Góp ý của Đại biểu Quốc hội Y Ngọc – Kon Tum

Thứ Năm 11:39 10-06-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường, tôi xin tham gia ý kiến vào những vấn đề sau:

Thứ nhất hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề bức xúc trong xã hội, đây là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Trong khi đó nước ta chưa có sắc thuế riêng để bảo vệ môi trường, các loại phí bảo vệ môi trường hiện hành mới chỉ dừng ở mục tiêu là huy động sự đóng góp của một số đối tượng, nhưng tính pháp lý chưa cao nên tác dụng hiệu quả còn thấp. Do vậy việc ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam và xu hướng phát triển kinh tế của thế giới.

Về bản chất thuế bảo vệ môi trường được xem là một công cụ kinh tế trong quản lý môi trường. Trong nội dung của dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường cũng như các mục tiêu của dự thảo luật dường như dự thảo luật chú trọng nhiều đến mục tiêu thay đổi nhận thức và hành vi có lợi cho môi trường. Nhưng đi vào nội dung cụ thể với cách tính thuế dựa trên việc xác định lượng hàng hóa thì có thể thấy rằng mục tiêu ngân sách có thể đảm bảo, còn mục tiêu bảo vệ môi trường thì chưa thể hiện rõ trong nội dung của dự thảo Luật. Do vậy đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét làm rõ nội dung trên.

Thứ ba, dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường gồm có 4 chương và 14 điều, dự thảo luật ngắn gọn, nhưng khó hiểu. Dự thảo luật còn quy định chung chung mang tính cào bằng chưa thể hiện tính công bằng để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo và nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần xây dựng luật theo hướng cụ thể hóa chi tiết để có thể áp dụng ngay vào thực tiễn và như vậy sẽ không mất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng và ban hành thêm Nghị định hay Thông tư hướng dẫn như các điều luật khác.

Thứ tư, dự thảo luật chưa đưa vào 5 nhóm đối tượng chịu thuế là xăng, dầu, than, túi nhựa xốp, chất làm lạnh và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng, đồng thời phạm vi áp dụng của dự thảo luật chỉ giới hạn đối với sản phẩm tiêu dùng trong nước. Theo tôi với đối tượng chịu thuế và phạm vi áp dụng giới hạn như vậy khó hy vọng dự án luật này mang lại những thay đổi cho vấn nạn môi trường hiện nay của Việt Nam. Có thể thấy dự thảo luật này chủ yếu hướng vào mục đích giảm khí thải vào diện chịu thuế, trong khi đó việc gây ô nhiễm từ nguồn nước, chất thải các nhà máy công nghiệp, nước thải từ các nhà hàng, khách sạn, cơ sở giết mổ chế biến v.v... mới là vấn đề nổi cộm và bức xúc nhất hiện nay dự thảo luật chưa đề cập đến. Mặt khác, trong những mục tiêu mà dự thảo luật khuyến khích phát triển kinh tế đi đôi với giảm ô nhiễm môi trường nhưng lại không đưa các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vào đối tượng điều chỉnh. Quy định như vậy không những không ngăn ngừa mà còn tiếp đường cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm nặng, sử dụng Việt Nam làm địa bàn để sản xuất hàng xuất khẩu, để lại gánh nặng về ô nhiễm môi trường tại cộng đồng và địa phương, trong đó Vedan là một trong những ví dụ điển hình.

Thứ năm, về thu thuế tại Điều 8, với xăng dầu mức thuế như trong dự thảo tương đương với phụ phí xăng, dầu hiện nay, cao nhất đối với xăng là 4.000 đồng/lít, dầu là 2.000 đồng/lít. Khi dự thảo luật này có hiệu lực thì các phụ phí được bãi bỏ. Vấn đề đặt ra là nếu áp dụng thuế vào mức sàn thì tác dụng của luật không khác gì so với quy định hiện hành, nhưng nếu đánh thuế cao sẽ làm tăng cước phí vận tải hiện đã rất cao. Ngoài ra nếu đánh thuế nặng thì có khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển từ dầu sang sử dụng than làm nhiên liệu đốt, khi đó lượng khí thải không những không giảm mà còn nặng nề hơn.

Với mặt hàng than tuy mức thuế không cao, khoảng 6.000-30.000đ/1 tấn nhưng liệu áp dụng thuế này có khả năng bất lợi cho nền kinh tế vì hiện nay ngành điện đang là khách hàng tiêu thụ than lớn nhất và nhu cầu của ngành điện ngày càng tăng trong tương lai. Hiện tại giá thành của nhiệt điện chạy than khá cao còn giá điện lại bị sự khống chế nên chưa thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài. Nếu than tiếp tục bị đánh thuế môi trường chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của nhiệt điện chạy than và việc thu hút đầu tư phát triển loại nguồn điện này sẽ càng khó khăn hơn, từ đó tác động xấu đến khả năng đáp ứng nhu cầu nhiệt điện cho nền kinh tế.

Vấn đề cuối cùng là thời điểm ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường, về tính cần thiết để áp dụng Luật thuế bảo vệ môi trường là không thể phủ nhận nhưng tôi nghĩ rằng thời điểm ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường Ban soạn thảo cần cân nhắc lại. Vì hiện nay Luật thuế tài nguyên, môi trường mới được ban hành và đang áp dụng trong đó có một số đối tượng đánh thuế như trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường như xăng, dầu do vậy Chính phủ cần có thời gian để theo dõi, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Thứ hai, lạm phát kinh tế đang ở mức khá cao do đó chưa phù hợp để đánh thuế môi trường vì có thể làm tăng mọi chi phí sản phẩm, giá thành sản phẩm.

Thứ ba, nếu chúng ta ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường như trong dự thảo thì chúng ta chưa kiểm soát được hết các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nên việc áp dụng thuế sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trên đây là ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan