Góp ý của ĐBQH Nguyễn Nhật – Hà Tĩnh

Thứ Hai 15:25 05-11-2007

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi bày tỏ sự nhất trí với Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân. Việc chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng thì việc ban hành chính sách thuế thu nhập cá nhân như 180 nước trên thế giới là phù hợp. Việc ban hành thuế thu nhập cá nhân để thay thế các loại thuế khác nhau thu thuế vào thu nhập cá nhân như hiện nay là rất cần thiết. Qua nghiên cứu các điều của Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân tôi thấy lần này Ban Soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều nội dung so với dự thảo lần trước trình Quốc hội khóa XI, kỳ họp lần thứ 11.

Trong các chính sách thuế nói chung thì thuế thu nhập cá nhân là thuế rất nhạy cảm, đụng chạm đến lợi ích trực tiếp của người dân. Chúng ta thường ngại rút hầu bao của mình ra đóng thuế, nhưng việc trả thuế thông qua tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ dường như không ai để ý. Vì vậy, cần thiết phải có chính sách và cơ chế thu nhập hợp lý đối với loại thuế này.

Tôi đồng tình cao với các ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước đây và cá nhân tôi xin có 4 góp ý kiến như sau.

Thứ nhất, tôi nhận thấy thời gian qua chúng ta làm chưa thật tốt công tác tuyên truyền, vì thế cần phải tuyên truyền để nhân dân không ngại thuế, không sợ nộp thuế mà coi việc nộp thuế là đương nhiên.

Thứ hai, tôi cũng tán thành việc đưa hộ kinh doanh cá thể vào diện được nộp thuế thu nhập. Vì hiện nay các hộ có thu nhập từ 5 triệu đồng/một tháng phải nộp thuế 1,4 triệu đồng, nhưng người làm công ăn lương không cần bỏ vốn, không cần tìm thị trường thì thu nhập 5 triệu đồng/một tháng lại chưa nộp thuế. Ở chỗ này bất bình đẳng, vì thế chưa khuyến khích kinh tế nhỏ lẻ phát triển, cho nên việc người làm công ăn lương phải nộp thuế thu nhập cá nhân và được trừ gia cảnh thì mới đúng.

Thứ ba, về các khoan thu nhập đóng thuế, tại Khoản 11, Điều 5 quy định miễn thuế đối với thu nhập từ cổ tức của người lao động là cổ đông được mua cổ phần ưu đãi trong doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, rõ ràng ở đây có sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước với các thành phần kinh tế khác, trái với nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế khác mà Đảng, Nhà nước đang hướng tới, nước chúng ta miễn thuế đối với các tổ chức của họ, vì họ có quá nhiều ưu đãi so với các người khác, không đảm bảo bình đẳng trong chính sách thuế như đại biểu trước đã phát biểu. Vì vậy tôi đề nghị bỏ điều quy định này.

Tại Khoản 9, Điều 5 miễn thuế tiền làm đêm cao hơn ban ngày làm thêm giờ, tôi đề nghị xem xét lại, thực tế hiện nay theo Pháp lệnh thuế thu nhập cao đang thu khoản thuế này và chúng ta đang tính chung các khoản thu nhập này với thu nhập tiền lương, tiền công, khoản tiền này không nhiều mà tách riêng thì mất công kế toán theo dõi và chi tiết, hơn nữa người lao động được giảm trừ gia cảnh thì hầu như không phải nộp thuế, mà nếu có thu nhập đến mức nộp thì chắc không mấy người, nên theo tôi cứ để như hiện hành.

Thứ tư, về vấn đề giảm trừ gia cảnh, Điều 20, trước hết tôi đồng ý với việc giảm trừ gia cảnh có tính đến hoàn cảnh của người, chứ không cao bằng là hợp lý. Tôi cũng đồng ý với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 4 triệu đồng và người phụ thuộc là 1.6 triệu đồng/tháng. Nhưng chắc chắn người dân quê tôi đang nghèo nên rất ít người được nộp thuế thu nhập cá nhân.
Về người phụ thuộc, dự luật này mở rộng thêm cả ông, bà, cô, bác, cháu không nơi nương tựa là có thể thực hiện nhân văn, phong tục tập quán của nước ta là tốt. Tuy nhiên khâu quản lý về thuế cần làm tốt và tương đối khó nên cần cân nhắc xem có nên mở rộng người phụ thuộc ra thêm không? Riêng việc số con không thấy còn khống chế hai con như trước. Theo tôi để phù hợp với chính sách kế hoạch hoá gia đình, nên để một gia đình không nên quá hai con. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan