Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy – Hậu Giang đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:02 21-12-2012


Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,

Kính thưa Quốc hội,

Theo gợi ý của Chủ tọa kỳ họp, tôi xin trao đổi 3 vấn đề sau đây:

Vấn đề thứ nhất, về kê khai tài sản và thu nhập. Ở nhiều nước trên thế giới thì việc minh bạch tài sản thu nhập không chỉ là nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân. Để tránh những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lừa đảo, rửa tiền v.v… Như vậy việc dự thảo luật lần này quy định đối tượng kê khai minh bạch tài sản và thu nhập của tất cả cán bộ Đảng viên, công chức là cần thiết và phải bắt đầu kê khai từ khi được tuyển dụng làm cán bộ, công chức. Việc kê khai này tiến hành hàng năm và theo suốt quá trình công tác cho đến khi về hưu. Trên cơ sở ý thức tự giác, lòng tự trọng gương mẫu của mỗi cán bộ, công chức. Nếu dự thảo luật bổ sung được các công cụ kiểm soát cần thiết, xử lý nghiêm đối tượng kê khai không trung thực, không đầy đủ và không minh bạch nguồn tài sản thực tế thì Luật phòng, chống tham nhũng mới có hiệu quả trong công tác phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng và xử lý vi phạm. Xung quanh vấn đề này, tôi thấy một số đại biểu phát biểu trước tôi, có đại biểu cũng đồng ý, nhưng có đại biểu cho rằng nên hạn chế phạm vi, đối tượng kê khai tài sản và thu nhập. Theo tôi, luật phải mang tính lâu dài và như vậy cũng là một biện pháp chúng ta ngăn ngừa và phòng, chống hành vi tham nhũng.

Vấn đề thứ hai là cần bổ sung và làm rõ các quy định về phòng ngừa tham nhũng, như quy định về công khai minh bạch trong cơ quan, đơn vị ở Điều 11 và Điều 12, trách nhiệm giải trình ở Điều 37, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ công chức, viên chức ở Điều 47, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng quy định ở Điều 68. Tôi thống nhất với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước và đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện quy định rõ và cụ thể hơn trong dự thảo luật. Để khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua theo tôi những bất cập này nếu không được sửa đổi một cách toàn diện trong dự thảo luật thì Ban chỉ đạo có tài giỏi mấy cũng phải bó tay.

Vấn đề thứ ba là về kỹ thuật lập pháp, đề nghị Ban Soạn thảo rà soát lại văn bản một cách chặt chẽ và nghiêm túc hơn, loại bỏ những từ ngữ trùng lặp không cần thiết. Ví dụ như tại Chương II quy định về phòng ngừa tham nhũng, Mục 1 về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Điều 11 đến Điều 37. Vấn đề này trong khoảng 10 trang, từ trang 5 đến trang 14, tại Mục 1 có tới 110 cụm từ “công khai minh bạch” được nhắc đi nhắc lại, lập đi lập lại rất nhiều lần, đọc thì vô hình chung chúng ta thấy giống như khẩu hiệu. Ví dụ như phải công khai minh bạch, phải được công khai v.v…. rất nhiều từ như thế lập đi lập lại tôi thấy không cần thiết. Cụ thể trong Điều 26 cụm từ này trong một đoạn rất ngắn nhưng cụm từ “công khai minh bạch” lặp đi lặp lại đến 21 lần.

Tôi đồng ý với Ban Soạn thảo là phải quy định công khai minh bạch trong tài sản thu nhập trong đầu tư công, mua sắm công, trong kế hoạch phân bổ ngân sách hay trong công tác cán bộ v.v…Trong "công khai minh bạch" thì “minh bạch” là xương sống, là vấn đề cốt lõi trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Từ ngữ diễn đạt phải ngắn gọn, phải chính xác và mang tính pháp lý chặt chẽ. Do vậy cụm từ “công khai minh bạch” nếu đã quy định ở ngay tại từng điều cụ thể thì không cần phải lặp đi lặp lại những từ này trong những mục hay những tiểu tiết một cách nghe nó còn mang tính sáo rỗng, không cần thiết. Tôi hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan