Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Mỹ Hương – TP Đà Nẵng

Thứ Hai 14:14 05-11-2007
Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản, tôi nhất trí với nội dung Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhiều băn khoăn với dự thảo Luật này và tôi xin có một số ý kiến như sau.

Về những vấn đề chung thì tôi quan tâm về tính khả thi và thời gian có hiệu lực của luật. Về nguyên tắc thì hệ thống thuế thu nhập cá nhân phải đảm bảo được tính công bằng và hiệu quả. Để thực hiện điều này thì đòi hỏi Nhà nước phải kiểm soát được thu nhập của người dân. Tuy nhiên, ở nước ta thì tình trạng kém minh bạch về thu nhập của đại bộ phận dân cư làm cho việc đảm bảo một hệ thống thuế công bằng là rất khó khả thi. Hơn nữa, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ thuế còn khá khiêm tốn so với khối lượng hiện nay của Ngành Thuế. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội có nêu 3 vấn đề, để đảm bảo tính khả thi của luật.

Thứ nhất, về phương pháp khấu trừ tại nguồn. Theo tôi phương pháp này không công bằng và thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với người nộp thuế. Vì với phương pháp này người nộp phải nộp theo phương pháp thuế khoán, trong trường hợp đó có nhiều tình huống là họ phải nộp, trong khi thu nhập chưa đến mức phải chịu thuế.

Thứ hai, về việc cấp mã số thuế cho các cá nhân nộp thuế. Theo tôi điều này không có nhiều ý nghĩa, bởi vì điều quan trọng là người nộp thuế có khai thuế một cách trung thực hay không.

Thứ ba, về việc Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá ngành thuế đến năm 2010. Tôi nhận thấy mục tiêu cải cách hành chính đã được đặt ra từ năm 2001, nhưng đến nay. qua 7 năm trong nhiều cuộc họp Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn đánh giá công tác cải cách hành chính đến nay vẫn chưa hiệu quả. Như vậy liệu Chính phủ có tạo ra một bước đột phá trong cải cách hành chính và hiện đại hoá ngành thuế trong thời gian ngắn như vậy hay không? Tôi e là không.
Vì những lý do trên tôi thấy thời điểm áp dụng luật vào ngày 01/01/2009 hơi sớm. Tôi đề nghị để đến ngày 01/01/2010.

Về những vấn đề cụ thể, tôi xin đề cập đến 2 nội dung.

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế.

Thứ hai, biểu suất thuế.

Về đối tượng chịu thuế, tôi quan tâm đến 2 đối tượng.

Thứ nhất, đối với hộ kinh doanh cá thể. Tôi tán thành việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đối tượng hộ kinh doanh cá thể sang điều chỉnh theo Luật thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên Khoản 5, Điều 11 của dự thảo luật quy định trường hợp cá nhân đăng ký kinh doanh, đăng ký nhiều người cùng tham gia kinh doanh trong một đăng ký kinh doanh, thì thu nhập chịu thuế của mỗi cá nhân được xác định bằng số thu nhập bình quân đầu người. Theo tôi cách quy định như vậy không đúng với bản chất của loại hình kinh doanh này, nó cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy tôi đề nghị sửa lại theo hướng cá nhân đại diện là người duy nhất chịu toàn bộ thuế đối với thu nhập do mình tạo ra từ hoạt động kinh doanh cá thể.

Thứ hai là đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay doanh nghiệp tư nhân là đối tượng điều chỉnh của thuế thu nhập doanh nghiệp. Về bản chất chủ doanh nghiệp tư nhân cũng có thể xem như là một cá nhân kinh doanh, vì toàn bộ khối tài sản đưa vào kinh doanh là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân. Quan trọng hơn về nguyên tắc không thể tách bạch dòng thu nhập và chi phí của cá nhân với dòng thu nhập và chi phí của doanh nghiệp. Do đó nếu chúng ta đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đối tượng này là không đúng và không chuẩn xác. Tôi đề nghị chuyển đối tượng doanh nghiệp tư nhân sang đóng thuế thu nhập cá nhân mà không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy tại Điểm a, Khoản 2 tại Điều 1 của nghị định tôi đề nghị bỏ đoạn "trừ cá nhân là doanh nghiệp tư nhân".

Về biểu thuế tôi quan tâm đến hai vấn đề:

Thứ nhất, đối với biểu thuế luỹ tiến từng phần, để giải thích cho việc đề nghị duy trì biểu thuế của dự thảo luật, Uỷ ban Tài chính, ngân sách đã gởi cho đại biểu tham khảo bản tổng hợp về thuế thu nhập cá nhân của một số nước. Theo tôi thì bản thống kê này không toàn diện, chỉ mang tính tham khảo và mang tính chủ quan của người viết. Trong khi đó khuynh hướng của các cuộc cải tổ, hệ thống thuế của các nước trên thế giới, người ta thường đi theo khuynh hướng giảm tỷ suất thuế và tăng đối tượng chịu  thuế, đi cùng với việc đảm bảo một bước giảm trừ hợp lý. Trong khối tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD thì tỷ suất  thuế cao nhất 35% không phải là mức quá cao, tuy nhiên nó vẫn cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Trong điều kiện Việt Nam tôi đề nghị giảm mức thuế cao nhất xuống 30%, nhằm đảm bảo khả năng động viên nguồn lực xã hội.

Thứ hai, đối với suất thuế toàn phần thì dự thảo luật quy định tỷ suất thuế áp dụng đối với thu nhập dòng chuyển nhượng chứng khoán nói riêng và chuyển nhượng vốn là 25%. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nêu một số lý luận cho tỷ suất này, nhưng theo tôi nhiều nội dung giải trình không thuyết phục vì các lý do sau:

Thứ nhất, tầm quan trọng của đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế đòi hỏi chính sách thuế phải có những khuyến khích đầu tư thông qua thủ tục đơn giản và mức thuế nhẹ, trong khi đó quy định của dự thảo luật chưa thể hiện được tinh thần này. Biểu hiện qua cách tính thu nhập chịu thuế không khả thi và tỷ suất thuế cao. Thậm chí hiện nay nhiều nước trên thế giới không áp dụng thuế đối với lợi nhuận từ đầu tư vốn như ở Châu Á có Singapor, Thái Lan, Hồng Kông, ở Châu Âu có Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đức và nhiều nước khác.

Về nguyên tắc khi xây dựng luật này chúng ta phải tính đến mối tương quan với các nước trong khu vực nếu không sẽ dẫn đến tình trạng xuất khẩu vốn sang các nước khác. Mặt khác thu nhập từ đầu tư chứng khoán trong trường hợp này thì thực chất chỉ là chênh lệch giữa thời điểm mua và thời điểm bán. Hệ quả của nó là phân phối lại tài sản đã có giữa các bên tham gia. Như vậy trong trường hợp có những người được lợi thì sẽ có những người bị thiệt, khi đó của cải xã hội không tăng. Nhưng nếu Nhà nước mà thu thuế vào người này có nghĩa là Nhà nước thu vốn của xã hội.

Tại Khoản 1, Điều 14 quy định phương pháp tính thuế bằng giá bán trừ các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập, tôi cho rằng việc xác định chi phí mua, bán chứng khoán là một việc rất khó. Do vậy chúng ta nên học tập kinh nghiệm quốc tế bằng cách tính thuế dựa trên khoảng chênh lệch giữa giá mua và giá bán với mức thuế suất hợp lý. Trong trường hợp này tỷ suất thuế phải nhỏ hơn nhiều so với tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ở nước ta tôi đề nghị, chỉ đánh thuế ở mức khoảng 10 - 15%, thậm chí theo tôi thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn chưa đi vào ổn định. Nên chăng chúng ta chờ khi có đủ luận chứng khoa học về những nhân tố tác động đến thị trường chứng khoán, đến môi trường vĩ mô, thì hãy xây dựng Luật chứng khoán để điều chỉnh thu nhập từ thị trường này. Căn cứ dự thảo luật tôi thấy còn có nhiều kẽ hở và nhiều quy định vẫn còn thiếu cơ sở khoa học.

Tôi đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn để đảm bảo luật có hiệu lực thì luật sẽ đảm bảo tính khả thi. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan