc thu thuế, đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề của ngành thuế, nhưng tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội trong phần trình của Chính phủ cũng nói ngành thuế sẽ được giao thêm một nhiệm vụ, một trọng trách nữa, đó là quản lý giấy cấp phép kinh doanh. Như vậy tôi không hiểu đây có thực sự là gánh nặng, quá nặng đối với ngành thuế không? Nếu chúng ta giao chức trách, chức năng này cho bên thuế và với cách tiếp cận là để quản lý được các doanh nghiệp, để chống thất thu thuế thì tôi nghĩ trong Luật đầu tư cũng như Luật doanh nghiệp đã quy định, nếu các Phòng đăng ký kinh doanh trực thuộc các Sở đầu tư của các tỉnh, thành phố sau khi cấp phép kinh doanh trong vòng 7 ngày đã phải chuyển danh sách đó cho bên thuế để bên thuế cấp mã số thuế.

Tôi nghĩ việc triển khai một cửa ở Hà Nội đã làm rất tốt và việc kiểm soát doanh nghiệp để nộp thuế và xem các doanh nghiệp này hoạt động như thế nào, hoàn toàn có thể làm được mà không cần chuyển chức năng là cấp phép đầu tư sang cơ quan thuế. Điều đó tôi nghĩ nên giữ nguyên như hiện nay, tức là không chuyển phần cấp phép kinh doanh sang bên cơ quan thuế, để tạo điều kiện cho cơ quan thuế có thể có nhiều thời gian hơn và tập trung vào việc thu thuế để làm sao thu đủ, thu đúng và thu chính xác các đối tượng nộp thuế, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

Ngoài ra hiệu lực của Luật thuế thu nhập cá nhân bắt đầu theo dự thảo là từ ngày 01/01/2009, tôi cho rằng khoảng thời gian từ nay đến 2009 không xa, nếu như theo đúng giải trình tức là ngày 1/1/2010 thì các đối tượng mới phải quyết toán thuế. Tôi cho rằng một dự thảo luật hoặc một luật thực sự có hiệu lực và đi vào cuộc sống khi có tất cả các văn bản hướng dẫn thi hành luật một cách cụ thể và chi tiết. Bởi vì đến thời điểm quý I, năm 2010 khi các đối tượng quyết toán thuế, ngay từ thời điểm 1/1/2009, tất các các đối tượng phải có một hướng dẫn quy định rồi. Nếu như trong trường hợp không làm đúng hướng dẫn quy định, hoặc chưa có hướng dẫn quy định, thì những đối tượng trong diện nộp thuế thực sự rất lúng túng. Bên cạnh đó việc thanh toán bằng tiền mặt của chúng ta rất phổ biến và việc kiểm soát thu nhập của chúng ta như ý kiến của nhiều đại biểu là còn rất hạn chế. Vì thế tôi nghĩ rằng về hiệu lực thi hành theo đề xuất của tôi là bắt đầu từ ngày 1/1/2010. Trên đây là một số ý kiến của tôi đóng góp cho dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan