Góp ý của ĐBQH Cao Sĩ Kiêm – Thái Bình

Thứ Hai 15:28 05-11-2007
Thưa Quốc hội.

Tôi xin phát biểu hai nội dung mà chủ tịch đoàn đã gợi ý. Một là những số mức cụ thể và khả năng thực thi cũng như là thời gian thực hiện của luật thuế này.

Tôi thấy có 3 chỉ tiêu cần phải xem xét lại, một là khấu trừ gia cảnh và mức thu nhập như thế này là thấp. Mức chuyển nhượng 25% với chuyển nhượng vốn là cao. Mức 25% với thu nhập chuyển nhượng bất động sản là chưa hợp lý. Lý do cần phải điều chỉnh 3 chỉ tiêu này, có 3 cơ sở.

Một, thấy được tính phức tạp và tác động rất nhiều chiều của các yếu tố này tác động đến nền kinh tế và đời sống của chúng ta. Cho nên trong các nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ, Quốc hội cũng đã có thể hiện những tư tưởng chỉ đạo rất rõ. Một là khi làm thuế thu nhập cá nhân trong Nghị quyết 10 của đại hội có nói: Rất chú ý đến tính công bằng và khai thác động lực. Trong cải cách thuế đến năm 2010 của thuế thu nhập cá nhân cũng nói phải rất chú ý đến tình hình thực tế của nước chúng ta trên cơ sở tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề thứ ba căn cứ nữa là ngay trong cuộc họp này, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng có một câu tôi cho là rất đúng"làm thuế này phải làm từng bước và điều chỉnh dần hoặc thực hiện để chúng ta sẽ có kinh nghiệm để điều chỉnh", đấy là một cơ sở.

Thứ hai căn cứ vào mức thu nhập, tình hình tiền lương của chúng ta đang cải cách và ý của chúng ta muốn tăng tốc độ GDP cao trong nhiều năm tới, cho nên phải chiếu cố đến mức lạm phát một cách hợp lý, đặc biệt trong những năm tới. Ngay trong năm nay khả năng lạm phát của chúng ta rất cao và sang năm chúng ta có giảm xuống thì cũng ở mức rất cao, cho nên nó chi phối đến thu nhập, đời sống.

Thứ ba, thực tế thực hiện của Nhà nước chúng ta  trong đổi mới, kể cả chúng ta thực hiện khoán trong nông nghiệp, thực hiện đổi mới 2 giá và ngay gần đây chúng ta làm thuế giá trị gia tăng đều theo một khuynh hướng làm từ thấp đến cao, từ dễ đến khó và điều chỉnh dần trong quá trình thực hiện, chúng ta làm như thế là thành công.

Tất cả những vấn đề liên hệ với nước ngoài theo tôi nên liên hệ có những tác động, có những yếu tố điều kiện như nhau, không nên lấy một nước trình độ cao tác động, nó có vấn đề khác chúng ta để chúng ta lấy một số so sánh, làm cơ sở để chúng ta ấn định số của chúng ta là không hợp lý, là khập khiễng. Vì vậy chúng tôi đề nghị mức khấu trừ gia cảnh là 5 triệu và người phụ thuộc là 2 triệu. Mức thuế thu nhập chuyển nhượng vốn từ 15 - 20% chuyển nhượng bất động sản, chúng tôi đề nghị tách phần người có nhiều bất động sản nhưng không kinh doanh bất động sản và người kinh doanh bất động sản để áp dụng mức 25 hoặc bao nhiêu cho hợp lý, để có sự phân biệt giữa nguồn và thu nhập của những người này.

Ý thứ hai, khả năng thực hiện thực thi luật này và thời gian thực hiện. Khả năng thực thi chúng tôi thấy rất rõ. Thứ nhất, chúng ta đã chuẩn bị luật này tương đối dài và thảo luận tương đối rộng, lấy được nhiều ý kiến của nhân dân. Thứ hai, chúng ta tổng hợp ý kiến, tôi thấy tương đối rộng rãi và chính xác. Giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiều chỗ tôi thấy có tình, có lý, vừa đảm bảo với đường lối của chúng ta, vừa sát với thực tiễn của chúng ta và nó đang tiến dần đến hội nhập kinh tế quốc tế. Cho nên khả năng thực thi là có và thời gian thực hiện 01/01/2009  và để đảm bảo quyết toán thanh toán thuế này 01/01/2010 là hợp lý. Nhưng chúng tôi rất lưu ý mấy vấn đề, quan trọng là điều kiện chuẩn bị cho luật này khi vào thực hiện, nó có 4 vấn đề phải chú ý.

Một là văn bản hướng dẫn dưới luật. Tuy chúng ta bảo phải cụ thể hoá luật ra để đỡ sự hướng dẫn, nhưng chắc chắn luật này không thể cụ thể hoá toàn bộ được và phải có hướng dẫn rất cụ thể của Chính phủ và của Bộ Tài chính.

Quan trọng thứ hai là kiểm soát mức độ thu nhập của người nộp thuế, đây là yếu tố quyết định của sự thành công hay là thực hiện tốt hay không tốt luật này. Vì cái khó nhất hiện nay là kiểm soát thu nhập của người có thu nhập chịu thuế. Các đại biểu trên có nói là một số khi áp vào thì nó giảm xuống rồi một thời gian nó tăng lên, nhưng tôi cho rằng quyết định vẫn là biện pháp kiểm soát thu nhập của người nộp thuế. Chúng ta làm tốt, chúng ta làm đúng, chúng ta làm minh bạch, công khai thì số nộp thuế sẽ tăng lên rất nhanh và số người cũng như số lượng nộp thuế cũng sẽ tận thu được  rất nhiều. Không cần chúng ta phải đánh cao hoặc làm cái gì quá sức, hoặc ngoài khả năng quản lý của chúng ta, như thế nó lại có tác dụng ngược lại chứ không phải nó có tác dụng, tác dụng chủ yếu vẫn là kiểm soát thu nhập của người đóng thuế.

Thứ ba là đào tạo cán bộ chuyên môn của ngành thuế cũng như chúng ta có những biện pháp hỗ trợ như thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển biến các nhận thức cho mọi người được đóng thuế, người ta tự giác, tự nguyện kê khai. Đó là những nội dung mà chúng tôi cho rằng rất quan trọng, nó quyết định việc làm nhanh hay chậm hoặc chúng ta đặt một thời hạn mà chúng ta không chuẩn bị kỹ thì chúng ta không thành công hoặc chúng ta làm tốt mà nó lùi ra một tý thì cũng rất tốt. Vì chúng ta kinh nghiệm rồi, thuế chịu giá gia tăng vừa rồi chúng ta làm rất đúng và chúng ta làm có lộ trình, nhưng mà chúng ta làm không đảm bảo những điều kiện cho nên khi luật thuế ra có mấy trăm văn bản hướng dẫn và có nhiều hậu quả. Rút kinh nghiệm vấn đề này chúng tôi thấy việc chuẩn bị là khâu quyết định và quan trọng nhất, đặc biệt là biện pháp để kiểm soát thu nhập của người chịu thuế. Tôi xin phát biểu một số ý như vậy, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan