Góp ý của ĐBQH Lương Phan Cừ – Đắk Nông

Thứ Hai 15:29 05-11-2007

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi tán thành cơ bản với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân vào thời điểm hiện nay là cần thiết. Đây là một đạo luật rất quan trọng. Ngoài việc huy động đóng góp của người dân, tăng ngân sách còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm công bằng xã hội, điều tiết thu nhập, thu hẹp sự chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Đặc biệt là kiểm soát thu nhập cá nhân, góp phần phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi còn băn khoăn và xin phát biểu đóng góp một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về thuế thu nhập cá nhân và tên gọi của luật. Thuế và thuế thu nhập cá nhân là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Thuế không chỉ là huy động nguồn lực của ngân sách mà thuế còn là công cụ quản lý, kiểm soát các hoạt động trong xã hội, trong đó có thu nhập. Lâu nay nói thu nhập dân cư Nhà nước không kiểm soát được là một khâu yếu trong quản lý Nhà nước và cũng là một nguyên nhân dẫn tới khó phát hiện và chống tham nhũng, không hiệu quả. Khi Quốc hội thảo luận thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng thì các vị đại biểu đã nói rất nhiều vấn đề này. Do chúng ta không kiểm soát được thu nhập cho nên  vấn đề phát hiện cũng như là chống tham nhũng của chúng ta không hiệu quả.

Theo dự án, gọi là thuế thu nhập cá nhân, nhưng ta chỉ điều chỉnh, kiểm soát với một số lượng đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân quá thấp, là chưa thuyết phục và không thể hiện được mục tiêu đề ra khi xây dựng luật là nhằm thực hiện công bằng xã hội. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thu nhập và điều tiết, phân phối lại thu nhập. Thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân cư, bảo đảm sự phát triển công bằng xã hội. Theo tư liệu của Tổng cục thuế mà Ban soạn thảo cung cấp thì thấy rằng: hiện nay chúng ta theo thuế thu nhập cao và các đạo luật thuế có liên quan của cá nhân hộ kinh doanh nộp thuế cũng như nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, thì cũng tổng số đối tượng  chúng ta thu cũng trên 2 triệu người.

Theo dự thảo trình bày chúng ta cũng chỉ trên 2 triệu người, chúng tôi cho con số này là rất thấp. Tổng đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân cũng không hơn gì so với Pháp lệnh thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thuế thu nhập của các hộ kinh doanh cũng như thuế chuyển quyền sử dụng đất. Trong lúc đó chúng ta có lực lượng lao động mà có khả năng có thu nhập đó là hơn 5 triệu người, chúng tôi cho vấn đề này chưa thật hợp lý. Theo dự thảo, ngay như chúng ta những đại biểu ngồi tại Hội trường này đã biểu quyết thông qua Luật thu nhập cá nhân cũng rất ít người phải nộp thuế này, chúng tôi cho như vậy chưa hợp lý. Một sắc thuế gọi là thuế thu nhập cá nhân, nếu vẫn như dự thảo tôi đề nghị lấy tên là thuế thu nhập cao,. như thế hợp lý hơn chúng ta gọi là thuế thu nhập cá nhân.

Vấn đề thứ hai chúng tôi muốn trình bày,đó là tính công bằng trong Luật thuế thu nhập cá nhân. Một trong những mục tiêu của dự án luật là bảo đảm tính công bằng trong việc nộp thuế thu nhập cá nhân, điều đó khó thực hiện được với chính sách thuế như dự thảo. Bởi vì việc kiểm soát thu nhập hiện nay ở nước ta là khó nhất, yếu nhất để tính thuế nộp, nộp thuế. Do đó xảy ra tình trạng người có thu nhập thấp thì phải nộp thuế, người có thu nhập cao không phải nộp thuế hoặc nộp thuế thấp. Như vậy làm sao có công bằng trong đóng thuế được, việc thực hiện chúng ta làm rất khó khăn cả vấn đề công bằng trong chiều dọc và chiều ngang. Nguyên nhân chúng ta nói rất nhiều, trong đó có tình trạng kém minh bạch của đại bộ phận dân cư ở nước ta hiện nay.

Đại biểu cũng nói rất nhiều là từ mấy chục năm nay ai cũng biết mức lương chính của người lao động không đủ sống, nhưng ai cũng sống, không những thế một bộ phận không nhỏ lại sống sung túc với trang thiết bị hiện đại, đắt tiền mà cũng không nằm trong những danh sách những người có thu nhập cao để nộp thuế. Theo con số được cung cấp, chúng tôi thấy thuế thu nhập cao chúng ta chỉ chiếm có 0,4% lực lượng lao động. Điều này chúng tôi thấy cần phải cân nhắc kỹ.

Thứ hai, các hộ kinh doanh phần lớn cũng nộp theo khoán thuế là chính. Ở đây qua một số liệu điều tra, cũng như qua tiếp xúc, chúng tôi thấy trong hộ kinh doanh cũng được khoán thuế là chính, cho nên cũng không chính xác, ngay trong những hộ này cũng không có sự công bằng.

Đối với thu nhập chuyển quyền sử dụng đất, tình trạng cũng tương tự, việc chuyển một mảnh đất có thể chuyển đến 10 lần, nhưng chỉ có một lần nộp thôi. Những điều này cũng không hợp lý. Đây là những vấn đề chúng tôi thấy cần phải xem xét. Bên cạnh đó tôi cho rằng có nguyên nhân do việc quản lý thuế của chúng ta còn yếu kém, mặc dù chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng có nguyên nhân trong việc hoạch định chính sách thuế và thiết kế thuế suất. Ta đưa ra thuế suất khá cao ngay từ đầu và nhiều quy định phức tạp trong tính thuế giảm trừ gia cảnh. Điều đó dẫn đến trốn thuế, tiêu cực trong việc tính thuế, thu thuế mà nhiều đại biểu hôm nay đã phát biểu phân tích rất kỹ những cái phức tạp trong vấn đề chúng ta thiết kế, như thế chúng ta sẽ khó có thể thực hiện được.

Thứ ba, chúng tôi muốn nói về trách nhiệm công dân. Theo suy nghĩ của tôi đã là thuế thu nhập cá nhân thì cá nhân cứ có thu nhập là phải chịu thuế. Đóng thuế vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm, quyền của công dân, mọi công dân có trách nhiệm với Nhà nước, với xã hội và với chính cuộc sống của bản thân mình. Nhà nước, bộ máy, đội ngũ công chức có trách nhiệm cung ứng dịch vụ của Nhà nước để bảo vệ mang lại điều tốt đẹp cho người dân, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống pháp luật, tiến hành các hoạt động bảo vệ người dân, phát triển các dịch vụ xã hội v.v... chúng ta có rất nhiều việc, Nhà nước phải cung cấp những dịch vụ đó cho dân và phải cung cấp tốt cho người dân. Thuế thu nhập cá nhân thể hiện mối quan hệ hai chiều về quyền và trách nhiệm giữa Nhà nước và công dân.

Chúng tôi rất đồng ý với ý kiến của đại biểu Đặng Như Lợi là người dân người ta rất muốn đóng thuế, đóng thuế để bảo đảm cuộc sống cho người ta, nhưng tại sao lại không được đóng thuế? Chúng ta chỉ có lượng hơn 2 triệu người đóng thuế thu nhập cá nhân là thế nào? Đây là vấn đề cần phải làm, chúng ta nghĩ rằng khi tuyên truyền người dân người ra sẽ rất ủng hộ, người ta sẵn sàng nộp thuế. Chúng tôi cho rằng với cách thiết kế như dự thảo có hơn 2 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân, làm mất đi trách nhiệm của hàng chục triệu công dân trong việc đóng góp vào ngân sách, đây là một vấn đề.

Từ 3 vấn đề nêu trên để đảm bảo sự công bằng, tuy công bằng ở đây chúng tôi cũng xin nói là tương đối thôi, bởi vì hệ thống thuế của chúng ta điều tiết nhiều tầng, ngay một sắc thuế cũng không phải chúng ta điều tiết một cách công bằng. Để có được nhiều người đóng góp vào ngân sách, chúng ta đang rất cần, tại hội trường khi phát biểu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chúng ta cũng nói rất nhiều. Nhiều đại biểu phát biểu là có rất nhiều công trình đang chờ đợi ngân sách của chúng ta. Người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cần có những công trình thuỷ lợi, cần có những đường đi. Ví dụ như Đắk Nông chúng tôi, người nghèo ở những vùng đấy, lấy gì để làm những công trình đó, bao nhiêu công trình đang chờ đợi. Rồi tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta thấy bức xúc như vậy, nhưng tiền đâu để chúng ta làm, chúng ta giải toả, chúng ta làm đường cao hơn, chúng ta làm cầu vượt. Ví dụ ở Hà Nội chúng ta phải có hàng nghìn cầu vượt thì mới đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, nhưng ngân sách chúng ta không có thì chúng ta cũng đành chịu. Đây là trách nhiệm của công dân chúng tôi nghĩ như vậy, cho nên thông qua nộp thuế thu nhập cho phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân, đơn giản hoá một số quy định có thể dẫn đến một số tiêu cực, tôi xin đề nghị như sau.

Thứ nhất, hạ mức giảm trừ gia cảnh xuống thấp hơn, đồng thời thiết kế biểu thuế với thuế suất hợp lý hơn để làm sao có nhiều người nộp thuế. Tuy phải nộp thuế thu nhập, nhưng người dân cũng không ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Cụ thể theo tôi nên giảm thấp mức giảm trừ cá nhân và gia cảnh xuống 2 triệu, chung cho cả hai loại, tức là cả về giảm trừ cá nhân và gia cảnh luôn, để cho nó đỡ phức tạp trong quá trình tính thuế cũng như thu thuế và thiết kế thuế suất thấp hơn. Tôi cũng nhất trí với đồng chí Đặng Như Lợi là có thể là 2-3%. Mức thấp nhất như thế này thì mọi người có thể đóng thuế được và cũng không ảnh hưởng gì tới gia cảnh. Bởi vì theo tính toán của chúng tôi nếu giảm như thế thì với một người có thu nhập 10 triệu đồng thì người ta chỉ phải đóng có 1,6% thu nhập, tức là 160.000 đồng/1 tháng và nếu như lượng này mà chúng ta có khoảng 2 triệu người đóng thuế thì một tháng chúng ta đã có 320 tỷ đồng. Như vậy, tiền này chúng ta đầu tư phát triển sẽ tốt hơn.

Thiết kế như vậy, người công dân thể hiện được trách nhiệm của mình, giúp kiểm soát được thu nhập tốt hơn. Thuế suất nhỏ, người dân sẽ tự giác nộp, nhất là trong bối cảnh dùng tiền mặt nhiều như nước ta hiện nay. Việc giảm trừ gia cảnh không phức tạp thì ít tiêu cực và tương đối công bằng hơn, nguồn thu sẽ tăng lên, nhờ có hàng chục triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên, chúng ta sẽ có nguồn thu lớn. Bởi vì, các cụ đã nói "tích tiểu thành đại". Chúng ta mỗi người góp một ít, thì chắc chắn chúng ta có ngân sách lớn, ngân sách lớn thì chúng ta đáp ứng được những mục chi của chúng ta.

Đối với thu nhập không thường xuyên tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo tính toán lại kỹ hơn thuế suất, để làm sao người dân tự giác nộp do mức thuế hợp lý, công bằng hơn, chứ có nhiều cái chúng ta đưa cao quá người dân không làm được. Riêng đối với thuế chuyển quyền sử dụng đất, tôi đề nghị gộp phí trước bạ hiện nay để xây dựng thành thuế trước bạ và đánh thuế trên giá của mảnh đất, như thế nó phù hợp hơn, đỡ phức tạp hơn và chúng ta có thể có nguồn thu tốt hơn. Tóm lại với cách thiết kế chính sách thuế thu nhập cá nhân như vậy, được giải thích trên cơ sở tính toán kỹ cho người dân chắc sẽ được người dân ủng hộ và dần dần thuế này sẽ tốt lên, khi đã tốt, kiểm soát được thu nhập tốt hơn chúng ta sửa đổi luật và có thể nâng mức điều tiết hiện nay. Xin hết

Các văn bản liên quan