Góp ý của ĐBQH Đặng Ngọc Tùng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 15:31 05-11-2007

Thưa Quốc hội.

Qua báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật thuế thu nhập cá nhân, tôi xin có một số ý kiến tham gia như sau:

Thứ nhất, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương xây dựng và ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân để điều tiết hợp lý thu nhập, hạn chế sự chênh lệch quá lớn  giữa các tầng lớn dân cư góp phần giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, tăng cường công tác kiểm soát thu nhập, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng ta trong giai đoạn hội nhập.

Thứ hai, tôi rất hoan nghênh Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu những ý kiến xác đáng của nhân dân và đã đưa lương hưu của người hưu trí, tiền làm thêm giờ, tiền phụ cấp ca ba của người lao động, cũng như cổ tức của người lao động trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa ra khỏi thu nhập chịu thuế của Luật thuế thu nhập cá nhân này.
Thứ ba, về đối tượng nộp thuế, tôi tán thành với quy định của Dự thảo luật đưa cá nhân kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ vào trong đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Và bãi bỏ các quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đối tượng cá nhân này.

Việc quy định này là hợp lý và nhất là cách giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hộ kinh doanh và cá thể kinh doanh. Trong trường hợp nhiều người cùng tham gia kinh doanh trong một đăng ký kinh doanh. Thì thu nhập chịu thuế của mỗi cá nhân được xác định bằng số bình quân thu nhập đầu người theo các nguyên tắc phương pháp xác định thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 11 của Dự thảo luật, tôi hoàn toàn thống nhất.

Tuy nhiên tôi còn băn khoăn và chưa đồng tình lắm với giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi đưa chủ doanh nghiệp tư nhân ra khỏi đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Với lý do trong giai đoạn hiện nay hầu hết các doanh nghiệp tư nhân còn qui mô nhỏ, vốn ít, lợi nhuận thấp, nên chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là đủ nhằm động viên khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân này.

Thưa Quốc hội, tôi nghĩ hoàn toàn khác, vốn ít, lợi nhuận thấp, chính là các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, chính là các cá nhân kinh doanh chưa có đủ vốn, chưa có đủ khả năng để thành lập doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ này lại là đối tượng mà nộp thuế thu nhập cá nhân và tối đa người ta phải nộp tới 35%. Trong khi đó chủ doanh nghiệp tư nhân theo tôi biết hiện tại có những doanh nghiệp tư nhân họ còn đầu tư sân gôn, họ còn đầu tư khu chế suất, họ còn đầu tư các khu công nghiệp và có nhiều đại gia trong lĩnh vực địa ốc mà họ chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 28%, không đóng thuế lợi tức của họ, đây là một điều rất bất hợp lý. Cho nên chúng tôi đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét và đưa doanh nghiệp tư nhân vào đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thứ tư, thành viên hợp doanh của Công ty hợp doanh. Tôi đồng tình với cách giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Công ty hợp doanh có 2 loại thành viên: thành viên hợp doanh và thành viên góp vốn, các công ty này sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì các thành viên phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập được chia, xem như là thu nhập cổ tức, tức là phải đóng thêm 5%. Tôi thấy rất đống tình với phân tích này. Chính sự giải trình này chưa lôgíc với giải trình trước đó là khi không đưa chủ doanh nghiệp tư nhân vào đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Chính giải trình của mình trước và sau chưa lôgíc. Thử hỏi công bằng ở chỗ nào khi một anh làm hoàn toàn cho cá nhân mình thì chỉ phải nộp phần thuế thu nhập doanh nghiệp 28%, còn một anh vừa làm cho mình, vừa làm cho Nhà nước, nhưng sau khi nộp thuế thu nhập thuế doanh nghiệp 28%,thì phần lợi nhuận sau thuế lại phải nộp thêm 5% nữa, xem như là cổ tức của mình. Điều này hợp lý chưa? Tôi thấy chưa ổn. Do đó, tôi kiến nghị với Quốc hội một lần nữa là phải đưa doanh nghiệp tư nhân vào trong diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Có nghĩa là sau khi doanh nghiệp tư nhân nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 28% rồi, thì chủ doanh nghiệp tư nhân này cũng phải nộp lợi tức của mình là 5% trên cổ tức, như là các thành viên của công ty hợp danh mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình ở đây.

Thứ năm, về thu nhập chịu thuế, theo Điều 3, phần 3, mục c: thu nhập đầu tư vốn dưới các hình thức khác, điều này có nghĩa rằng mua trái phiếu Chính phủ cũng phải nằm trong diện chịu thuế. Trong khi đó đầu tư vốn gửi tiết kiệm lại không chịu thuế nên, cho nên tôi thấy 2 điểm này vẫn còn mâu thuẫn, vì thường thường mình nói là mua trái phiếu Chính phủ, mua trái phiếu quốc gia để xây dựng đất nước nhưng hai khoản này nó chưa nhất quán với nhau. Cho nên chúng tôi đề nghị việc mua trái phiếu Chính phủ của người dân mà với một số tiền mua, ví dụ: như động viên ít thì nên còn các tổ chức lớn mua trái phiếu Chính phủ mình nên phân biệt 2 đối tượng đó.

Trong phần thu nhập chịu thuế, tôi thấy gợi ý của đồng chí điều hành phiên họp là Quốc hội cho ý kiến có đưa cổ tức ưu đãi của người lao động sau khi doanh nghiệp cổ phần hoá vào diện này không? Tôi thấy ở bản giải trình trước đã thống nhất rồi, nhưng hôm nay đặt ra và tôi thấy qua phân tích của các đại biểu trước để có sự công bằng đều thống nhất là đưa cổ tức cổ phần ưu đãi của người lao động vào trong diện phải nộp thuế. Tôi thấy qua phân tích đó là hợp lý, nhưng không hợp lý ở chỗ là so với chủ doanh nghiệp tư nhân và người lao động, chúng ta thấy là cùng làm việc nhưng người lao động đổ công sức của mình ra, sau khi doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rồi, cổ tức mình chia thì rất nhỏ như thế, lại còn phải đóng thêm nữa, trong khi đó chủ doanh nghiệp tư nhân lại không đóng. Cho nên chúng tôi thấy rằng nếu đưa chủ doanh nghiệp tư nhân vào trong diện này, thì tính cổ tức của người lao động trong doanh nghiệp chịu thuế mới hợp lý. Nếu không, nên đưa vào diện không phải chịu thuế thì nó mới có sự công bằng. Thưa Quốc hội, cổ tức của người lao động không phải là nhiều. Một năm thâm niên của người lao động làm việc ở doanh nghiệp chỉ được mua 10 cổ phần, mỗi cổ phần là 100 ngàn, cho nên chỉ căn cứ số năm thâm niên, chứ còn mua ra ngoài thì nó lại khác. Cho nên với tinh thần đó chúng tôi xin có ý kiến như vậy.

Vấn đề tiền thưởng cho người lao động trong doanh nghiệp. Tôi xin kiến nghị thưởng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất ở trong các doanh nghiệp (mà thường là giám đốc các doanh nghiệp thưởng cho người lao động, để khuyến khích người người lao động cải tiến, hợp lý hóa sản xuất) . Tôi nghĩ nên đưa cái này vào trong diện miễn thuế. Đặc biệt trong tiền thưởng này tôi cũng xin kiến nghị luôn là: thưởng lương tháng 13 của người lao động cũng nên miễn thuế. Còn trừ trường hợp tránh tình trạng lợi dụng chỗ này thưởng rất nhiều thì cái đó mình hạn chế. Một điều nữa, chúng tôi xin kiến nghị đưa vào trong diện miễn thuế này  lương của người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình. Tiền này chúng ta cũng nên xếp vào giống như tiền kiều hối. Miễn thuế cho tiền của người lao động ở nước ngoài gửi về nó mới động viên được.

Thứ sáu, vấn đề  giảm trừ gia cảnh. Tôi nghĩ rằng nhu cầu về nhà ở của người lao động là rất lớn. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện tại, rất ít người lao động đủ tiền để có thể mua được một căn nhà để ở. Chính sách về nhà ở xã hội ra đời rất phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện tại. Do đó, chúng tôi đề nghị với Quốc hội là  khoản tiền mà người lao động đóng góp hàng tháng để mua nhà trả góp được giảm trừ để người lao động có cơ hội mua được căn nhà của mình, chúng tôi muốn nói đến mua nhà trả góp. Còn người lao động mua nhà vila, tôi xin không có ý kiến.

Về cách tính khoản giảm trừ gia cảnh, tôi cho rằng tiền Việt Nam của chúng ta chưa ổn định, giá cả ngày càng tăng chi phí chưa đảm bảo cho mức sống bình thường cho người lao động nhất là ở đô thị, giữa các vùng với nhau có nhiều thu nhập khác nhau. Cho nên mình quy định mức cứng, tức là 4 triệu đối với bản thân và 1,6 triệu đối với người phụ thuộc, chúng tôi nghĩ chưa sát với cuộc sống của chúng ta và thấy chúng ta quy định một con số cứng như thế này thì tình hình trượt giá của đất nước chúng ta mỗi năm bình quân lên khoảng 9%, liệu bây giờ 4 triệu chúng ta thấy nó phù hợp, nhưng 2 năm nữa có phù hợp không, nên chúng tôi nghĩ mình nên quy định tỷ lệ theo lương tối thiểu mình sẽ đỡ sửa luật hơn. Xin hết

Các văn bản liên quan