Góp ý của ĐBQH Vũ Hoàng Hà – Bình Định

Thứ Hai 15:35 05-11-2007

Kính thưa các đồng chí,

Từ sáng tới giờ tôi thấy nhiều đại biểu phát biểu góp ý cũng rất nhiều, nhưng suy nghĩ của tôi, tôi sợ  phân tâm không thông qua được luật thuế này trong kỳ này. Cho nên trước hết tôi đề nghị Ban soạn thảo các đồng chí cố gắng tập hợp và có giải trình sớm để có thể ban hành luật thuế này trong kỳ này. Bởi lẽ việc cần thiết thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giải trình, chúng tôi thấy rất đồng tình. Tính khả thi thì tất nhiên chúng ta còn nhiều việc phải làm nhưng những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm thì chúng ta có thể triển khai luật này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2009. Vì chúng ta nếu đợi cho cầu toàn thì tôi nghĩ không biết bao giờ có thể ban hành được luật này. Bởi lẽ ta gọi là Luật thu nhập cá nhân thì ai có thu nhập phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước.

Vấn đề thứ hai, tôi xin tham gia góp ý cho mấy điểm như sau. Tôi vẫn phân vân việc mức thuế để tính giảm trừ gia cảnh chúng ta lấy 4 triệu và mức giảm trừ là 1,6 triệu cho một thành viên phụ thuộc. Tất nhiên tôi biết Ban soạn thảo đã tính toán rất khoa học, tức là dựa vào thu nhập quốc nội, dựa vào bước 1 tăng tiền lương, dựa vào mức chỉ số CPI, căn cứ so với các nước trong khu vực.

Nhưng thực tế trên địa bàn của cả nước ta tôi thấy có nhiều vùng khác nhau, bởi vì việc chi phí về giá sinh hoạt. Cho nên nếu ta lấy một mức, tôi thấy khu vực nông thôn với mức như vậy là được. Nhưng nếu khu vực đô thi, 2 đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, còn các đô thị còn lại nếu cũng lấy với mức này tôi e sẽ rất khó khăn cho những người nộp thuế. Cho nên về việc này tôi không biết đề nghị như thế nào, nhưng tôi nêu việc như thế để Ban soạn thảo khi tính có cách tính khoa học như thế nào để hợp lý mà đối với nhân dân trong nước ta khi nộp thuế được công bằng, đảm bảo được đời sống của mình.

Ý thứ hai, về kiều hối. Tôi rất đồng tình với quan điểm của đại biểu vừa rồi đã nói, nhưng tôi phân tích thêm. Nếu xem kiều hối là món quà biếu thì ở nước ta quà biếu trong dự thảo luật của chúng ta quy định trên 10 triệu, những đó cũng đã phải chịu thuế suất là 10% rồi. Kiều hối nếu chúng ta không thu với lý do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu ra rằng nếu ta thu thuế thu nhập cá nhân trên lĩnh vực kiều hối, sợ rằng người ta sẽ không gửi tiền kiều hối qua hệ thống ngân hàng của chúng ta. Tôi cho lý do đó không thật xác đáng, bởi lẽ đồng tiền về trong nước chúng ta bằng nguồn nào đi nữa thì sau đó nó cũng sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ dần dần có thể kiểm soát được, không có lý do gì mà ta không kiểm soát. Nếu đồng tiền đó về để đầu tư bất động sản, để đầu tư sản xuất, để đầu tư kinh doanh thì chúng ta cũng sẽ có thể nắm được, nhưng mà nếu như không thu thì sẽ mất công bằng.
Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu vừa rồi mới phát biểu là ta nên phân ra làm hai loại. Một loại có thể tương đương với mức trên 10 triệu đồng tiền Việt Nam, quà biếu đối với người trong nước vào khoảng chừng 7.000đôla trở xuống thì chúng ta không thu, trên mức 7000đôla thì chúng ta cũng nên thu thuế thu nhập cá nhân về tiền kiều hối này để có sự công bằng, nếu như không thì tôi thấy một sự bất công.

Điểm thứ ba tôi thấy rằng đầu tư vốn trong dự thảo luật có nêu là: đầu tư bất cứ trên tất cả địa bàn của Việt Nam đều chịu thuế suất là 5%, trong khi trên địa bàn của cả nước ta thì nhiều vùng rất khó khăn, nếu như  ta chỉ quy định có một thuế suất như vậy, thì như vậy là chưa thu hút các nhà đầu tư đến những vùng khó khăn để đầu tư, nhất là chúng ta đang thực hiện chủ trương công nghiệp hoá nông thôn. Tôi đề nghị chúng ta nên phân loại thuế suất ở những vùng có khó khăn về đầu tư vốn để kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào những vùng khó khăn.

Một ý kiến cuối cùng, lần trước tôi có nêu những khu kinh tế, những khu chế xuất đã được Chính phủ ghi rõ bằng nghị định của mình là được giảm hoặc miễn tiền thu nhập cá nhân cho bất cứ đối tượng nào khi đầu tư vào khu này. Lần này dự thảo luật có ghi nếu như dự án nào đã được phê duyệt, hoặc dự án nào mà tiến hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng ưu đãi. Như vậy thì những khu kinh tế  và khu chế xuất, mà Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ ban hành nghị định đó, bây giờ thay đổi bởi luật này, tất nhiên luật này sẽ chồng lên trên nghị định, tất nhiên lớn hơn rồi, như vậy sẽ tạo cho nhà đầu tư người ta hiểu rằng người ta không tin Chính phủ Việt Nam mình nữa, nay thì nói như thế này, mai nói như thế khác và luật cứ thay đổi như thế làm cho nhà đầu tư người ta rất phân tâm, người ta không yên tâm. Tôi nói cụ thể ở tại tỉnh Bình Định của chúng tôi có khu kinh tế Nhơn hội thì Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ đã nói rõ trong quyết định 141 giảm 50% cho bất kỳ nhà đầu tư nào đầu tư vào khu kinh tế Nhơn hội là giảm 50% thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy khi luật này có hiệu lực, tất nhiên chính sách về ưu đãi nó sẽ không còn với các nhà đầu tư ở trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài người ta sẽ cho rằng Việt Nam của chúng ta "tiền hậu bất nhất", tức là nói không có giữ lời hứa và nếu như thế người ta không dám đến để đầu tư nữa. Tôi cho rằng vấn đề đó không có lợi, cho nên tôi muốn đề nghị những khu nào, những dự án nào mà Chính phủ đã có quy định miễn hoặc giảm thì vẫn có hiệu lực và ngoài những khu mà sau này Dự án luật của chúng ta có hiệu lực mới áp dụng luật này. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan