Góp ý của ĐBQH Cao Ngọc Xuyên – Bạc Liêu

Thứ Hai 14:16 05-11-2007
Kính thưa Đoàn chủ tịch, kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.

Theo gợi ý của chủ tọa buổi thảo luận, tôi xin phát biểu vào những vấn đề cụ thể:

Thứ nhất, về đối tượng nộp thuế, tôi nhất trí với việc chuyển các hộ sản xuất kinh doanh hiện đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mức 28% lợi nhuận sang nộp thuế thu nhập cá nhân, theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5 - 35%. Vì họ không phải là doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, việc chuyển này sẽ có lợi cho họ, thể hiện quan điểm khoán, thử sức dân của Nhà nước ta. Theo số liệu của Bộ Tài chính, sẽ có khoảng hơn 1.500.000 hộ sẽ được hưởng lợi từ chính sách này .

Thứ hai, tôi cũng đồng ý không quy định cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên của công ty hợp doanh sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân nữa  (tức là mức 5%). Có nghĩa rằng họ chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mức 28%.

Về thu nhập chịu thuế và miễn thuế, tôi đề nghị khoản thu nhập cổ tức, cổ phần của cán bộ công nhân viên được mua ưu đãi khi doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa thì cũng phải nộp thuế. Tức là phải bỏ Khoản 11, Điều 5, vì những người này đã được ưu đãi khi mua cổ phần, mức mua thấp hơn những cổ đông khác. Hơn nữa, số lượng cổ phiếu ưu đãi được mua là rất khác nhau giữa những cán bộ, công nhân viên cùng làm việc trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Nếu miễn thuế đối với những đối tượng này thì sẽ tạo ra sự mâu thuẫn giữa các cổ đông.

Tôi cũng đề nghị sửa tên gọi của Điều 3, đối tượng chịu thuế thành thu nhập chịu thuế, vì bản chất những khoản quy định ở dưới đều nói về thu nhập chịu thuế. Chúng ta viết thẳng ra như vậy thì sẽ dễ hiểu hơn.

Thứ ba, về những quy định liên quan đến giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc. Tôi thấy rằng mức quy định giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 4 triệu đồng là tương đối phù hợp. Vì nếu so với những số liệu Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cung cấp là Trung Quốc chỉ có 1,7 triệu đồng tính theo tiền Việt Nam, Inđônêxia cũng 1,7 triệu, Thái Lan là 2,5 triệu, Malaixia là 3 triệu thì mức giảm trừ của ta cao hơn. Mặc dù GDP bình quân đầu người của ta thấp hơn các nước này rất nhiều, nếu cộng thêm người phụ thuộc mức giảm trừ của ta còn cao hơn và nếu có một người phụ thuộc thì ít nhất trên 5.600.000 đồng mới phải nộp thuế. Hầu như toàn bộ cán bộ công chức kể cả đại biểu Quốc hội ngồi đây cũng chưa phải thực hiện trách nhiệm nộp thuế theo quy định của Hiến pháp. Nếu nâng lên mức cao hơn nữa rất khó có cán bộ công chức nào phải nộp thuế dù là rất nhỏ. Hơn nữa hiện nay do Pháp lệnh về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì công dân Việt Nam có mức thu nhập trên 5.000.000 đồng đã phải nộp thuế với mức thuế suất từ 10- 40 % cho phần vượt trên 5.000.000 đồng một tháng.

Theo dự thảo luật nếu một người có thu nhập 6.000.000 đồng mà không có người phụ thuộc cũng chỉ phải nộp thuế là 100.000 đồng, chiếm 1,6% tổng thu nhập.

Nếu cũng với mức thu nhập như vậy, có một người phụ thuộc cũng chỉ phải nộp 20.000 đồng chiếm 0,3% tổng thu nhập. Nếu một người có thu nhập tiền công, tiền lương khoảng 20.000.000 đồng, có hai người phụ thuộc thì cũng chỉ phải nộp 1.700.000 đồng bằng 5,8% tổng thu nhập. Nếu cũng người đó mà có thu nhập 50.000.000 đồng cũng chỉ nộp 7.450.000 đồng bằng 15% tổng số thu nhập.

Theo số liệu của Bộ Tài chính hiện nay cũng có khoảng hơn 300.000 người làm công ăn lương và làm nghề tự do nộp thuế thu nhập cao, trong khi đó chúng ta có hơn 45.000.000 người trong độ tuổi lao động. Nếu áp dụng giảm trừ gia cảnh 4.000.000 đồng và người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng thì số người nộp thuế vào năm 2009 có thể ít đi. Vì hiện nay số người có thu nhập trên 5.000.000 đồng nộp thuế cho phần vượt trên 5.000.000 đồng mà không được trừ cho người phụ thuộc. Tuy nhiên số người nộp thuế tăng sẽ tăng dần trong những năm sau. Đó chính là mục đích của thuế thu nhập cá nhân chúng ta thảo luận thông qua.

Thứ tư, về biểu thuế lũy tiến từng phần. Tôi nhất trí có 7 bậc thuế suất với mức thấp nhất là 5%, cao nhất là 35% và với độ dãn cách về thuế suất và thu nhập tính thuế như dự thảo. Với quy định như vậy chúng ta đã giảm mức động viên so với mức thuế hiện hành thấp nhất là 10%, cao nhất là 40%. Mức thuế suất này thấp hơn so với Trung Quốc 45%, Thái Lan 37%, Đài Loan 40% và bằng với Inđônêxia 35%, cao hơn so với Philippin là 32%, Malaysia là 30%. Như vậy thuế suất cao nhất của chúng ta nằm ở mức trung bình so với các nước kể trên. Mặt khác với việc thiết kế như vậy chúng ta đã gộp được 2 biểu thuế suất hiện đang áp dụng riêng biệt cho người Việt Nam và người nước ngoài làm ăn sinh sống ở Việt Nam, thực hiện nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa người Việt Nam và người nước ngoài có thu nhập.

Thứ năm, về giảm trừ các khoản đóng góp từ thu nhập trước khi tính thuế. Tôi đề nghị bổ sung thêm khoản giảm trừ về đóng góp cho các hoạt động nhân đạo. Vì trong dự thảo luật hoạt động chữ thập đỏ mà Quốc hội sẽ thảo luận thông qua trong kỳ họp này có dự kiến khoản đóng góp cho các hoạt động nhân đạo sẽ được miễn thuế. Nên tại luật này ta quy định luôn để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ giữa các luật. Như vậy tên của Điều 21 sẽ được ghi là: Điều 21 giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Đề nghị thêm từ "nhân đạo" vào sau các từ "từ thiện" trong nội dung của luật này. Xin cảm ơn Quốc hội, tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan