Góp ý của ĐBQH Hồ Quốc Dũng – Bình Định

Thứ Hai 14:19 05-11-2007
Kính thưa Quốc hội.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Qua nghiên cứu dự án luật cũng như Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tôi cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, đây là dự án luật hết sức cơ bản với đối tượng điều chỉnh rất rộng, liên quan đến việc điều tiết thu nhập là lợi ích thiết thân nhất của con người, nên tôi thấy còn một số vấn đề băn khoăn và xin báo cáo Quốc hội để xem xét.

Vấn đề thứ nhất là động viên thu nhập cá nhân vào ngân sách Nhà nước thì thực ra không phải là vấn đề mới. Bởi vì trên thực tế thì nó đã đang được thực hiện bởi 3 luật và pháp lệnh, đó là: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất cũng như Pháp lệnh thu nhập đối với người có thu nhập cao. Tuy nhiên, kể từ khi dự án luật đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân thì dự án luật này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. Điều mà nhân dân quan tâm nhất chính là đất nước ta vừa ra khỏi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, khả năng quản lý, kiểm soát thu nhập của các cơ quan quản lý còn hết sức hạn chế. Việc thanh toán bằng tiền mặt còn khá phổ biến. Các giải pháp kiểm soát thu nhập dự kiến triển khai sắp tới thì còn nhiều bất cập. Thực tiễn đang đặt ra trước mắt chúng ta thời gian qua là còn rất nhiều người giàu lên, nhưng chúng ta không biết họ thu nhập từ đâu, bằng cách nào, con đường nào và thực tế là họ có đóng góp thuế cho Nhà nước hay không, mặc dù chúng ta đã có Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Pháp lệnh này quy định thu nhập chỉ có 5 triệu đồng trở lên là phải đóng thuế rồi. Nhưng thực tế trong thời gian qua chúng ta vẫn chưa thu được bao nhiêu. Do đó theo tôi nghĩ vấn đề này không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai được. Mặt khác, phải nói rằng những người có thu nhập cao biết cách kiếm tiền thì tất nhiên họ cũng rất thông minh biết cách thoát luật để trốn thuế.

Với những nội dung của dự thảo luật thì tôi cho rằng khi áp dụng sẽ không công bằng cho mọi người, tính khả thi sẽ không cao. Lẽ ra trước khi ban hành dự án luật này, chúng ta cần phải tổng kết quá trình thực hiện Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao để xem thử kết quả thực hiện những vấn đề bất cập như thế nào để chúng ta có hướng khắc phục trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai, xung quanh vấn đề giảm trừ gia cảnh, qua ý kiến thảo luận cũng như ý kiến đóng góp của nhân dân thì còn rất nhiều ý kiến khác nhau, không phải nhiều ý  kiến mà rất nhiều. Xung quanh vấn đề này có người đề nghị 4 triệu, có người 3 triệu, có người 5 triệu, 6 triệu, có người đề nghị lấy mức lương tối thiểu. Riêng tôi, tôi nghĩ là mức bao nhiêu là căn cứ vào cơ sở ở đây là cơ sở khoa học nào để chúng ta đưa ra con số là 4 triệu, không phải là 3 triệu cũng không phải 5 triệu mà cũng không phải là 6 triệu, chẳng lẽ chúng ta cứ nhâm nhẩm rồi chúng ta đưa vào đạo luật. Cho nên tôi đề nghị là phải nói rõ mức 4 triệu chúng ta đưa ra giảm trừ là căn cứ vào cơ sở nào để chúng ta thuyết phục khi Quốc hội ban hành luật này.

Về quy định giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc tôi thấy nhiều bất cập, chẳng hạn như bây giờ xác định thu nhập của bố mẹ được xác định như thế nào. Tôi lấy một ví dụ chẳng hạn bây giờ mẹ tôi có một cái nhà trị giá hàng tỷ đồng, có hai lô đất, có 100 triệu tiền gửi tiết kiệm, mỗi tháng được lĩnh 800.000 đồng theo tiền lãi tiết kiệm. Bây giờ xác định thu nhập của mẹ tôi là ở chỗ nào? là 800.000 đồng gửi tiết kiệm hay là 100 triệu gửi ngân hàng hay kể cả 2 lô đất và nhà nữa. Nếu theo quy định của luật thì chỉ có 800.000 tiền lãi gửi tiết kiệm thì mới gọi là thu nhập vì là thu nhập thường xuyên, còn cả nhà, cả đất, cả 100 triệu đó không phải là thu nhập. Như vậy xảy ra một nghịch lý là mẹ có tài sản để lại cho con nhưng con lại được trừ tiền để nuôi mẹ, tôi thấy việc này bất hợp lý và thực tế nếu theo dự án luật này thì chúng ta sẽ theo hướng đó.

Vấn đề thứ ba, xung quanh vấn đề xác nhận để giảm trừ gia cảnh, đến giờ tôi vẫn chưa hiểu vấn đề này được thực hiện như thế nào. Tôi đề nghị dự thảo luật phải quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận gia cảnh và có trách nhiệm trong việc xác nhận gia cảnh như thế nào để tránh việc lách luật, trốn thuế. Tôi lấy ví dụ chẳng hạn như bây giờ gia đình tôi có 3 anh chị em, tôi đang sống ở Bình Định, 2 em tôi đang sống ở Sài Gòn, cả 3 người đều xin xác nhận gia cảnh có cha, mẹ già yếu đang sống ở quê. Sau khi xác nhận, phần tôi tôi nộp ở Chi cục thuế của Bình Định, 2 em tôi nộp ở Sài Gòn, cả 3 đều được giảm trừ gia cảnh. Tức là 3 người đều được nuôi mẹ, nuôi cha. Nếu đúng luật cho phép như thế này rõ ràng cha, mẹ ăn không hết, tại vì cả 3 người đều nuôi cha, mẹ. Anh cũng được trừ, em cũng được trừ, tính ra hàng chục triệu thì làm sao ăn cho hết. Nhưng nếu không đúng thì cách nào chúng ta quản lý được? Bởi vì mỗi người sống mỗi nơi. Còn xã, xin thưa các đồng chí, đưa là xã xác nhận, vì thực tế cha, mẹ đang ở quê thì xã xác nhận, làm sao có việc xã người ta xác nhận được. Vậy cách chúng ta quản lý như thế nào để đảm bảo sự công bằng.

Vấn đề thứ tư, đề nghị bổ sung vào dự án luật quy định về vấn đề khen thưởng và kỷ luật. Trong dự thảo tôi thấy chưa có vấn đề này. Bởi vì người ta đã kiếm tiền, người ta nộp thuế thu nhập thì mình phải khen thưởng người ta, đóng nhiều thì mình khen thưởng, còn anh trốn thuế, anh lách luật thì phải xử phạt. Ít nhất cũng phải có một điều để sau đó Chính phủ còn thể chế hoá.
Về những vấn đề cụ thể, qua thảo luận ở tổ các đại biểu đã tham gia rồi, cho nên để dành thời gian cho các đại biểu khác.

Nhưng có một vấn đề tôi thấy chưa đưa trong luật, đó là Điều 3 thu nhập chịu thuế. Hiện nay thực tế có việc không phải người ta chia lợi tức cổ phiếu, cổ phần mà hiện nay người ta đang thực hiện việc thưởng cổ phiếu. Vấn đề này nếu không tính thuế thì vô lý quá. Ví dụ, bây giờ 1 cổ phiếu hiện hữu người ta thưởng 2 cổ phiếu, ở Bình Định bây giờ người ta thưởng kiểu đó. 1 cổ phiếu thưởng trị giá hàng trăm triệu đồng. Nếu mà chứng khoán nó cao như BMC thì bây giờ thưởng một cổ phiếu là giá hàng chục triệu mà người ta thưởng hàng ngàn cổ phiếu như vậy. Đây không phải là lợi tức, không phải là lãi, người ta không chia lãi nếu mà người ta chia lãi 40%, 50% thì chúng ta tính thuế. Nhưng người ta thưởng cổ phiếu luôn, từ 1000 cổ phiếu người ta thưởng 3000 cổ phiếu thì việc này tính thuế như thế nào? Vấn đề này tôi thấy trong quá trình thảo luận chưa đặt ra, còn những vấn đề khác đã đặt ra tôi không có tham gia ý kiến mất thời gian của người khác. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan