Góp ý của ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết – An Giang đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 15:03 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Để hoàn thiện Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) lần này, tôi xin có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về chính sách của nhà nước về phát triển khoa học công nghệ tại Điều 5. Hiện nay đầu tư cho khoa học công nghệ khoảng 0,6% GDP trong đó 0,5% GDP của nhà nước và chỉ có 0,1% GDP là đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Ở các nước phát triển bình quân tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển từ ngân sách nhà nước so với ngoài ngân sách nhà nước là 1,4 còn ở nước ta là 5,1 nghĩa là hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước trong khi nhu cầu về khoa học công nghệ nước ta rất lớn mà trong điều kiện ngân sách khó khăn không có khả năng đáp ứng nhu cầu tăng về khoa học công nghệ. Vì vậy, luật sửa đổi lần này đề nghị ngoài chính sách sử dụng nguồn ngân sách quản lý một cách hiệu quả cần quan tâm quy định chế tài đủ mạnh để chúng ta huy động nguồn lực từ ngoài ngân sách nhà nước để tham gia đầu tư phát triển khoa học công nghệ, huy động nguồn vốn xã hội, nhất là doanh nghiệp là khu vực tiềm lực lớn để thu hút đầu tư khoa học công nghệ.

Hiện nay nước ta có hơn 600 doanh nghiệp trong đó có những tập đoàn, tổng công ty nhà nước với nguồn lực lớn và nguồn nhân lực dồi dào. Nếu tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều trích 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp thì tổng vốn quỹ thu hút cho 13 nghìn tỷ đồng kết hợp với các nguồn lực khác và cơ chế phù hợp sẽ kích thích thì đây là luật không nhỏ để đáp ứng phát triển về khoa học công nghệ. Bên cạnh nội dung nêu tại Điều 8 về nhiệm vụ hoạt động khoa học kỹ thuật về công nghệ cần trình bày rõ hơn và tại Khoản 2, Điều 8 ngoài các đối tượng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ lĩnh vực về nông nghiệp, y dược, chăm sóc sức khỏe, năng lượng như dự thảo luật đã quy định cần bổ sung đối tượng là công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, ứng phó với biến đổi khí hậu vì đây là những lĩnh vực nâng cao giá trị, hiệu quả nguyên liệu của đất nước ta và cũng là nguyên liệu để sản xuất nông nghiệp của nước ta ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời giảm suy thoái, ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Đây là những đối tượng cần ưu tiên. Trước tình hình trình độ công nghệ của các ngành sản xuất nước ta nhìn chung rất lạc hậu và khoảng cách từ 2 đến 3 thế hệ so với các nước trong khu vực làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị hiện nay đề nghị tại Điều 62 bổ sung thêm chính sách thuế đối với các hoạt động khoa học, công nghệ. Tại Khoản 2 nên bổ sung chính sách miễn, giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng đối với công nghệ, thiết bị nhập khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm của doanh nghiệp nước ta.

Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học, công nghệ, quy trình tổ chức thực hiện. Tại Điều 26 về phê duyệt nhiệm vụ khoa học, công nghệ, theo quy định "Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ đến các bộ và ngang bộ. Các cơ quan này tổng hợp, xem xét có ý kiến để đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ để lấy ý kiến và phê duyệt của cấp thẩm quyền". Quy trình này hiện nay đang áp dụng, không quy định rõ ràng về phương pháp ràng buộc trách nhiệm, cách phối hợp. Vì vậy, thực hiện không phát huy hiệu quả vì nhiệm vụ khoa học hàng năm rất quan trọng. Để thực hiện việc nghiên cứu đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong từng thời kỳ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách hiệu quả.

Nếu xuất phát từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất thông qua các hình thức phổ biến hiện nay là có công văn yêu cầu đăng ký gửi tổ chức, cá nhân và các cơ quan, tổ chức này thường xuyên công việc rất lớn, không dành nhiều thời gian đề xuất một cách sâu sát, không xuất phát từ nhu cầu xã hội. Từ đó những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hàng năm và những đề tài nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu xuất phát từ nhiệm vụ, yêu cầu của xã hội đặt ra của từng giai đoạn. Xảy ra tình trạng nhiệm vụ bức xúc cần nghiên cứu thì không nghiên cứu, nghiên cứu những việc chưa cần. Do đó, tình trạng đề tài nghiên cứu đưa vào tủ thường xuyên xảy ra. Vì vậy, đề nghị việc xác định nhiệm vụ khoa học, công nghệ cần quy định rõ ràng trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền lợi, trách nhiệm cũng như hình thức kể cả các hình thức lấy ý kiến trong các hội thảo, khảo sát để trưng cầu ý kiến các nhiệm vụ khoa học ở các đối tượng nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội. Đồng thời dành ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu được xét, chọn để thực hiện vấn đề thực hiện đề tài trong khâu đấu thầu trong đề tài.

Nên quy định rõ thành phần hội đồng khoa học chặt chẽ, độc lập và đủ năng lực phản biện các đề cương nghiên cứu cũng như nghiệm thu các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ quy định tại Điều 40 của dự thảo luật này về công bố kết quả và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Hiện nay việc nghiên cứu khoa học, công nghệ triển khai ở cấp Nhà nước, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Vì vậy, việc trùng lặp, thiếu tính kế thừa các kết quả nghiên cứu diễn ra rất phổ biến, thường xuyên, gây lãng phí và thiếu tính kế thừa trong các đề tài nghiên cứu dự án. Ví dụ như việc nghiên cứu lai tạo giống lúa ngắn ngày ở tỉnh A thì cũng có thể tiếp tục nghiên cứu ở đề tài này ở tỉnh B. Từ đó gây ra lãng phí và gây ra nhiều bức xúc trong các nhà khoa học và nhà quản lý.

Vì vậy, việc giao một cơ quan Nhà nước làm đầu mối, cập nhật, công bố rộng rãi cũng như quản lý kết quả nghiên cứu là việc rất cần thiết. Đề nghị giao cho Bộ Khoa học, công nghệ thực hiện nhiệm vụ về quản lý và công bố kết quả nghiên cứu để các nhà khoa học cũng như các địa phương tham khảo để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan