Góp ý của ĐBQH Lê Văn Điệt – Vĩnh Long

Thứ Sáu 09:30 02-11-2007

 
Kính thưa Quốc hội,

Qua nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hóa chất, cơ bản tôi hoàn toàn đồng tình, sau đây chúng tôi xin phát biểu đóng góp một số ý kiến như sau :

Một, về vấn đề chung của Dự thảo Luật Hóa chất.

Thứ nhất, về tên gọi của luật, tôi hoàn toàn nhất trí dự thảo lấy tên là Luật Hóa chất.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, trong quy định phạm vi điều chỉnh là luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hoá chất; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hoá chất tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng tôi đề nghị nên viết gọn lại như sau: Luật này quy định về hoạt động hoá chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hoá chất, quản lý Nhà nước về hoạt động hoá chất. Quy định như vậy phù hợp với giải thích tại Điều 4 của luật.

Thứ ba, về một số nội dung, đặc biệt chú ý trong quản lý an toàn hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc và hoá chất đặc biệt nguy hiểm sử dụng trong sản xuất là sản phẩm hàng hoá tiêu dùng cần có quy định chặt chẽ hơn. Vì tại Chương IV nói chung có quy định nhưng chúng tôi thấy cần phải gia công thêm, bởi vì hiện nay đối với những loại hoá chất sử dụng vào các loại nước chấm, thực phẩm rất lộn xộn và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà báo chí thời gian qua đã nêu. Tôi đề nghị nên gia công thêm chương này, quy định chặt chẽ về hoá chất sử dụng trong các mặt hàng tiêu dùng.

Thứ hai về những vấn đề cụ thể:

chúng tôi đề nghị tại Điều 8 và Điều 9 nên nhập lại thành một điều. Vì Điều 8 quy định công nghiệp hoá chất, Điều 9 nêu là xây dựng và quy hoạch công nghiệp hoá chất vì trong quy hoạch có mang cả hàm ý nội dung xây dựng của quy hoạch, do đó tôi đề nghị hai điều này nhập chung lại.

Điều 27, phân loại ghi nhãn hàng hoá, xin bổ sung thêm một khoản là Khoản 6, vì điều này có 5 khoản. Đề nghị bổ sung thêm Khoản 6 là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hoá chất có nghĩa vụ thể hiện hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt trên nhãn, bao bì hoặc đính kèm hướng dẫn sử dụng theo sản phẩm để phù hợp với Điều 35 quy định về trách nhiệm của người sử dụng hoá chất phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. Do đó cần có quy định trách nhiệm của nhà sản xuất phải thể hiện hướng dẫn sử dụng theo sản phẩm hoá chất.

Điều 63, trách nhiệm quản lý Nhà nước, tại Khoản 2 điểm a quy định Bộ Công thương có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hoá chất. Nhưng Khoản 4 quy định Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hoá chất. Như vậy sẽ gây sự chồng chéo và trùng lặp trong việc trong chức năng quản lý Nhà nước. Nên để xác định một đầu mối quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về hoá chất cho một cơ quan cụ thể nào đó, không nên quy định như hiện nay là 2 Bộ.

Cuối cùng, Điều 69: tổ chức thực hiện. Điều 69 quy định Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Điều 14, 15, 19, 22, 28, 39, 44, 56 và những nội dung cần thiết theo yêu cầu của quản lý. Tôi không biết lý do vì sao Luật Hoá chất Chính phủ không kèm Nghị định hướng dẫn. Bởi vì vấn đề này được Quốc hội Khoá XI đã đóng góp và cử tri cả nước cũng kiến nghị. Bây giờ nếu chúng ta trình một dự án luật thì kèm theo phải có Nghị định hướng dẫn để từ đó cho Quốc hội xem xét. Khi luật có hiệu lực, đã thông qua thì có Nghị định hướng dẫn đi vào cuộc sống để tránh tình trạng thời gian qua khi luật Quốc hội thông qua phải chờ Nghị định hướng dẫn, nhiều khi hàng năm chưa có Nghị định hướng dẫn do đó luật chưa đi vào cuộc sống. Vấn đề này cũng thể hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xin hết.

Các văn bản liên quan