Góp ý của ĐBQH Điểu Điều- Bình Phước

Thứ Sáu 09:35 02-11-2007

Kính thưa chủ toạ phiên họp,

Kính thưa Quốc hội, 

Tôi xin tham gia phát biểu một số ý kiến vào dự án Luật hoạt động hoá chất. Trước hết tôi xin bày tỏ tán thành với nhiều nội dung mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình tiếp thu. Tôi xin tham gia đóng góp một số nội dung cụ thể như sau.

Trước hết về phạm vi điều chỉnh ở Điều 1, tôi đề  nghị bổ sung thêm cụm từ "vận chuyển" sau "kinh doanh" cho phù hợp với Điều 20 của dự thảo luật. Vì đối với hoạt động hoá chất, đặc biệt đối với hoạt động vận chuyển hoá chất nguy hiểm quy định tại điểm đ cho đến điểm n tại Khoản 4, Điều 4 cần phải có những quy định hết sức chặt chẽ. Đặc biệt đối với những phương tiện không đảm bảo chất lượng hay những phương tiện đi vào khu vực đông dân cư hay vào những giờ cao điểm, khi xảy ra sự cố thì hậu quả không lường được, cho nên phải bổ sung thêm cụm từ "vận chuyển" trong phạm vi điều chỉnh của dự án luật này.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hoá chất ở Điều 7, tôi cũng đề nghị bổ sung thêm một số cụm từ. Một là ở Khoản 1, đề nghị bổ sung thêm cụm từ "vận chuyển" sau "kinh doanh" cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Điều 1.

Hai là đề nghị bổ sung và thiết kế lại thêm thành 2 khoản, thứ nhất là quy định về những hành vi bị nghiêm cấm đó là cấm, những phương tiện vận chuyển không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật và không có những thiết bị để xử lý khi gặp sự cố. Đặc biệt là vận chuyển đối với những hoá chất nguy hiểm quy định tại điểm đ cho đến điểm n tại Khoản 4, Điều 4 của dự thảo luật. 

Ba là cấm những phương tiện vận chuyển hoá chất nguy hiểm theo quy định tại điểm đ đến điểm n tại Khoản 4, Điều 4 lưu thông vào khu vực đông dân cư, vào giờ cao điểm. Chúng ta phải có những quy định thật chặc chẽ.

Điều 10, yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, tôi cũng đề nghị quy định thêm mấy vấn đề. Một là dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn đặc biệt là trách nhiệm của chủ đầu tư sản xuất kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm định đánh giá chất lượng công nghệ để đưa vào sản xuất kinh doanh. Do vậy, Khoản 2 phải bổ sung quy định chặt chẽ hơn đó là: trách nhiệm của chủ đầu tư, sản xuất kinh doanh hoá chất nhất là đối với hoá chất nguy hiểm và đối với công nghệ để đưa vào sản xuất kinh doanh, ngoài đảm bảo những tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật, công nghệ đó phải có chất lượng mang tính lâu dài không sớm đưa vào sử dụng cái này lạc hậu thì nó ảnh hưởng đến môi trường rất lớn. Đây cũng là những vấn đề đã từng xảy ra, chủ đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh, vì lý do khó khăn về nguồn vốn cho nên khi nhập những công nghệ để đưa vào sản xuất sau một thời gian bị lạc hậu và cái này họ sãn sàng bị xử phạt chứ không thay đổi công nghệ.

Vấn đề nữa là cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm định đánh giá chất lượng công nghệ để đưa vào sản xuất kinh doanh, vì nếu cơ quan này thiếu trách nhiệm thì họ cùng với chủ đầu tư sản xuất kinh doanh những thông tin họ đưa ra chúng ta không đánh giá được chất lượng thông tin đó như thế nào, đối với hàng hoá công nghệ của họ đưa vào sản xuất kinh doanh có chất lượng như thế nào?

Thứ tư là về Điều 20 về vận chuyển hoá chất nguy hiểm thì dự thảo luật quy định cũng chưa chặt chẽ, tôi đề nghị bổ sung những vấn đề:

Một là: Khoản 1 cần quy định chặt chẽ hơn, trước hết là phải tuân thủ những quy định điều cấm tại Điều 7 của dự thảo luật, sau đó mới tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm. Ở đây có thể theo quy định Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thuỷ nội địa, hàng không, trong vấn đề hàng nguy hiểm cũng đã có quy định và sau đó đến các quy định khác của pháp luật.

Dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của người điều khiển phương tiện hóa chất nguy hiểm khi xảy ra sự cố, trước hết phải báo ngay cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ứng cứu, hoặc báo cho người, phương tiện tham gia giao thông khác để xin ứng cứu. Luật cũng cần quy định những phương tiện vận chuyển hoá chất nguy hiểm phải có những ký hiệu riêng hoặc những biển hiệu để khi xảy ra sự cố, đặc biệt là trong trường hợp người điều khiển phương tiện bị nạn, như thế thì không có người báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được, nên phải dựa vào đặc điểm riêng của phương tiện đó, người tham gia giao thông và các phương tịên khác họ nhìn vào họ mới có điều kiện để họ báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để họ xử lý.

Dự thảo Luật cũng chưa có quy định trong trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hoá chất bị nạn thì trách nhiệm của người, phương tiện tham gia giao thông xử lý như thế nào, việc này dự thảo luật cũng chưa có quy định. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem lại vấn đề này cho phù hợp như trong Luật giao thông đường bộ, trong trường hợp người điều khiển phương tiện bị nạn thì người tham gia giao thông, các phương tiện tham gia giao thông khi phát hiện, cũng phải báo ngay cho cơ quan Nhà nước để xử lý vấn đề đó.

Điều 22 về khoảng cách an toàn giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất nguy hiểm với khu vực dân cư. Trước hết tên tiêu đề, tôi đề nghị bổ sung thêm những cụm từ là "khu bảo tồn thiên nhiên, nguồn nước sinh hoạt", cả khu vực trồng trọt, chăn nuôi vào trong tên của tiêu đề. Trong Khoản 1 có đề cập những nội dung khác nhưng trong tên của tiêu đề chỉ đề cập giữa cơ sở sản xuất kinh doanh hoá chất nguy hiểm với khu vực dân cư, như vậy cũng chưa phù hợp. Tôi đề nghị bổ sung khu vực trồng trọt chăn nuôi vào Khoản 1, với lý do là nếu nguồn nước mà bị ô nhiễm, thì người trồng trọt họ dùng nguồn nước đó tưới tiêu hoặc trồng rau thì cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của rau đó. Hay họ chăn nuôi ở khu vực đó thì gia súc, gia cầm của họ khi uống nguồn nước đó cũng ảnh hưởng, nên không chỉ gần khu vực dân cư, mà ngay cả cả khu vực trồng trọt chăn nuôi thì cũng cần có những quy định đối với cơ sở đó, cũng cần có khoảng cách nhất định.

Điều 43 trong trách nhiệm phối hợp, phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất thì thấy quy định trong dự luật chưa chặt chẽ, trên cơ sở quy định của Điều 20 thì phải quy định rõ hơn, trước tiên phải quy định của người vận chuyển hóa chất. Ở đây quy định chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, hay chủ phương tiện, chủ hàng cũng không chặt chẽ. Ví dụ chủ phương tiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, chủ hàng ở Hà Nội, nhưng xảy ra ở khu vực miền trung, thì trong một lúc giữa chủ phương tiện với chủ hàng hóa không thể xử lý được, mà trách nhiệm hàng đầu phải là người điều khiển phương tiện. Hai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở gần khu vực đó nhất phải xử lý vấn đề đó, cả những người tham gia giao thông và các phương tiện khác nữa có điều kiện cũng phải ứng cứu ngay, đó là vấn đề phải xử lý hàng đầu.

Thứ hai, dự thảo luật cũng chưa quy định là người vận chuyển hàng hóa nguy hiểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ, khi xảy ra sự cố bị nạn thì họ được xét như thế nào, có được xét công nhận là thương binh hay liệt sĩ không, phải đưa vào dự thảo luật. Hay người tham gia cứu hộ những trường hợp xảy ra sự cố nguy hiểm thì cũng phải xem xét cho những đối tượng đó. Xin hết

Các văn bản liên quan