Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thanh Hải – Hòa Bình đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 15:00 18-12-2012

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Thưa Quốc hội.

Luật khoa học, công nghệ đã được ban hành cách đây 12 năm, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập trong thực tế, do có quá nhiều các quy định không phù hợp và nhiều điều khoản còn chung chung, thực hiện hiệu lực thi hành còn thấp thì rất nhiều đại biểu trước tôi đã phân tích như vậy. Do vậy, có thể nói việc sửa đổi luật hết sức cần thiết nếu không nói là quá chậm và đang được đông đảo các nhà khoa học, công nghệ mong chờ và hy vọng khi luật ra đời sẽ là động lực giúp cho khoa học, công nghệ nước ta có một bước phát triển đột phá.

Sau khi nghiên cứu nội dung của dự thảo luật sửa đổi, phải nói là không thể phủ nhận nội dung của dự thảo luật đã thể hiện rõ ước vọng tháo gỡ những vướng mắc, tắc nghẽn trong cơ chế tài chính, trong quản lý khoa học hay các chính sách đãi ngộ. Tuy nhiên đó chỉ là mong muốn của Ban soạn thảo nhưng lại không được thể hiện một cách rõ ràng chi tiết cụ thể trong các điều, khoản, nội dung của dự thảo luật. Chưa đáp ứng được mong chờ của các nhà khoa học và chưa thực sự tạo ra động lực cho khoa học phát triển trong thời gian tới. Chẳng hạn như vấn đề tài chính, tín dụng được quy định từ Điều 54 đến Điều 59 trong dự thảo luật hiện nay vẫn là khúc mắc lớn nhất trong dự thảo và được xây dựng hiện nay trong dự thảo luật vẫn còn rất chung chung. Tôi lấy ví dụ tại Khoản 5, Điều 53 ghi rõ: các nhiệm vụ của khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo cơ chế khoán chi và được cấp kinh phí chủ yếu thông qua các quỹ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Nhưng khoán chi như thế nào mới là điều các nhà khoa học, những nhà quản lý khoa học quan tâm thì lại không hề được thể hiện hay quy định gì trong luật, thậm chí không được giao cho Chính phủ quy định mà chỉ thấy đề cập tới việc điều kiện để áp dụng khoán chi.

Vấn đề tiếp theo liên quan đến quan điểm xây dựng luật cũng như những chính sách của nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ với phát triển kinh tế, xã hội. Gần đây thực tế cho thấy có rất nhiều các nền kinh tế phát triển dựa trên năng suất tổng hợp và quan trọng là việc vận dụng khoa học, công nghệ để tái cấu trúc hướng đến một nền kinh tế tri thức. Ở đó chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới đóng vai trò thiết yếu hết sức quan trọng. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ khiến khoa học ngày càng mang dáng dấp của một nền kinh tế. Ngành kinh tế này cần tập hợp các yếu tố cần thiết để hình thành một công xưởng khoa học, tạo ra hàng loạt các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng sản xuất và kinh doanh. Vậy theo hướng phát triển này thì nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học, công nghệ trên thế giới đang có xu hướng kết hợp chặt chẽ và thời gian chuyển giao từ nghiên cứu khoa học cơ bản đến sản xuất ngày càng phải được rút ngắn. Cùng với việc đưa nghiên cứu cơ bản xích lại gần với nghiên cứu ứng dụng để đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội thì một xu hướng mới đang nổi lên đó là cơ bản hóa các ngành khoa học ứng dụng cũng đang được nhiều quốc gia quan tâm vì nó sẽ nhanh chóng tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của sản xuất kinh doanh và nhu cầu của xã hội từ các nghiên cứu cơ bản ban đầu. Xu hướng mới này tôi đã nghiên cứu trong luật rất kỹ vì hoàn toàn không thấy được thể hiện ở bất kỳ điều khoản nào trong luật. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo quan tâm bổ sung thêm vào Điều 5 về chính sách nhà nước đối với việc phát triển khoa học công nghệ theo xu hướng mới liên kết giữa các ngành khoa học với nhau.

Tại Điều 5 Khoản 3 có nêu phát triển đồng bộ khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn với nhiệm vụ phát triển, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề hình thành nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên chính sách là như vậy nhưng không có một điều nào trong Luật quy định chi tiết phải làm như thế nào và cụ thể như thế nào.

Việc gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất đang trở thành xu hướng hội tụ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đi theo hướng này cùng với sự nổi lên của nghiên cứu ứng dụng, vai trò của nghiên cứu cơ bản ngày càng trở nên quan trọng, quan trọng ở đây không phải bởi tính hàn lâm của nghiên cứu cơ bản mà các nghiên cứu cơ bản hoàn toàn có thể gắn với sản xuất và mang lại ý nghĩa thực tiễn cao. Từ tăng cường liên kết giữa các ngành khoa học xuất hiện các nhóm nghiên cứu đa ngành. Trước đây chỉ thường xuất hiện các nhóm nghiên cứu đa ngành trong khối khoa học kỹ thuật hay khoa học tự nhiên như nhóm hóa lý, hóa sinh, y lý v.v... nhưng nay các nhóm nghiên cứu đa ngành đã mở rộng kết hợp giữa khoa học tự nhiên với khoa học công nghệ để cùng giải quyết những vấn đề của sản xuất và làm nổi bật mối quan hệ liên kết của các quan hệ giữa khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và khoa học xã hội.

Theo tôi có lẽ đây vừa là định hướng, vừa là điều kiện đảm bảo gắn kết bền vững giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất. Tuy nhiên, tôi tham khảo kỹ trong luật không thấy các mô hình tổ chức khoa học liên ngành giữa các nhóm nghiên cứu đa ngành còn chưa được đề cập một chút nào trong luật. Tôi đề nghị Ban soạn thảo quan tâm bổ sung xây dựng các quy định cơ chế cho mô hình này hoạt động. Bởi vì đây là một xu hướng trên thế giới đang được quan tâm.

Vấn đề cuối cùng, liên quan đến cơ chế tài chính thì cá nhân tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực khoa học một thời gian và hiện nay vẫn đang tham gia thì thấy rằng vấn đề quan trọng không phải là 2% hay 3% ngân sách dành cho ngành khoa học để có thể tăng chất lượng nghiên cứu khoa học ngay lập tức mà quan trọng tôi nghĩ ở đây là cách thức giám sát và việc phân bổ các kinh phí ngân sách này như thế nào, phân bổ đúng địa chỉ, đúng nơi, đúng chỗ và việc quản lý, sử dụng hiệu quả các đồng ngân sách như thế này thì nó sẽ tạo ra những động lực thúc đẩy các nhà khoa học phát triển, tránh đầu tư dàn trải với mọi ngành khoa học, cũng như không có mũi nhọn và có thể nói tổng hợp cả luật thì cũng chưa nhận thấy bước đột phá của luật kỳ này là gì, những mũi nhọn trong hoạt động khoa học, công nghệ trong thời gian tới là gì. Tất cả những góp ý của tôi như vậy, kính mong Ban soạn thảo quan tâm, bởi vì đây là luật góp ý lần đầu, nên tôi chỉ góp ý một cách chung và mang tính chất cơ bản như vậy, còn chưa đi sâu vào từng điều, khoản luật cụ thể. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan