Góp ý của ĐBQH Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Hai 14:22 05-11-2007

Kính thưa Quốc hội.

Về thời gian có hạn, tôi xin phép không bàn tới sự cần thiết của việc ban hành luật thuế thu nhập cá nhân mà chỉ xin được đóng góp vào một số điều, khoản cụ thể. Góp phần cùng Quốc hội hoàn chỉnh dự án luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tế khi luật được ban hành theo hướng là Luật Thuế thu nhập cá nhân là biểu hiện cụ thể về sự thể chế hoá đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta về lĩnh vực tài chính nói chung, lĩnh vực thuế nói riêng. Đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhằm tăng cường kiểm soát phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, góp phần làm giảm bớt chênh lệch giàu nghèo trong xã hội vốn đang có xu hướng giãn rộng ra như các đồng chí đã biết. Qua đó tạo dựng một xã hội công bằng hơn và phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đây chính là mục tiêu tối tượng của Đảng và Nhà nước ta khi ban hành luật này.

Với tinh thần đó, về những vấn đề cụ thể tôi xin thống nhất với một vài điểm của hai đại biểu vừa phát triển trước.

Thứ nhất, về tên điều ở Điều 3, tôi đề nghị xin sửa lại là: "đối tượng chịu thuế phải bằng thu nhập chịu thuế". Như thế nó phù hợp hơn, phù hợp luôn cả với Điều 4, Điều 5.

Ở Điều 3: Thu nhập chịu thuế. Điều 4: Không chịu thuế. Điều 5: Thu nhập miễn thuế. Tôi xin có ý kiến như sau:

Việc quy định thời gian làm thêm giờ, phụ cấp làm việc ban đêm của cán bộ, của người lao động phải được xác định là khoản thu nhập được miễn thuế. Đây chính là vấn đề để động viên người lao động, người nghèo cần có thu nhập thêm, người ta bằng sức lao động của mình làm thêm, làm đêm thêm giờ. Tôi đề nghị vấn đề này phải xác định được miễn thuế. Tôi tán thành quy định việc thu thuế thu nhập cá nhân đối với lợi tức cổ phẩn, nhưng việc thu nhập từ cổ tức của người lao động là cổ đông mua cổ phần ưu đãi trong doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa được miễn thuế theo chúng tôi phải cân nhắc lại cho thật kỹ. Có lẽ phải tính thuế vấn đề này thì công bằng hơn, nhằm chống sự lợi dụng của quy định này. Bởi lẽ trên thực tế có được bao nhiêu người lao động, tôi xin nhấn mạnh là người lao động thực tế, mua được cổ phần ưu đãi, hay chỉ là mua hộ, mua từ tiền của người khác. Người lao động trắng tay vẫn hoàn trắng tay, người mua được cả mấy chục ngàn đôla dù là cổ phiếu ưu đãi thì đây không phải là đối tượng nghèo, không phải là đối tượng phải được quan tâm miễn, giảm. Vấn đề này theo tôi phải đưa vào điều chỉnh để chịu thuế thu nhập cá nhân.

Vấn đề tiếp theo, về thu nhập chịu thuế từ quà tặng ở Điều 19. Tôi đề nghị tách vấn đề này ra, thu nhập chịu thuế từ thừa kế tách ra một khoản riêng và thu nhập từ quà tặng tách ra một khoản riêng để chống lợi dụng quy định này. Giống như trong pháp luật hình sự chúng ta quy định tội đưa hối lộ khác với tội nhận hối lộ, 500.000 đồng và mức 5 triệu phải khác nhau. Không thể thừa kế và quà tặng cũng 10 triệu cũng được tính tinh thần phát sinh như vậy thì được miễn thuế. Cho nên phải tính mức thấp hơn, có thể từ 5 triệu đồng hoặc ít hơn nữa thì được điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân. Đây chính là biện pháp để Nhà nước chúng ta điều tiết thu nhập và cũng nhằm ngăn ngừa tham nhũng.

Về vấn đề miễn trừ gia cảnh, tôi cũng thống nhất như vài ý kiến nói trước. Tức là mức giảm trừ đối với cá nhân cũng rất băn khoăn, nhân dân chúng ta có ý kiến vấn đề này rất nhiều. Nên là  3, 4, hay 5 triệu. Theo tôi, phần lớn thu thập được trong nhân dân cũng như là ở các nguồn thông tin đại chúng, người ta tổng hợp lại thì phần lớn đề nghị  5 triệu là mức trích giảm trừ gia cảnh đối với mỗi cá nhân và người phụ thuộc là nên 2 triệu. Tôi nghĩ, theo quy định này thì số phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở trong hội trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này nói lên rất nhiều, trong đó theo lý do mà tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ. Nhưng có một điều rất đáng quan tâm, chúng ta tính thế này thì tính đóng vào ai. Vấn đề này nói nên vấn đề mà mấy ngày hôm nay tại hội trường này các đại biểu của chúng ta vẫn nói, đó là: thu nhập từ tiền lương thực tế của cán bộ công chức chúng ta là quá thấp. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP hàng năm  được tăng lên nhiều lần. Bình quân đầu  người là cao, nhưng thu nhập thực tế là quá thấp.

Còn một vấn đề nữa, tôi xin đặt ra, không biết nước ngoài theo Phụ lục báo cáo của Thường vụ Quốc hội đưa ra thì người ta tính như thế nào? hay người ta chưa kịp sửa Luật thuế thu nhập cá nhân. Làm sao mức như thế người ta sống nổi, mà các nước này là các nước phát triển, hay do chỉ số tăng GDP quá cao mà mức thu nhập người ta tính từng người được miễn trừ gia cảnh người ta đủ sống, giá cả của người ta thấp. Tôi thấy vô lý ở chỗ người ta thua Việt Nam, Việt Nam gấp 268 lần, rồi sáu trăm tám mấy lần của số nước như các đồng chí cung cấp, tôi thấy vấn đề này có phải như thế không? hay vì GDP của ta quá thấp nên tỷ lệ cao như thế, các chuyên gia kinh tế nên phân tích làm rõ vấn đề này để Quốc hội có cơ sở biểu quyết cho đúng.

Về người phụ thuộc tôi đề nghị chúng ta trong dự thảo luật này giao cho Chính phủ quy định là đồng ý, nên phải dở Nghị định của Chính phủ gửi kèm theo đây, chúng tôi thấy thiếu mấy đối tượng theo truyền thồng gia đình việt Nam chúng ta cần phải điều chỉnh và ghi cụ thể vào. Ví dụ như vừa rồi đề nghị Điều 9 của Nghị định dự thảo Nghị định Chính phủ, con chưa thành niên đi học chưa có thu nhập v.v... thì được miễn trừ, là người phụ thuộc. Đề nghị bổ sung "con đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm cũng được miễn trừ gia cảnh là đối tượng người phụ thuộc". Chưa có việc làm thực tế, sinh viên ra trường trên đất nước này chưa có việc làm bố mẹ tiếp tục nuôi dưỡng. Đối tượng tiếp theo  đề nghị quy định luôn, chúng ta liệt kê cũng trong Điều 9 dự thảo Nghị định là ông bà, cô dì, chú bác, cháu nhưng mà thiếu, nếu theo thuật ngữ địa phương ở miền Nam có cậu nữa. Tôi đề nghị ghi cậu cho đủ, miền Nam em của mẹ người ta không gọi là chú, bác mà gọi là cậu, cho nên đề nghị chúng ta ghi như thế cho đầy đủ. Kể cả anh chị em của người nộp thuế nữa, nếu có thời gian tôi xin chứng minh, chính như gia đình tôi cũng đang nuôi một người em và nuôi một đứa cháu do bị tàn tật, bây giờ phải được miễn. Anh chị em ruột nuôi nhau điều đó trong gia đình Việt Nam là có, đề nghị chúng ta đưa luôn vào để được miễn trừ cho thực tế hơn.

Vấn đề thi hành luật tôi thấy nhiều vấn đề các đại biểu nói, bây giờ có vấn đề luật quản lý thuế ra rồi, tính khả thi của luật thì cũng phải tính đến việc quản lý thu nhập cá nhân như thế nào cho  đảm bảo đúng mục đích. Chính phủ đang có chủ trương không dùng tiền mặt, đây là một biện pháp hỗ trợ cho việc quản lý thu thuế, nhưng mà có một vấn đề tôi nghĩ cũng liên quan đến vấn đề này, đó là việc Ngân hàng Nhà nước nên thống nhất một tổ chức để liên kết các thẻ ATM của các ngân hàng. Nếu không bây giờ trong túi 1 người là có nhiều thẻ như thế cũng sẽ khó cho sự quản lý của Nhà nước về việc quản lý thu nhập. Cho nên thẻ của Ngân hàng Đông Á thì không thể rút ở Ngân hàng Vietcombank được, hay ở Ngân hàng nông nghiệp được và như thế là không có sự liên kết và sẽ rất khó quản lý đảm bảo cho việc quản lý thu nhập.

Việc xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý, hiện đại hoá ngành thuế như thế nào?

Cuối cùng, theo tôi là tính khả thi của luật như các đồng chí có nói rằng, trước mắt khi thực hiện luật này sẽ giảm mức động viên vào ngân sách Nhà nước, thời gian đầu số lượng người nộp thuế sẽ giảm, sau này sẽ tăng dần lên. Theo dự báo như thế có đúng không? Đề nghị các đồng chí phải làm rõ và có chúng ta phải có căn cứ cụ thể, chứ nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng như thuế VAT, lại có nhiều sơ hở dẫn đến thất thu thuế.

Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan