Góp ý của ĐBQH Huỳnh Thành Đạt – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:58 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin đóng góp cho dự Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) một số ý kiến sau:

Trước tiên, về những vấn đề chung. Tôi tán thành sự cần thiết về sửa đổi, bổ sung Luật khoa học, công nghệ theo tờ trình của Chính phủ vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, luật này được ban hành khá lâu, năm 2000. Đến nay một số quy định của luật hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn và với các điều luật khác, nhiều điều khoản quy định còn chung chung, hiệu lực thi hành còn thấp. Nhà nước đã dành 2% tổng chi ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ tương đương 0,5% GDP nhưng năng lực khoa học công nghệ của quốc gia còn chưa tương xứng với vai trò, động lực then chốt và nền tảng cho quá trình phát triển đất nước. Đầu tư từ các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước cho khoa học công nghệ gần như không đáng kể. Các chuyên gia cho rằng tới năm 2020 nếu tổng mức đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam không đạt 2% GDP thì rất khó để chúng ta thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ở Trung Quốc hiện nay họ dành 2,2%, Hàn Quốc dành 4,4% cho hoạt động khoa học công nghệ của nước họ.

Tôi đồng ý với đại biểu Đỗ Văn Vẻ tỉnh Thái Bình và một số đại biểu khác, vướng mắc lớn nhất, điểm tắc nghẽn chủ yếu nhất trong hoạt động khoa học công nghệ hiện nay là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính hiện hành trong hoạt động khoa học công nghệ còn nặng tính bao cấp, tính hành chính, không mang tính sự nghiệp, không phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ. Có nhiều lúc, nhiều nơi cơ chế tài chính, cách xét duyệt đề tài đã làm nản lòng các nhà khoa học vì thủ tục quá nhiêu khê, phi thực tế. Trong thực tiễn có nhiều nhóm đề tài phải thuê hẳn từ 1-2 cán bộ để thực hiện giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục, đặc biệt là thủ tục tài chính. Vì vậy, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học công nghệ cho phù hợp là rất cần thiết nếu không muốn nói là rất bức thiết và cần phải được khẳng định cơ chế đổi mới này ngay từ luật này.

Một số vấn đề cụ thể, về chức danh khoa học và chức danh công nghệ trong hoạt động khoa học và công nghệ ở Điều 52. Theo tôi chỉ cần xây dựng chức danh nghiên cứu bao gồm kỹ thuật viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu, các đơn vị khoa học công nghệ, nhằm tạo sự chính danh cho đội ngũ này, đồng thời xây dựng bảng lương hết sức cụ thể và có bố trí quỹ lương cho các chức danh như trên.

Chức danh nghiên cứu này dành cho cả nghiên cứu khoa học lẫn công nghệ, không cần phải có chức danh kỹ sư, kỹ sư trưởng hay Tổng công trình sư như trong dự thảo luật. Do đó, tên Điều 52, tôi xin đề nghị được sửa gọn lại là chức danh nghiên cứu.

Về khoán chi và cơ chế quỹ, tôi cho rằng việc áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng ở Điều 54 và cơ chế quỹ ở Điều 55 đối với nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước là điểm mới và rất quan trọng và nó thực sự sẽ là sự đột phá trong việc giải quyết và khắc phục những vướng mắc, điểm nghẽn về tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ nói trên đáp ứng sự mong đợi của các nhà khoa học. Để giải phóng các nhà khoa học khỏi những công việc buồn chán, phức tạp về thủ tục để tập trung sức lực, chất xám cho công tác sáng tạo, phát minh và sáng chế. Tuy nhiên, vấn đề nào thì cũng có 2 mặt, Nhà nước cũng cần phải có những quy định dưới luật để đảm bảo việc áp dụng chế độ khoán chi cơ chế quỹ trong hoạt động khoa học, công nghệ để phát huy hiệu quả cao nhất những lợi thế cao nhất, hạn chế thấp nhất những phát sinh tiêu cực không mong muốn theo hướng gắn cơ chế khoán chi, cơ chế quỹ với quyền tự chủ về tài chính và trách nhiệm của người đứng đầu của chủ nhiệm đề tài chương trình. Đồng thời các nhiệm vụ đề án, chương trình phải được kiểm toán độc lập, công khai và hết sức minh bạch.

Về đầu tư phát triển khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp, tại Khoản 1, Điều 61 có nêu doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển khoa học, công nghệ. Theo tôi như vậy là chưa hợp lý, khó khả thi, nhiều doanh nghiệp không trích cũng không sao. Tôi đề nghị trong luật hoặc giao cho Chính phủ quy định mức có thể phải trích, chứ không phải quy định mức tối đa để trích, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và lớn. Đồng thời quy định lĩnh vực này phải có đơn vị nghiên cứu phát triển RD thực sự có cơ chế gắn kết với các Viện nghiên cứu và các trường đại học.

Về quỹ phát triển khoa học công nghệ ở Điều 57, 58, ngoài quỹ quốc gia, quỹ của các bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tôi đề nghị xem xét mở rộng các đơn vị sự nghiệp công như các Viện nghiên cứu, các trường đại học lớn có đủ điều kiện được thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ để tạo sự chủ động cho các đơn vị này. Hiện nay một vài đơn vị đã được thành lập quỹ nhưng vẫn mang tính chất thí điểm với quy định quản lý tài chính còn cứng nhắc, chưa phát huy tốt được vai trò, hoàn thành nhiệm vụ được giao của các đơn vị này. Cần điều chỉnh cơ chế tài chính thông thoáng, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Về các biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ ở Điều 74, tôi tâm đắc với 2 khoản này. Khoản 4: "Xây dựng một số tổ chức, nhóm nghiên cứu khoa học, công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực". Vì hiện nay thế giới đang đi theo hướng này, họ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc từ đó sẽ tạo ra các công trình có giá trị tầm cỡ quốc tế. Hiện nay Việt Nam chúng ta đang có chủ trương nghiên cứu để triển khai mô hình này. Luật khoa học, công nghệ (sửa đổi) ban hành sẽ là bà đỡ cho những đứa con đầy triển vọng của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nên làm rõ hơn mô hình về tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức nêu trên.

Khoản 7,  xây dựng cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát triển khoa học công nghệ. Đây là điều chúng ta trăn trở đã lâu mà chưa làm được nhiều, ta sẽ thu hút bằng điều kiện làm việc tốt nhất như trang thiết bị, phòng thí nghiệm thật sự hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiên cứu; Lương phải thực sự thỏa đáng; Thủ tục phải thực sự đơn giản. Khoản này theo tôi ta nên quy định một cách khẳng định và đầy đủ hơn. Cụ thể khoản này viết lại như sau: "Áp dụng cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam".

Tôi đồng ý với đại biểu Thùy Trang - thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu đưa vào luật chức năng phản biện xã hội của các nhà khoa học, của các Hiệp hội khoa học để tạo sự đồng thuận giữa các nhà khoa học và nhà quản lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của các dự án, chương trình khoa học và công nghệ. Xin hết. 



Các văn bản liên quan