Góp ý của ĐBQH Ma Thị Thúy – Tuyên Quang đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:52 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội. Về nội dung của dự thảo luật tôi xin tham gia 2 vấn đề cụ thể như sau:

Vấn đề thứ nhất, tại Điều 8 nhiệm vụ khoa học, công nghệ kỹ thuật trong luật này đã tách bạch ra hoạt động về lĩnh vực khoa học, công nghệ, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên. Tại Khoản 2 có quy định đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong một số lĩnh vực có ý nghĩa thiết yếu phù hợp với điều kiện và nhu cầu của đất nước. Chúng ta có các lĩnh vực nông nghiệp, y dược và chăm sóc sức khỏe năng lượng, đặc biệt là năng lượng chế tạo, quản lý sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên công nghệ môi trường, công nghệ vũ trụ, quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, còn một lĩnh vực nữa rất quan trọng tác động đến đời sống người dân và phát triển chiều sâu của đất nước đó là lĩnh vực công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm chưa thấy thể hiện trong dự thảo luật. Nước ta là một nước nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng sản phẩm thô, do đó việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, bảo quản và chế biến các nông phẩm mang tính quyết định nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm của nông nghiệp. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số đối tượng công nghiệp chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Đây là nội dung rất cần thiết trong việc phát triển nguồn nguyên liệu của địa phương. Hơn nữa luật còn có chính sách khuyến khích và hỗ trợ người dân sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Vấn đề thứ hai, về tiêu chí lựa chọn và việc lựa chọn chuyên gia tham gia các hội đồng tư vấn để xác định tuyển chọn tổ chức cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đánh giá kết quả nghiên cứu còn bất cập, chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng và hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ nói chung và các tổ chức khoa học và công nghệ nói riêng, công tác đánh giá kết quả nghiên cứu chưa tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Trong dự luật không có những quy định cụ thể về tiêu chí để lựa chọn chuyên gia tham gia Hội đồng tư vấn hay tiêu chí đánh giá chất lượng hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ, vấn đề này tôi xin đề xuất bốn ý như sau:

Thứ nhất, vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Cụ thể theo quy định của Luật khoa học và công nghệ hiện hành việc xác định mục tiêu kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, hướng ưu tiên và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu do Chính phủ xác định thông qua sự tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Trước hết cần khẳng định mục tiêu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, kế hoạch khoa học, công nghệ hàng năm và 5 năm không nằm ngoài mục tiêu này trên cơ sở triển khai chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể nên do các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh đề xuất nhằm phục vụ mục tiêu phát triển ngành, địa phương và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đơn vị.

Thứ hai, về tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học tại Mục 2, Điều 27 cần thể hiện rõ mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân thực  hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ và tổ chức cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu các bộ, ngành, địa phương theo phân công của Chính phủ.

Thứ ba, để đảm bảo chất lượng hiệu quả của kết quả nghiên cứu tại các cấp nên bỏ "chế độ hội đồng nghiệm thu cho từng nhiệm vụ" thay bằng "ban kỹ thuật khoa học của mỗi lĩnh vực chuyên sâu. Ban này gồm các chuyên gia uy tín, được hưởng lương do cơ quan quản lý khoa học và công nghệ chi trả, làm việc theo nhiệm kỳ 5 năm với số lượng cố định.

Tổ chức hội đồng khoa học như dự thảo theo dõi nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong suốt quá trình từ xét duyệt, kiểm tra chất lượng, tiến độ tới nghiệm thu, bàn giao kết quả cho bên sử dụng. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cần phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, một phần hoặc toàn bộ kết quả nghiên cứu, trừ các nghiên cứu cơ bản.

Thứ tư, về quyền sở hữu và sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cần quan niệm kết quả nghiên cứu là sản phẩm, là tài sản Nhà nước, do vậy, luật phải quy định rõ việc giao cho ai quản lý, sở hữu, sử dụng cần phải rõ ràng.

Các tổ chức chủ trì nghiên cứu là bên nhận đặt hàng, nên sau khi nghiên cứu sản phẩm lại giao cho bên nhận đặt hàng là không hợp lý, dẫn đến tình trạng kết quả nghiên cứu không được chuyển giao ứng dụng, khai thác. Tôi lấy ví dụ, đối với các tỉnh, thành phố bỏ kinh phí ra đặt hàng các tổ chức khoa học và công nghệ Trung ương nghiên cứu, vậy kết quả nghiên cứu là của tỉnh, thành phố không thể giao lại cho cơ quan nghiên cứu Trung ương được. Vì vậy, quyền sở hữu và sử dụng kết quả nghiên cứu từ ngân sách Nhà nước phải là Bộ khoa học và công nghệ, Viện khoa học, công nghệ Việt Nam, Viện khoa học xã hội Việt Nam, các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó các cơ quan này chịu trách nhiệm giao cụ thể cho ai quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định của luật một cách hiệu quả. Tôi xin hết. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan